Wednesday, August 31, 2011

Sản xuất 8 tháng “tốt” đến mức nào?




Chỉ số sản xuất công nghiệp đã có 2 tháng
đầu quý giảm so với tháng trước đó
[Marketing3k.vn] Tháng 8/2011, số liệu thống kê cho thấy công nghiệp giữ “phong độ” cao; xuất khẩu, nhập siêu đều tốt; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tích cực hơn năm ngoái.... Những doanh nghiệp vẫn kêu khó khăn lâu nay hẳn phải nghĩ mình thuộc số ít. 
Trong một “hỗn độn” số liệu kinh tế 8 tháng qua, với góc nhìn này thì là chuyển biến tích cực, nhưng soi từ hướng khác, nền kinh tế đang thấp thoáng những mất cân đối.

“Phong độ” và… “đón lõng”?

Tháng 7/2011, một báo cáo từ Bộ Công Thương có thêm dòng lưu ý một số ngành hàng công nghiệp chế biến “cần thận trọng hơn khi lập kế hoạch sản xuất”. Điều này dường như là “chuyện lạ” trong bối cảnh tăng trưởng công nghiệp cho thấy không quá bi quan, nếu xét trên số liệu thống kê. 

Chẳng hạn như ở tháng này, Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,3% so với tháng trước và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2010. 

Mặc dù các con số trên có tăng thấp hơn chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm nay (7,3%), nhưng nhìn vào cơ cấu, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,7% vốn chẳng phải là điều gì to tát. Nhất là khi giá nhiều loại khoáng sản vẫn lên vù vù và nguồn tài nguyên quý không bán nay thì mai, khó gì.

Ngược lại, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 10,7%; sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 9,8%. Nền sản xuất thực có lẽ không đến nỗi đáng thất vọng như nhiều lời ca thán từ doanh nghiệp.

Thêm triển vọng tăng trưởng sản xuất ở phía đầu ra, kim ngạch xuất khẩu thường chiếm khoảng 70% GDP tiếp tục duy trì “phong độ” cao. 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 60,8 tỷ USD, tăng tới 33,7% so với cùng kỳ năm 2010. Đáng chú ý là cả hai khu vực kinh tế trong nước và FDI đều có mức tăng trưởng vào loại “khủng” trên 32%. 

Sản xuất dường như đang kéo dòng vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam, bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng. Lĩnh vực thu hút được nhiều vốn FDI nhất cũng là công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Con số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm 2011 ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước phải chăng là biểu hiện của quan điểm “đón lõng” giai đoạn bùng phát sắp tới? Hay chính cuộc khủng hoảng trên thế giới đang dồn dập thông tin xấu mỗi ngày đã “bẻ lái” dòng vốn ngoại?

Một góc nhìn khác

Nhưng có những chỉ báo khác cho thấy sản xuất thực tế không dễ dàng. Theo kết quả điều tra lao động tại 4.279 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp của Tổng cục Thống kê, số lao động trong tháng 8/2011 đã giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2010. 

Đáng chú ý là trong ba ngành công nghiệp cấp 1, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,6%; lao động ngành sản xuất, phân phối điện, ga và nước giảm 6,9%, điều tưởng chừng rất khó hiểu khi sản xuất tăng khá tốt.

Vậy sản xuất công nghiệp “tốt” đến mức nào, có lẽ cần phải được xem xét kỹ hơn?

Một lưu ý là chỉ số sản xuất công nghiệp được Tổng cục Thống kê công bố hàng tháng đều là ước tính. Đương nhiên, diễn biến trên thực tế không hoàn toàn như vậy.

Tính toán trên con số thực hiện so với kỳ gốc được công bố đến thời điểm này, chỉ số sản xuất công nghiệp đã có 2 tháng đầu quý giảm so với tháng trước đó. Cụ thể là tháng 6 giảm khoảng 0,7% và tháng 7 giảm 1,1%.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh chủ yếu ghi nhận ở một số mặt hàng nông sản, kim loại và khoáng sản, công nghiệp nhẹ gia công như dệt may, da giày… 

Với nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận trong một báo cáo gần đây rằng, sản lượng xuất khẩu tăng không nhiều, kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu do thay đổi giá.

Cùng lúc xuất khẩu dệt may đang tăng mạnh, gần đây đã xuất hiện những cảnh bảo của doanh nghiệp về khả năng khó khăn từ thị trường Mỹ. Dầu thô không dễ có đột biến tiếp khi Dung Quất trở lại hoạt động. Vàng đang chảy ngược vào trong nước, trái với xu hướng của vài tháng trước đây…

Ở góc độ tiêu thụ trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tính tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2010, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 3,9%, một mức rất thấp trong so sánh với giai đoạn trước.

Đi cùng những diễn biến này, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/7 đã tăng 17,8% so với cùng kỳ, cũng là tháng thứ 5 liên tiêpcs chỉ số này cao hơn so với cùng thời điểm của tháng trước.

Trong khi đó, đầu tư trong nước cũng xuống thấp. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, tổng đầu tư toàn xã hội năm nay có thể chỉ còn bằng khoảng 34-35% GDP. Ông nhìn nhận, đây là “con số quá khắc nghiệt với nền kinh tế”.

Con số khách quốc tế đến vì mục đích công việc đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, dường như cũng cho thấy triển vọng giao thương trong ngắn hạn vẫn còn khó khăn.

Những rủi ro nào đang chờ đợi?

Mất cân đối liên quan đến nền sản xuất thực là lạm phát. Cung hụt hơn cầu thể hiện ở mức giá tăng lên, chuyển thành chỉ số giá tiêu dùng như một tham khảo, CPI đến tháng 8/2011 đã tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Sau giai đoạn CPI tăng tốc rất lớn, gần đây xu hướng hạ nhiệt đã rõ ràng hơn, được cho là do tác động của chính sách tiền tệ chặt chẽ và tài khóa thắt chặt. Tuy thế, với biên độ lạm phát chưa thay đổi nhiều, việc kiềm chế lạm phát trong giai đoạn cuối năm ở mức chỉ tiêu điều chỉnh 15-17% cũng còn là thách thức. 

Và từ mức lạm phát lên cao, những cuộc đua lãi suất đã thắt dần khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. “Trên thế giới, không có doanh nghiệp nào có thể hoạt động được với lãi suất 20-25%”, những quan điểm như thế gần đây được cảnh báo ngày càng nhiều trong các cuộc hội thảo, hay tư vấn chính sách cho lãnh đạo Chính phủ.

Câu chuyện đằng sau những chỉ tiêu về lạm phát và lãi suất tăng cao là thất nghiệp gia tăng. Số liệu lao động giảm trong tháng 8 của Tổng cục Thống kê là dẫn chứng “nặng ký”. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu cũng lớn dần, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước vào khoảng 3%.

Tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s gần đây cũng đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm đối với các khoản vay dài hạn bằng tiền đồng của Việt Nam. Dù được lý giải chỉ là thay đổi mang tính kỹ thuật, nhưng BB- cũng phản ánh phần nào những rủi ro vĩ mô ở trong nước chưa được cải thiện. Từ thay đổi xếp hạng này, chi phí vay vốn thời gian tới thế nào, có lẽ cũng là điều phải cân nhắc.

Thêm vào những rủi ro kể trên, thị trường ngoại hối gần đây “dậy sóng” cùng với việc tái nhập vàng. Dư địa từ khoản quota ước tính tương đương 2 tấn chưa nhập về vẫn còn treo lại sức ép với cân đối cung cầu ngoại tệ.
Anh Quân - Theo VnEconomy
Các bài khác:

Viện Toán dùng biệt thự triệu USD thế nào?




Viện Toán dùng biệt thự triệu USD thế nào?
GS Ngô Bảo Châu tại bữa tiệc mừng
biệt thự triệu USD ở Tuần Châu.
[Marketing3k.vn] Sau khi hoàn thành thủ tục nhận biệt thự 3 triệu USD cho Viện NCCC về Toán, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.

Khó khăn của Toán học VN là tính cách chi tiêu!

Thời gian sắp tới Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ sử dụng biệt thự 3 triệu USD tại Tuần Châu vào mục đích như thế nào?

Biệt thự là quà tặng giá trị mà ông Đào Hồng Tuyển dành cho Viện. Vì vậy, Viện sẽ dùng căn biệt thự phục vụ cho nhu cầu hoạt động của Viện. Cụ thể, sẽ để cho các nhà khoa học trong và ngoài nước về đây làm việc, nghỉ ngơi - đây là cách sử dụng thường xuyên nhất.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm việc sử dụng căn biệt thự như một nơi tổ chức thường xuyên những buổi hội thảo nhỏ về toán học hoặc các ngành khoa học khác nữa. Đó mới chỉ là những dự kiến.

Bây giờ, nếu Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được đầu tư số tiền 3 triệu USD, tương đương với giá trị căn biệt thự, thì theo Giáo sư, số tiền đó liệu giúp được nhiều cho toán học Việt Nam?

Nhà nước cũng đã có chương trình Quốc gia về phát triển toán học với 1 kinh phí tương đối lớn. Dự kiến là 600 tỉ trong vòng 10 năm. Số tiền đó khá nhiều so với hoàn cảnh đất nước hiện tại. Khó khăn mà toán học Việt Nam gặp phải là vấn đề về cách chi tiêu, nhưng hy vọng điều đó sẽ sớm hết.

"Tôi muốn cho hơn là nhận..."

Cách đây khoảng 1 năm, sau khi giành giải thưởng Fields, ông Đào Hồng Tuyển từng có nhã ý tặng Giáo sư biệt thự triệu đô, nhưng GS đã từ chối. Việc nhận biệt thự lần này có khiến Giáo sư phải suy nghĩ nhiều?

Khi ông Đào Hồng Tuyển có nhã ý tặng biệt thự này cho tôi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng đây là một tấm lòng rất chân thành. Duy có điều, tôi suy nghĩ rằng bản thân đã nhận được rất nhiều thứ rồi, từ điều kiện giáo dục trong gia đình, điều kiện học tập, làm việc nên không muốn nhận thêm bất cứ món quà nào của ai. Cái gì cho được thì cho chứ tôi không muốn nhận lại của mọi người.




Viện Toán dùng biệt thự triệu USD thế nào?, Giáo dục - du học, ngo bao chau, vien toan, dao hong tuyen, chua dao tuan chau, giao duc
Tôi đã được nhận quá nhiều rồi!

Tuy nhiên, khi món quà cá nhân của ông Đào Hồng Tuyển tặng cho Viện nghiên cứu cao cấp về toán lại là việc rất ý nghĩa. Tôi hoàn toàn ủng hộ và cảm ơn ông Đào Hồng Tuyển về món quà ý nghĩa.

Khi nhận lời làm Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, giáo sư đã xác định mình cần làm những gì?

Viện nghiên cứu cao cấp về toán là một mô hình mới có khả năng làm khởi sắc lại cho toán học Việt Nam, cùng một số ngành khoa học có liên quan. Mô hình này hoạt động khá linh hoạt. Chẳng hạn như nếu Viện nhìn thấy một hướng đi, một đề tài có khả năng thực thi ở VN, chúng tôi sẽ triển khai việc đó dựa trên cơ sở vật chất của Viện, kinh phí nhà nước cấp cho.

Chính vì sự linh hoạt đó, chúng tôi hy vọng tạo ra sự thúc đẩy cho các nhà khoa học đang làm việc trong nước, cũng như thu hút bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài quay trở về nước làm việc, các nhà khoa học nước ngoài sang làm việc ở VN lâu hơn chứ không phải là 1 tuần, 2 tuần mà là 2-3 tháng.




Viện Toán dùng biệt thự triệu USD thế nào?, Giáo dục - du học, ngo bao chau, vien toan, dao hong tuyen, chua dao tuan chau, giao duc
GS Ngô Bảo Châu đi thăm quan căn biệt thự triệu USD

Cương vị của tôi ở Viện là chịu trách nhiệm tổ chức các nhóm nghiên cứu sao cho đúng chuyên môn. Tất nhiên, tôi sẽ phải chịu trách nhiệm chính và được hỗ trợ bởi hội đồng khoa học khoảng 15 người.

Với cương vị ở Viện, Giáo sư sẽ mất tới vài tháng mỗi năm ở Việt Nam. Điều đó có ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống của Giáo sư ở nước ngoài?

3 tháng ở Việt Nam, bên cạnh việc tổ chức hoạt động ở Viện, tôi cũng tham gia vào công tác khoa học, nghiên cứu cùng với cả các cán bộ nghiên cứ Toán học.

Riêng về hoạt động của Viện là quanh năm, nhưng tôi không nhất thiết tôi phải có mặt ở VN thường xuyên. Tôi sẽ tham gia vào các cuộc họp chính để xây dựng kế hoạch công việc cho Viện. Còn việc điều hành của Viện đã có GS Lê Tuấn Hoa.

Biệt thự là món quà tinh thần hay vật chất?

Giáo sư lại chuẩn bị rời VN, GS có “hiến kế” gì cho toán học Việt Nam nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung phát triển mạnh hơn?

Tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này nhưng sợ rằng nói ngắn gọn trong 2-3 phút không hết ý. Nên có lẽ, chúng ta phải dành một dịp khác nói chuyện nhiều hơn.

Giải thưởng Fields Giáo sư nhận được thực sự khiến cho không ít người tự hào và “bùng nổ” niềm hy vọng cho toán học Việt Nam. Giáo sư sẽ phát huy tối đa sự ảnh hưởng của mình như thế nào để Việt Nam có thêm nhiều thành tựu khả quan về lĩnh vực Toán học?

Sự thiếu thốn nhất của toán học nước ta bây giờ có lẽ là niền tin! Niềm tin của con người với nhau và niềm tin của con người với chính bản thân mình. Điều tôi cố gắng làm là dùng uy tín cá nhân có được để củng cố, khơi dậy niềm tin đó. Không có niềm tin, chúng ta sẽ không sống được.

Theo quan điểm cá nhân Giáo sư, món quà biệt thự 3 triệu USD dành cho Viện nghiên cứu cao cấp về toán mang ý nghĩa tinh thần hay vật chất nhiều hơn?

Cái này bạn nên hỏi ông Đào Hồng Tuyển sẽ rõ hơn! Riêng cá nhân tôi, quà tặng này có cả ý nghĩa vật chất, tinh thần. Không ai có thể phủ nhận được giá trị vật chất của Căn biệt thự này, còn giá trị tinh thần ở đây là việc thế hệ đi trước- một người lính như ông Tuyển trao tặng biệt thự làm từ công sức, mồ hôi của ông cho các nhà khoa học. Tôi vô cùng trân trọng điều đó.
Giáo dục - Theo 24h
Các bài khác:

Tuesday, August 30, 2011

Xác định cấu trúc nền móng thương hiệu

[Marketing3k.vn] Trong thời đại mở cửa, các công ty nước ngoài nhìn nhận Việt Nam như một thị trường tốt để đầu tư và bán sản phẩm khiến sự cạnh tranh trong thương mại trở nên gay gắt và quyết liệt hơn.

Chính vì vậy mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu và lên các chiến lược marketing. Họ hiểu rằng thương hiệu là một điều không thể thiếu, sẽ giúp sản phẩm của họ có chỗ đứng không chỉ tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp - đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có điều kiện thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp - rất bối rối không biết phải làm thế nào để xây dựng thương hiệu. Sau đây tôi sẽ giới thiệu quá trình cơ bản để xây dựng thương hiệu. Cụ thể gồm các bước sau:
  • (1) Xác định cấu trúc nền móng thương hiệu

  • (2) Định vị thương hiệu

  • (3) Xây dựng chiến lược thương hiệu

  • (4) Xây dựng chiến lược truyền thông

  • (5) Đo lường và hiệu chỉnh .

(1): Xác định cấu trúc nền móng thương hiệu. Đây là bước quan trọng nhất của việc xây dựng thương hiệu vì quyết định những yếu tố/ thành phần quan trọng nhất của thương hiệu, bao gồm từ các nhận biết cơ bản, đến tính cách, đặc điểm, niềm tin… Sau đây là một số yếu tố quyết định nền móng của thương hiệu:

1.a. Giống như một tổ chức kinh doanh, thương hiệu cũng cần tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị… Những yếu tố này được gọi là Brand Platform. Cụ thể, Brand Platform sẽ phải có:s
  • Brand Vision Tầm nhìn: thương hiệu của bạn sẽ có vị trí như thế nào trên thế giới

  • Brand Mission - Sứ mệnh: thương hiệu của bạn có ý nghĩa gì, mang lại điều gì, mục đích là gì…

  • Brand Values – Giá trị thương hiệu

  • Brand Personality – tính cách/ đặc điểm của thương hiệu

  • Brand Tone of Voice – giọng điệu ngôn ngữ mà thương hiệu truyền tải đến khách hàng

1.b. Các nhận biết cơ bản của thương hiệu (Brand Attributes): đặc điểm nhận dạng giúp thương hiệu đó khác biệt với thương hiệu khác, thường do khách hàng đánh giá/ nhận xét, ví dụ như nhanh chóng, uy tín, dịch vụ tốt, chất lượng… Brand attributes được dùng cho bảng đánh giá thương hiệu mà các tập đoàn lớn thường dùng để đo đạc xem khách hàng nghĩ gì hay có thay đổi gì trong cách đánh giá thương hiệu hay không (brand health).

Brand attributes có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến nhiều quyết định về thông điệp (message), về cách truyền tải/ tiếp cận với đối tượng khách hàng cho hiệu quả nhất… Nhiệm vụ của những người làm marketing là phải xác định được brand attributes nào giúp củng cố sự trung thành của khách hàng với sản phẩm (customer loyalty), sự yêu thích với sản phẩm (adore/ adapt) để qua đó xây dựng các chiến lược phù hợp.

1.c. Các Lợi ích thương hiệu (Brand Benefits): lợi ích thực sự - real benefits (ví dụ Sony vaio nhỏ gọn, đẹp mắt) và lợi ích mà người mua cảm nhận – có thể coi là lợi ích tinh thần - emotional benefits (sản phẩm đem lại cảm giác của sự trẻ trung và sành điệu) Quảng cáo Orbit giúp làm trắng răng đến nỗi loé sáng khi chụp ảnh. Đây là lợi ích thực tế, có một chút cảm xúc (sự tự tin và tự hào về hàm răng trắng). Quảng cáo do công ty BBDO thực hiện.

1.d. Niềm tin thương hiệu (Brand Beliefs): các minh chứng về lợi ích của thương hiệu.Ví dụ Tiger Beer chứng minh chất lượng của mình qua hơn 40 giải thưởng quốc tế khác nhau về chất lượng vàng. Trong quảng cáo dưới đây, Tiger sử dụng hình ảnh huy chương vàng để thể hiện sự tự hào, và cũng là để tạo niềm tin cho khách hàng về chất lượng và sự yêu thích trên toàn thế giới

1.e. Tính cách thương hiệu (Brand Personality) Nếu thương hiệu đó biến thành người thì người đó sẽ như thế nào, tính cách người đó ra sao? Vui vẻ, thanh lịch, trẻ trung, hay đầy nhiệt tình? Tính cách thương hiệu thường là tính cách của đối tượng khách hàng nhắm đến và thường được truyền tải qua các phương tiện above-the-line như tivi, ngoài trời, báo, đài… và trên bao bì các sản phẩm in ấn.

1.f. Brand Promise lời hứa công ty đặt ra cho khách hàng, cần phải dễ hiểu, dễ tin, phải khác biệt/ đặc biệt, thuyết phục, đáng để được ưa chuộng. Đặc biệt là lời hứa này không được đối thủ sử dụng. Ví dụ Starbuck đưa ra lời hứa “For curious and discerning adults, Starbucks provides the best coffee experience that enriches lives” (Starbuck, dành cho những người trưởng thành ham tìm hiểu và sáng suốt, đem đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất về café mà sẽ giúp làm cuộc sống đậm đà hơn).

1.g. Tính chất thương hiệu/ Brand Essence là một vài từ ngắn gọn tóm tắt sự khác biệt và đặc trưng của sản phẩm, có thể được sử như câu slogan của thương hiệu. Nói cách khác, brand essence chính là điểm mấu chốt của thương hiệu trong nhận thức của khách hàng, cũng có thể được xem là định vị. Ví dụ Volvo là an toàn, Mercedes là sang trọng. Xe Smart là loại xe hơi nhỏ gọn, vốn được biết đến như loại xe tiết kiệm nhiên liệu nhất. Đây có thể coi là tính chất đặc trưng của thương hiệu Smart.

1.h. Cuối cùng là Brand Equity: là tổng hợp tất cả những giá trị, những điểm khác biệt, những yếu tố quan trọng liên quan đến thương hiệu.
Thái Thuý Anh - BantinĐHQGHN

Tín hiệu “nới” tín dụng, chứng khoán và bất động sản có được hưởng lợi?




Ảnh: TBKTSG
[Marketing3k.vn] Ý định nới lỏng tín dụng của NHNN đã được thể hiện rất rõ. Nhưng việc chưa đề cập đến thay đổi hệ số rủi ro đối với các khoản vay bất động sản và chứng khoán cho thấy tinh thần của Nghị quyết 11 về hạn chế tín dụng “phi sản xuất” vẫn còn nguyên.

Tại cuộc họp với 12 NHTM lớn cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đưa ra 9 giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng trong 4 tháng cuối năm 2011.

Đáng chú ý trong nhóm giải pháp này là NHNN xem xét tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN. Mục đích là nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường 1 và thị trường 2, giữa TCTD thừa và TCTD thiếu vốn, giúp các tổ chức thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ được lãi suất cho vay.

Tín hiệu nới lỏng tín dụng đã được phát đi

Theo Thông tư 13 được NHNN ban hành ngày 20/05/2010, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR) của các ngân hàng bị giới hạn ở mức 80% (tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 85%).

Thoạt nhìn con số tỷ lệ LDR quy định đối với NHTM ở mức 80% có vẻ cao. Tuy vậy, điểm đáng lưu ý ở Thông tư 13 là các khoản huy động được tính lại không bao gồm: tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, tiền của Kho bạc Nhà nước và tiền vay của các tổ chức tín dụng trong nước.

Với quy định này thì nguồn vốn mà các NHTM có thể cho vay sẽ thấp hơn nhiều so với 80% số vốn huy động được.

Chúng tôi đã có nhận định cho rằng những quy định tại Thông tư 13 sẽ ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng tín dụng vào nền kinh tế và TTCK.

Cuối tháng 9/2010, NHNN đã có một số điều chỉnh bằng cách ban hành Thông tư số 19.

Thông tư 19 định nghĩa lại “Tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” thay vì “Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động” như Thông tư 13. Như vậy, theo tinh thần TT 19 thì vốn cấp tín dụng không bị hạn chế liên quan đến vốn chủ sở hữu.

Có thể hiểu rằng tỷ lệ cấp tín dụng đối với ngân hàng là 80%, của tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 85% so với nguồn vốn huy động, và cộng thêm 100% từ vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, định nghĩa về “Nguồn vốn huy động” của Thông tư 19 rộng hơn rất nhiều so với Thông tư 13, khi bổ sung thêm nguồn vốn huy động bao gồm: (1) Tiền gửi kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước, (2) 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng, trước đây Thông tư 13 loại trừ hoàn toàn) và (3) Tiền vay của TCTD khác có kỳ hạn 3 tháng trở lên, trừ tiền vay để đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả.

Động thái này được xem là nhằm mục đích nới lỏng tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm 2010. Đến cuối năm 2010, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng 27.65% so với năm trước đó.

Với việc tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư 13 và 19, rõ ràng ý định nới lỏng tín dụng của NHNN đã được thể hiện rất rõ.

Nhận định này càng được củng cố khi đầu giờ sáng nay, NHNN đã quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ thêm 1%, mở đường hạn chế tăng trưởng tín dụng ngoại tệ, và định hướng vào tăng trưởng tín dụng nội tệ trong những tháng cuối năm 2011.

Tuy vậy, cần để ý là hiện tại NHNN vẫn đang giới hạn trần tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2011 ở mức 20%.

Chứng khoán và bất động sản có được hưởng lợi?

Ngoài việc tăng trưởng tín dụng đang được khống chế ở mức trần 20% (không rõ NHNN có ý định nới lỏng quy định: tại tất cả các ngân hàng và tại mọi thời điểm hay không?), cần lưu ý là chủ trương thay đổi hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán không hề được đề cập trong nhóm các định hướng điều hành của NHNN.

Theo Thông tư 13, các khoản vay kinh doanh bất động sản và các khoản vay cho vay đối với CTCK có hệ số rủi ro được nâng từ 100% trước đó lên đến mức 250%. Trong khi đó, hệ số rủi ro của các khoản cho vay đầu tư chứng khoán ở mức kịch trần 250%.

Các quy định hệ số rủi ro để tính tỷ lệ an toàn vốn này đã khiến các ngân hàng đồng loạt cắt giảm các khoản mục cho vay bất động sản và đầu tư chứng khoán trong suốt từ giữa năm 2010 đến nay.

Với thực tế NHNN chưa đề cập đến việc thay đổi hệ số rủi ro đối với các khoản vay ở hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, có thể hiểu Chính phủ vẫn đang duy trì chủ trương nắn dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, và tinh thần của Nghị quyết 11 về hạn chế tín dụng “phi sản xuất” vẫn còn nguyên.

Kịch bản tích cực đối với chứng khoán là luồng tín dụng dự kiến được nới rộng vào cuối năm 2011 sẽ giúp cải thiện đáng kể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đến lượt thúc đẩy TTCK tăng điểm.

Ngoài ra, một khi dòng tiền vào nền kinh tế nói chung được cải thiện thì tác động lan tỏa đến kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản, bằng cách này hay cách khác, cũng sẽ diễn ra.
Theo Vietstock
Các bài khác:

Đào tạo ngành sư phạm: Những khoảng trống đáng lo ngại

[Marketing3k.vn] Mùa tuyển sinh năm 2011 đã tiếp diễn một thực trạng không mấy tươi sáng của các ngành đào tạo sư phạm với mặt bằng đầu vào thí sinh không cao, nhiều trường lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn. Điều này không khỏi ảnh hưởng tới kết quả mục tiêu mà Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đặt ra cho ngành giai đoạn 2007-2015 và khiến dư luận lo ngại về chất lượng giáo dục ở cả hiện tại lẫn tương lai. Hội nghị về các trường sư phạm vừa được tổ chức trước thềm năm học mới đã cho thấy lo ngại ấy là có cơ sở.

Thiếu thầy dạy làm thầy

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2010, 100% giảng viên các trường ĐH sư phạm (SP) có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Đến năm 2015, ít nhất 50% và đến năm 2020, 100% giảng viên các trường ĐH SP đạt trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, tính đến năm học 2010-2011, tổng số giảng viên của các trường đại học SP là gần 4.400 người, tỷ lệ có trình độ từ thạc sĩ trở lên là khoảng 65%. Con số này còn cách khá xa so với mục tiêu mặc dầu đã phản ánh những tiến bộ nhất định trong công tác phát triển đội ngũ giảng viên, trong đó có đóng góp của đề án 322 và gần đây là đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: "Các trường đã chú trọng tuyển dụng giảng viên từ nguồn sinh viên giỏi; khuyến khích người có trình độ cao ở các ngành nghề khác tham gia đào tạo giáo viên. Nhiều địa phương và các trường SP có chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ.... Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều cơ sở chưa bảo đảm định mức về tỷ lệ giảng viên/sinh viên; một bộ phận giảng viên còn hạn chế về trình độ, chưa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ kế cận chưa được quan tâm đúng mức. Chế độ chính sách cho giảng viên còn bất cập. Có nguy cơ khủng hoảng đội ngũ giảng viên đầu đàn và cán bộ quản lý ở nhiều trường SP".

Nói về vấn đề nghiệp vụ SP của SV khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu, vốn là vấn đề đang được xã hội quan tâm gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Một số cơ sở đào tạo giáo viên đã triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến ở một số ngành. Tuy nhiên, các trường chủ yếu dành thời gian cho đào tạo khoa học cơ bản/chuyên ngành, thời gian đào tạo SP chỉ chiếm 10-20% thời lượng. Công tác thực hành, thực tập SP chưa được coi trọng".

Mặt khác, nội dung chương trình đào tạo chưa quan tâm đến yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông như: hầu như không đào tạo về công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, kiểm tra - đánh giá, giáo dục hòa nhập, giáo dục thường xuyên. Chương trình đào tạo cũng không đáp ứng yêu cầu Đề án đào tạo ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020. Đào tạo theo học chế tín chỉ đã được triển khai ở một số trường ĐHSP, CĐSP, song công tác chuẩn bị cho phương thức này còn lúng túng, chưa xác định rõ phương án, lộ trình giải quyết các khó khăn khi thực hiện như: tổ chức lớp học, xếp lịch thi, bố trí học bù, sinh hoạt đoàn thể và quản lý SV. Do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất và giảng viên nên ở một số trường việc triển khai đào tạo theo tín chỉ vẫn còn mang tính hình thức.

Trống nhiều lĩnh vực

Đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy là yếu tố hàng đầu mà nhiều lãnh đạo trường SP đã đặt ra như một giải pháp cấp bách cho công tác đào tạo SP hiện nay. Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Nguyễn Thị Mỹ Lộc khẳng định, để giải quyết những vấn đề thực tiễn, giáo viên đòi hỏi phải có kiến thức liên ngành, đặc biệt đối với giáo viên cấp trung học cơ sở. Hiện có nhiều lĩnh vực vẫn còn đang bị bỏ trống hay chưa được quan tâm đúng mức như: đào tạo giáo viên chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và tâm lý.

Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Văn Cẩn, nêu đề xuất đổi mới về tuyển sinh đối với ngành SP. Theo đó, ngoài các tiêu chí chung, thí sinh bắt buộc phải thi môn ngữ văn cho tất cả các ngành, nếu không "trong tương lai chúng ta sẽ phải trả giá về mặt bản sắc và ngôn ngữ". Ông Hoàng Văn Cẩn cũng đề nghị, điểm thi môn chuyên ngành của thí sinh SP phải đạt từ 5 trở lên và được nhân hệ số.

Một vấn đề "nóng" hiện nay là công tác thực tập SP cũng nhận được nhiều đề xuất từ phía các cơ sở đào tạo. Ông Hoàng Văn Cẩn cho rằng, ngay từ năm học thứ nhất, SV đã nên được tiếp cận với môi trường trường phổ thông. Tuy nhiên điều này đòi hỏi tính kế hoạch cao để có thể không gây nên sức ép đối với các trường tiếp nhận SV thực tập.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc đề nghị các trường thực hành của các cơ sở đào tạo sư phạm cần có cơ chế riêng, đặc biệt để triển khai các kết quả nghiên cứu. Hiện nay, để có chỗ cho SV thực tập, phần lớn các trường SP vẫn phải thương thuyết với các trường phổ thông, trên cơ sở tình thầy trò, giúp đỡ lẫn nhau chứ không dựa trên quy định nào về trách nhiệm của trường phổ thông đối với sự nghiệp đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, việc cử tất cả SV của các trường SP xuống trường phổ thông cùng một thời điểm để thực tập cũng không phù hợp. Theo bà Mỹ Lộc, trước khi được thực tập, SV lẽ ra phải qua khâu thẩm định, đánh giá, phân hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian thực tập có thể kéo dài tới 10 tháng thay vì dồn vào một thời gian ngắn như hiện nay. Như vậy có thể giúp giảm tải áp lực SV thực tập cho các trường phổ thông.

Có thể thấy, ngoài việc học sinh không mặn mà với SP, sự nghiệp đào tạo người thầy còn quá nhiều điều xa với mục tiêu đề ra. Khoảng cách ấy càng xa bao nhiêu, nỗi lo về chất lượng giáo dục sẽ càng lớn bấy nhiêu. Nhưng làm thế nào để thu hẹp được khoảng cách ấy là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Quỳnh Phạm - Theo Hanoimoi
Các bài khác:

Monday, August 29, 2011

Làm thế nào để xây dựng và duy trì một thương hiệu?

[Marketing3k.vn] Sự phát triển của một nhà sản xuất bao giờ cũng gắn với một dòng sản phẩm hoặc một sản phẩm và mang những dấu ấn thương hiệu riêng.Nhiệm vụ của các nhà xây dựng nhãn hiệu là phải làm sao cho nhãn hiệu của mình phải luôn đứng đầu trong danh sách nói cách khác phải làm cho nhãn hiệu trở thành lựa chọn đầu tiên của khách hàng. Xây dựng thương hiệu cũng giống như một quyển từ điển trong tâm trí người tiêu dùng. Ông Chee Kee Soon – Giảng viên khoa thương mại – ĐH Quốc tế Raffles sẽ cho biết những quan điểm của mình về cách thức xây dựng một thương hiệu có uy tín.

Theo ông, yếu tố nào tạo nên giá trị cốt lõi của một thương hiệu và làm thế nào để duy trì một thương hiệu uy tín trong tâm trí khách hàng?

Có 2 yếu tố chính tạo nên giá trị cốt lõi của một thương hiệu. Yếu tố đầu tiên là yếu tố cảm xúc và yếu tố thứ hai là yếu tố logic.

Yếu tố tình cảm được thể hiện ở vị trí cao nhất trong tháp thể hiện tài sản thương hiệu khách hàng và được gọi theo một cách khác là sự kết nối thương hiệu. Yếu tố cảm xúc tạo ra sự liên kết giữa khách hàng và thương hiệu. Khi khách hàng yêu thích một thương hiệu nào đó, họ cảm thấy như giữa họ và thương hiệu đó có một sự gắn kết và họ sẽ cảm thấy không thoải mái khi không được sử dụng sản phẩm của thương hiệu ấy.

Yếu tố quan trọng thứ hai để tạo nên một thương hiệu chính là yếu tố logic. Yếu tố này được thể hiện cụ thể qua hình thức và tính năng của sản phẩm. Trên thực tế chúng ta có thể thấy rằng yếu tố tình cảm và logic quan trọng như nhau. Ví dụ đối với thương hiệu Apple. Rất nhiều khách hàng gắn bó với thương hiệu này vì theo sự đánh giá của họ thì những sản phẩm của Apple thân thiện nhất người sử dụng. Và đó cũng là những sản phẩm họ yêu thích nhất. Yếu tố logic cũng được thể hiện cụ thể khi Apple liên tục tung ra những sản phẩm mới như iphone, ipod, ipad....Và có thể thấy rằng, yếu tố logic đóng một vai trò khá quan trọng trong sự thành công của một thương hiệu.




2010309449
Mô hình kim tự tháp cho xây dựng thương hiệu

Như lúc nãy, bạn có hỏi tôi một câu rằng: làm thế nào để nâng cao uy tín của thương hiệu trong tâm trí của khách hàng. Sự nhận diện của một thương hiệu được thể hiện qua logo, nhãn hiệu, màu sắc cũng như cơ sở vật chất hiện có của thương hiệu đó. Chính vì vậy, nhận diện thương hiệu phải được xây dựng trước tiên. Từ đó, chúng ta có thể đạt được uy tín trong suy nghĩ của khách hàng.

Những thương hiệu thành công nhất hiện nay luôn là những tên tuổi hàng đầu trong những lĩnh vực riêng của họ. Ví dụ, nếu một người nói họ muốn uống nước tăng lực, chúng ta nghĩ ngay đến cái tên Redbull. Tương tự như vậy, trong vài năm nữa, nếu một người nói họ quan tâm đến môi trường học chuyên về thiết kế, họ sẽ nghĩ ngay đến Raffles. Vì vậy, để giữ được uy tín của thương hiệu trước tiên chúng ta phải xây dựng được một hình ảnh công ty vững mạnh cùng với uy tín tốt. Ngoài ra, tất nhiên chúng ta cũng phải nhắc đến sự thống nhất của bảy yếu tố P như product - sản phẩm, price - giá cả, promotion - quảng bá, place - địa điểm, people - con người, process - quá trình và cuối cùng là physical evidence - cơ sở vật chất.

Ông đánh giá như thế nào về quan điểm “Thương hiệu là tài sản của Công ty”?

Đối với công ty lớn, giá trị lâu dài luôn quan trọng hơn giá trị tức thời. Thương hiệu chính là một giá trị lâu dài. Chính vì vậy, khi đề cập tới thương hiệu là đề cập tới nhãn hiệu, bảo hộ, mẫu mã hay ta còn gọi đó là giá trị “ nhận diện thương hiệu”. Nhiều công ty dịch vụ hàng đầu khẳng định rằng “ nhận diện thương hiệu” giúp phát triển giá trị của công ty. Do vậy, thương hiệu là tài sản rất quan trọng của 1 công ty. Nó giúp phân biệt giữa thương hiệu này với thương hiệu khác, ví dụ như sự khác nhau giữa Nike và Adidas.

Theo ông, làm thế nào để xây dựng, phát triển thương hiệu của Công ty trở thành một thương hiệu tập đoàn mạnh có tầm cỡ quốc gia và khu vực?

Theo như lý thuyết, có 4 bước quan trọng để xây dựng một thương hiệu mạnh và không có sự đi tắt. Trong 4 bước này, có 6 phần xây dựng lên 1 kim tự tháp. Bước đầu tiên, cần xác định chúng ta là ai. Bước thứ hai, thương hiệu phải nói được cho khách hàng biết ý nghĩa của thương hiệu. Bước thứ ba: có được phản hồi của khách hàng về thương hiệu. Bước thứ tư và cũng là quan trọng nhất, chính là mối quan hệ giữa thương hiệu và các khách hàng.

Tiếp theo, để trở thành một thương hiệu tầm cỡ quốc gia và khu vực, ví dụ như Việt Nam. Như tôi đã trao đổi, cần phải làm được 4 bước như trên. Bước một: xác định thương hiệu. Bước hai: hình ảnh thương hiệu. Sự kết hợp giữa 2 bước tạo ra danh tiếng của công ty. Danh tiếng tạo ra “cam kết” với khách hàng. Vậy những bước nào cần thiết để xây dựng 1 thương hiệu mạnh tầm cỡ quốc tế?

Có rất nhiều chiến lược xây dựng thương hiệu. Một số chiến lược có thể bao gồm việc tạo dựng thương hiệu kép. Ví dụ như Sony & Erricson, Ferrali… Hoặc cũng có thể là chiến lược đa thương hiệu, hoặc từ các thương hiệu con – mở rộng thương hiệu. Nhưng ở đây tôi cho rằng có 2 loại chiến lược phát triển thương hiệu thực sự quan trọng.

Một là chiến lược tái quảng bá thương hiệu, Khi một thương hiệu ngày càng trở nên ít phổ biến hơn, làm thế nào để chúng ta cứu nó, tạo ra sự tái sinh cho nó ? Nói cách khác là quảng bá nó ? Tất nhiên là phải để thương hiệu đó tiếp cận với nhiều đối tượng hơn, hoặc tái xây dựng thương hiệu của một sản phẩm. Ví dụ như trường hợp của ANZ đưa ra logo mới, Starbuck cũng có logo mới.




Starbucks_thietkelogo1
Starbuck thay đổi logo để tái xây dựng thương hiệu

Một chiến lược khác, để một thương hiệu mạnh trở nên mạnh hơn. Ví dụ như Samsung hiện là thương hiệu số một tại Việt Nam trong thị trường vô tuyến. Làm thế nào để họ tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong thị trường? Họ sẽ áp dụng chiến lược khẳng định sức mạnh thương hiệu. Họ cung cấp sản phẩm tốt, họ thành công nhưng họ cần phải giữ vững sự thành công đó. Và chiến lược thương hiệu như thế này sẽ giúp thương hiệu của họ ngày càng mạnh hơn. Để làm được như thế, tất nhiên sẽ có nhiều cách. Và việc quan trọng là cân nhắc trách nhiệm của doanh nghiệp đó. Họ có thể làm gì cho Việt Nam và công đồng. Đó là quan điểm của tôi về vấn đề này. Cảm ơn!

Vâng, xin cám ơn những lời chia sẻ rất thú vị của ông.
Theo Top5

Hạ lãi suất tín dụng: Cần các giải pháp căn bản hơn

[Marketing3k.vn] Cuộc họp của ngân hàng Nhà nước (NHNN) với 12 ngân hàng thương mại (NHTM) vào thứ sáu tuần trước tiếp tục khẳng định quyết tâm của tân thống đốc NHNN trong việc hạ lãi suất cho vay trên thị trường.

Các ngân hàng đều thống nhất về việc sẽ bắt đầu hạ dần lãi suất cho vay về mặt bằng 17 – 19% từ đầu tháng 9.2011. Tuy nhiên, những áp lực phải giữ lãi suất huy động ở mức cao của hệ thống ngân hàng vẫn đang rất lớn nhằm cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Điều này khiến cho việc hạ lãi suất đầu ra sẽ không dễ dàng.

Giải pháp mà NHNN dự định thực hiện trong thời gian tới để hỗ trợ các NHTM hạ lãi suất cho vay bao gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất tập trung vào việc đảm bảo thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng. Các công cụ tái cấp vốn và thị trường mở sẽ được áp dụng một cách linh hoạt hơn, đặc biệt với các ngân hàng nhỏ. Các giải pháp này đảm bảo các NHTM không phải huy động vốn bằng mọi giá trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức kinh tế) nhằm đảm bảo thanh khoản. Nhóm thứ hai tập trung vào việc tăng lượng tín dụng ra thị trường. Biện pháp chủ yếu hướng vào việc xem xét lại các tỷ lệ an toàn vốn của thông tư 13 và thông tư 19. NHNN kỳ vọng rằng việc điều chỉnh lại các tỷ lệ an toàn vốn sẽ khiến cho vốn không bị ứ đọng trên thị trường liên ngân hàng.

Khó hạ lãi suất huy động

Tuy nhiên, vấn đề mà các NHTM đang phải đối mặt là rất khó hạ lãi suất huy động. Lạm phát cao là nguyên nhân đầu tiên khiến lãi suất huy động phải ở mức cao. Tính cho đến tháng 8.2011 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng tới 15,68% so với tháng 12.2010 và tăng tới 23,02% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá xăng dầu đã giảm từ 300 – 500 đồng/lít từ 26.8 nhưng mức giảm 1,42 – 2,34% này không tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng và biện pháp này chỉ tạo ra tâm lý kỳ vọng nhỏ. Hơn nữa, giá dầu trên thế giới đang có xu hướng tăng trở lại sau khi chủ tịch cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED Ben Bernanke ra tín hiệu về việc sẽ có gói kích thích kinh tế mới (QE3 – nới lỏng định lượng) trong tháng 9.2011. Đó là chưa kể đến tác động từ việc thay đổi lương tối thiểu từ 1.10.2011 lên mức cao nhất là 2 triệu đồng/tháng. Tâm lý người dân thường lo ngại lạm phát sẽ tăng khi lương tăng.

Giá vàng và USD đang có xu hướng tăng trở lại cũng là rào cản lớn đối với lãi suất. Giá vàng tăng mạnh trong thời gian vừa qua có lúc lên tới 49 triệu/lượng đang thu hút một lượng vốn nhàn rỗi lớn và là kênh hút tiền cạnh tranh trực tiếp với kênh huy động tiết kiệm. Trong khi đó tỷ giá USD/VND cũng đã vượt lên trên mức 21.000 đồng/USD. Theo kinh nghiệm của các năm trước thì đồng Việt Nam thường có xu hướng mất giá mạnh vào cuối năm. Với việc các doanh nghiệp vay mạnh USD vào quý 2 và 3 thì nhu cầu mua USD vào cuối năm để trả nợ sẽ rất lớn. Đây là yếu tố chính gây áp lực đối với tỷ giá trong thời gian tới.

Một yếu tố nền tảng khác khiến lãi suất huy động khó hạ là tỷ lệ tổng tín dụng trên tổng huy động của hệ thống ngân hàng Việt Nam cao. Số liệu của quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF cho thấy tỷ lệ này vào tháng 3.2011 ước khoảng 1,13 và vẫn có xu hướng tăng trong những tháng vừa qua do tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng huy động. Tỷ lệ này cao khiến cho các NHTM luôn trong tình trạng thiếu vốn để cho vay. Việc cạnh tranh giữa các NHTM trong việc huy động vốn sẽ không thể nào ngưng được chừng nào tỷ lệ này chưa nhỏ hơn 1.

Tín dụng tăng chưa chắc khiến lãi suất cho vay giảm

Các chính sách mà NHNN hướng đến nhằm đẩy mạnh vốn tồn đọng trên thị trường 2 (liên ngân hàng) sang thị trường 1. Việc dỡ bỏ bớt những rào cản giữa hai thị trường này sẽ tạo ra một hiệu ứng bình thông nhau. Một phần vốn trên thị trường 2 sẽ chảy trực tiếp sang thị trường 1. Ngay cả khi điều này xảy ra thì có thể chỉ giúp cho việc vay vốn từ hệ thống ngân hàng được mở rộng cho nhiều khách hàng hơn chứ chưa chắc đã dẫn đến việc giảm lãi suất tín dụng.

Trong thời gian vừa qua, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp từ hệ thống NHTM là rất lớn. Do việc phải đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và tỷ lệ cho vay khu vực phi sản xuất là dưới 16% nên nhiều NHTM đã phải từ chối nhiều khách hàng của mình. Nếu như tỷ lệ an toàn vốn giảm xuống thì các NHTM sẽ có xu hướng ưu tiên mở rộng việc cho vay cho các khách hàng khác thay vì hạ lãi suất cho các khách hàng hiện có để tăng lợi nhuận.

Vấn đề mấu chốt vẫn là khả năng huy động vốn trên thị trường 1 của các NHTM. Trong tình hình mất cân đối giữa huy động và cho vay, các NHTM sẽ chỉ có thể bù đắp từ việc vay NHNN và tăng cường huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế. Nguồn vay từ NHNN được xem là khó có khả năng bởi cho đến hiện tại thì NHNN vẫn thông báo về chính sách thắt chặt tiền tệ theo đúng nghị quyết 11 của Chính phủ. Chủ trương của NHNN vẫn là làm thế nào để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong khi không phải tăng cung tiền. Hoạt động trên thị trường mở hầu như chưa có bất cứ động thái nào mới. Kể từ ngày 13.7 – 26.8.2011, NHNN luôn duy trì trạng thái cân bằng giữa lượng tiền bơm ra và hút về.

Cần những giải pháp căn bản hơn

Chủ trương hạ lãi suất cho vay, nếu chỉ trông chờ vào các biện pháp dỡ bỏ một số rào cản hành chính, chỉ có tác dụng hỗ trợ và có thể có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn. Việc hạ lãi suất đúng nghĩa cần một sự thay đổi thực sự về nền tảng kinh tế.

Mấu chốt của vấn đề vẫn là giảm tỷ lệ lạm phát và giảm tỷ lệ giữa tổng tín dụng và tổng huy động. Tiêu dùng ít hơn sẽ giúp giảm lạm phát. Trong khi tiêu dùng dân cư chậm thay đổi thì việc giảm tiêu dùng của Chính phủ là có thể. Tăng năng suất lao động sẽ giúp cho sử dụng vốn ít hơn để duy trì cùng mức tăng trưởng. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế trong thời gian tới. Đây mới là những giải pháp mà thị trường mong đợi để có thể giảm được lãi suất tín dụng bền vững trong thời gian tới.
NGUYÊN MINH CƯỜNG - SGTT
Các bài khác: