Friday, September 30, 2011

Lợi ích của marketing cộng đồng

20100204_marketing_heneiken.jpg
[Marketing3k.vn] Hoạt động marketing có tính cộng đồng và xã hội ngày càng trở nên phổ biến và được đầu tư nhiều hơn. Đường hoa, những đêm hội nghệ thuật... do nhiều nhãn hiệu tổ chức, dù không phô trương nhưng gây được ấn tượng và thiện cảm của người tiêu dùng.

Cánh én Coca - Cola

Đã thành lệ, cứ mỗi năm Xuân về, người dân lại nhớ đến hình ảnh những đàn chim én chao lượn, những cánh hoa mai, hoa đào vàng, đỏ rực rỡ trên trục đường Đồng Khởi (TP.HCM) và mặt tiền Tràng Tiền Plaza và Vincom (Hà Nội), cùng nhiều hoạt động như cầu nguyện với cây phúc lộc và hồ nguyện ước...
Tương tự, ngay từ dịp lễ Noel năm ngoái, toàn khu vực trung tâm quận 1 (trước Nhà thờ Đức Bà và trục đường Đồng Khởi), các công ty như Pepsi Co, VietNam Mobile, Vạn Thịnh Phát... lại tiếp tục mang lại cho thành phố một không khí rộn ràng, lung linh sắc màu... bằng cách trang trí đường phố.

Dĩ nhiên, với những hoạt động này, các doanh nghiệp không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội mà qua đó, hình ảnh thương hiệu của họ cũng được quảng bá rộng hơn. Chẳng hạn, nói đến “Đường hoa Nguyễn Huệ”, mọi người đều nhớ đến Saigon Tourist hoặc nhắc đến hình ảnh đàn én chao liệng giữa trục đường Đồng Khởi trong hai năm qua, người ta nhớ đến Coca - Cola. Hay nói đến Vinamilk, người ta nhớ đến chương trình “6 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo Việt Nam”...

Những hoạt động này dường như đã trở thành một phần tất yếu của các thương hiệu. Marketing vì cộng đồng là công cụ chiến lược, giúp định vị, tiếp thị, gắn kết thương hiệu với hoạt động xã hội, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy không công bố hiệu quả của các hoạt động này bằng những con số doanh thu cụ thể, nhưng một khảo sát cho thấy, sự thiện cảm của người tiêu dùng với các thương hiệu tham gia hoạt động cộng đồng ngày càng được nâng cao và củng cố.

Ông Chalermasak Pimolsri, Giám đốc Marketing Công ty 4 Orangers cũng thừa nhận: “Thương hiệu sơn Boss vào Việt Nam khá muộn, năm 2006 nhưng dã nhanh chóng có vị trí trên thương trường, chính là nhờ các hoạt động cộng đồng như tặng 12.000 nón bảo hiểm cho trẻ em, tài trợ cho đội bóng đá Bình Định, giải thưởng “Quả bóng vàng năm 2008” và năm nay là “Vì trái tim bóng đá Việt Nam.

Nghệ thuật chinh phục người tiêu dùng

Các hoạt động marketing có tính cộng đồng vì thế ngày càng được nhiều thương hiệu lựa chọn. Các tuyến đường trung tâm thành phố thường được doanh nghiệp “đặt trước” cho đơn vị khai thác là Saigon Tourist cả năm. Vietnam Mobile là doanh nghiệp đầu tư khá nhiều cho chương trình trang trí tuyến đường Lê Duẩn trong Noel và Tết Dương lịch năm rồi. Theo anh Nguyễn Văn Vinh, nhân viên Công ty Phong Phú: “Tôi không biết nhiều về cái tên Việt Nam Mobile, nhưng năm nay thấy thương hiệu này tham gia trang trí khu vực trước Nhà thờ Đức Bà khá ấn tượng, tôi bắt đầu có thiện cảm và tìm hiểu về thương hiệu này”.

20100204_marketing cong dong.jpg

Ở góc độ marketing, ông Đình Hoàng, chuyên viên thương hiệu cho biết: “Hiệu quả lớn nhất của các hoạt động cộng đồng chính là tạo được nhận biết thêm cho thương hiệu. Khi chất lượng sản phẩm giữa các thương hiệu không khác nhau mấy thì người tiêu dùng có thiện cảm tốt với thương hiệu nào, họ sẽ quyết định mua sản phẩm đó dựa trên cảm tình cá nhân”. Theo nghiên cứu thường niên của Edelman, 80% người tiêu dùng trên thế giới đều cho rằng, ngay cả khi kinh tế xuống dốc, các thương hiệu cũng cần có nguồn quỹ dự trữ phục vụ cho các mục đích xã hội, và 68% nói rằng, họ sẽ tiếp tục trung thành với thương hiệu trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nếu thương hiệu đó chung vai góp sức trong các hoạt động vì mục đích tốt đẹp cho xã hội.

Theo khảo sát của các nhãn hiệu Dove, máy tính Apple, xe hơi Toyota Prius, hoạt động marketing vì mục đích xã hội trở thành một công cụ định vị và tiếp thị thương hiệu một cách hữu hiệu, nhằm mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.

Tuy nhiên, khi làm marketing vì mục đích xã hội, các thương hiệu phải hết sức cẩn trọng. Nếu tính chất của hoạt động xã hội thật sự phù hợp với tính cách của thương hiệu, hoạt động marketing đó có thể hỗ trợ một cách tích cực cho hình ảnh thương hiệu. Người tiêu dùng ngày càng tinh tế và có thể nhận ra hoạt động nào chỉ nhằm mục đích phô trương. Vì vậy, nếu không cẩn trọng, doanh nghiệp sẽ nhận kết quả trái ngược với mục đích ban đầu.
Theo Doanhnhansaigon.vn

Việt Nam: “Cần có đổi mới lần hai”

picture
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng 
Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
[Marketing3k.vn] Hỏi ông có bi quan quá không khi khẳng định rằng, “không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”, ông liền hỏi lại, “thế bạn thấy có ai phản đối không?”.

Câu chuyện giữa VnEconomy với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, diễn ra khi không khí của cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM vẫn còn đang “nóng hổi”.

Là diễn giả đăng đàn thứ ba với chủ đề “Điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tái cơ cấu và cải cách kinh tế” tại hội thảo này, ông Doanh đã hơn một lần nhấn mạnh rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật và “cần có đổi mới lần hai” một cách sâu sắc, toàn diện.

Phải nói thẳng

Thưa ông, nhận định nền kinh tế đang ở tình trạng “xấu nhất từ năm 1991” đã được “kiểm nghiệm” ở diễn đàn nào chưa?

Chưa đâu, đây là lần đầu tiên tôi đưa ra nhận định này.

Các ý kiến tại hội thảo đều rất dễ dàng thống nhất là nền kinh tế đang rất khó khăn, song nếu khái quát như ông thì liệu có vội vàng quá không?

Thì bạn đã nghe cả tại hội thảo rồi đấy. Phải nói thẳng là tình hình đang rất xấu.

Xét về tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước… đều đang ở mức trầm trọng.

Đáng chú ý là sức khỏe của hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều vấn đề, tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Mức tín nhiệm của Việt Nam bị các công ty nước ngoài hạ thấp đến mức B-, tức là mức thấp nhất trước mức C.

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm 6 bậc trong năm 2011, xuống vị trí 65 trên 142 nền kinh tế. Tích lũy từ nội bộ kinh tế liên tục giảm sút, để duy trì mức đầu tư cao, nước ta đã tăng vay mượn nước ngoài, không chỉ qua nguồn ODA mà còn cả qua các kênh bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế và bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay mượn thương mại với lãi suất cao. Số nợ của khu vực doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản cũng tăng cao rồi.

Nợ nước ngoài lên đến 42% GDP, cao nhất từ 1998 đến nay. Nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh và phải trả nợ thay khi doanh nghiệp chưa trả được, như trường hợp xi măng Đồng Bành vừa qua, thì tổng số nợ đã vượt quá 100% GDP.

Một vấn đề nữa rất đáng chú ý hiện nay là chênh lệch giàu-nghèo tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, bên cạnh những người nghèo gặp khó khăn rất lớn trong đời sống, chữa bệnh, cho con đi học..., đã xuất hiện những hiện tượng phô bày sự giàu có, xa hoa theo kiểu trọc phú, rất xa lạ với truyền thống dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Rồi, tội ác hình sự, các hành vi bạo lực và các tệ nạn xã hội tăng nhanh, tình hình trật tự xã hội có diễn biến phức tạp, người dân lương thiện cảm thấy kém an toàn khi đi ra đường hay đến nơi đông người.

Nhưng thưa ông, chúng ta vẫn thường nghe các đánh giá là kinh tế - xã hội đang có chuyển biến tích cực?

Tất nhiên hiện thực là bức tranh nhiều màu sắc. Bên cạnh những “khoảng tối” như tôi vừa nói thì cũng có điểm sáng, như sản xuất nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo… vẫn tăng.

Bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng sản xuất thì cũng có doanh nghiệp làm ăn được. Ví dụ doanh nghiệp Mỹ Lan ở Trà Vinh chế ra vật liệu nano xuất khẩu, hay gốm sứ Minh Long cũng có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có năng lực cạnh tranh…

Những điểm sáng như vậy có thể tìm thấy ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương, nhưng chính những doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn vì lãi suất cao, lạm phát làm chi phí đầu vào tăng nhanh.

Những điểm sáng đó mình phải thừa nhận, song một vài con én nhỏ không làm nên mùa xuân, không làm thay đổi được cục diện.

Vậy nên đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật, phải có sự chuyển hướng chiến lược để khôi phục lại niềm tin của dân và các nhà đầu tư.

“Đổi mới lần hai”

Xin mạn phép hỏi ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, dù sao khi đã nghỉ hưu rồi thì cũng dễ “nói mạnh” hơn khi còn đương chức?

Với tôi thì không phải, tôi luôn luôn nói sự thật, vì thế nhiều phen sóng gió lắm rồi đấy, nhưng chắc bạn không biết rõ vì khi ấy bạn còn trẻ.

Còn ở tình thế hiện nay thì tôi thấy cả các anh đương chức cũng nói thẳng là chúng ta không nên ảo tưởng nữa, và nếu không điều chỉnh cho sát thực tế hơn thì kế hoạch 5 năm tới sẽ không thể thực hiện được.

Bởi thế nên ông mới kiến nghị “tình hình kinh tế-xã hội rất không bình thường này cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012”?

Theo tôi thì đã đến lúc Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất cần có quyết định cải cách mạnh mẽ, mà tôi tạm gọi là đổi mới lần thứ hai, để tránh khủng hoảng.

Như đã nói, cần điều chỉnh kế hoạch 5 năm tới. Trước mắt, cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cơ cấu và cải cách toàn diện trong ít nhất là hai năm 2012-2013, trước khi tiếp tục thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015. 

Mục tiêu của kế hoạch này là giảm lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu, cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu-chi ngân sách, cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, hoạt động đầu tư, thực hiện tinh giảm bộ máy nhà nước đã phình to lên nhanh chóng trong thời gian qua, cắt giảm biên chế hành chính.

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, giảm hẳn các khoản chi tiêu còn để ngoài ngân sách, thực hiện sự giám sát đầy đủ, chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử về chi tiêu ngân sách. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Mua sắm công, ban hành Luật Đầu tư công nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí, chia chác trong nhóm lợi ích.

Khâu trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện mô hình quản lý‎ dựa trên kết quả, công khai minh bạch như những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Khác với lần đổi mới thứ nhất - chủ yếu là cởi trói và giải phóng sức sản xuất, được sự ủng hộ của đông đảo nông dân và quảng đại quần chúng - đổi mới lần này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội. 

Có thể, một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi lớn sẽ không ủng hộ một cuộc đổi mới như vậy. Đó là nhiệm vụ khó khăn cần phải vượt qua, và cũng là sứ mệnh vẻ vang của thế hệ lãnh đạo hiện nay.

Phản biện chính sách cần được làm chu đáo hơn

Trong số các giải pháp để “chữa bệnh” bất ổn, nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm thu, giảm chi và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông có chia sẻ?

Giảm thu, giảm chi thì rất đúng rồi. Tập trung ổn định vĩ mô và phải khoan sức dân, bớt thuế bớt chi tiêu đi.

Tôi cho rằng cần phải phát động phong trào toàn dân cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một vị giáo sư người Nhật nói với tôi trước đây ông ấy đến Việt Nam thì được mời rượu Johnnie Walker đỏ, còn bây giờ thì họ mời Chivas giá mười mấy triệu. Và ôtô người Việt đi cũng sang hơn trước đây nhiều. Ở Nhật, không bao giờ một quan chức nào có thể mời bạn uống rượu sang như vậy bằng tiền ngân sách.

Vì thế cần phải tiết kiệm, trong đó thì cơ quan nhà nước cần gương mẫu trước.

Còn về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thì tôi đã nói nhiều lần là cơ chế quản lý của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, nhưng không phải là không khắc phục được.

Đi Trung Quốc, tôi được Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp của Trung Quốc cho biết là đã áp dụng chế độ quản lý theo hiệu quả, nhưng doanh nghiệp nhà nước bên đó cũng còn rất nhiều vấn đề.

Hỏi thế làm thế nào để khắc phục thì ông ấy cho biết là yêu cầu một nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia khảo sát và đề ra1 hệ tiêu chí, như phải tăng năng suất bao nhiêu, đổi mới công nghệ thế nào, lương thưởng bao nhiêu… sau đó công khai đăng lên. Ai có phương án thì gửi đến, rồi mời hội đồng nghe báo cáo, bỏ phiếu kín, người được phiếu cao nhất thì bổ nhiệm làm lãnh đạo 3 năm. Năm đầu làm không tốt thì không lên lương, năm thứ hai vẫn không làm được thì hủy hợp đồng không cho làm nữa và thay băng người khác.

Tại sao họ làm được mà Việt Nam mình chưa làm được?

Nhân nói đến vai trò của các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, có chuyên gia tự phê là ý kiến nào cũng nhấn mạnh phải tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng để góp ý cho Chính phủ tái cơ cấu bắt đầu từ đâu thì đội ngũ các nhà khoa học cũng chưa làm được nhiều. Ông có thấy “chạnh lòng” không ạ?

Lần gần đây nhất được mời đến hội nghị tham vấn cho Chính phủ thì tôi lại đang hội thảo ở nước ngoài nên không dự được, rất tiếc.

Đóng góp cá nhân thì có cũng có thể chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng tôi nghĩ chúng tôi luôn cố gắng đóng góp.

Chỉ có điều vai trò phản biện cũng chưa được coi trọng đúng mức, thể hiện ở cách làm vội vã. Thông báo trước hai ngày bảo mời anh đến thì làm sao mà chuẩn bị tốt được. Lẽ ra anh phải đặt hàng trước một số vấn đề để người tư vấn có thời gian chuẩn bị thật tốt. Sản phẩm 24 tiếng dĩ nhiên phải khác với sản phẩm được nghiên cứu nghiêm túc trong 2, 3 tháng chứ.

Cho dù như vậy thì có còn hơn không, thưa ông?

Rõ ràng chứ, chỉ có điều cần mở rộng hơn nữa. Tôi tin là nếu có quyết tâm cải cách, chúng ta sẽ làm được, làm tốt.
Theo Nguyên Hà - VnEconomy
Các bài khác:

GS Hoàng Tụy và khát vọng chấn hưng giáo dục Việt Nam

Đối với giáo dục đại học, GS Hoàng Tụy 
đề nghị cần cải cách mạnh mẽ đại học
theo hướng hiện đại hóa, quốc tế hóa.
[Marketing3k.vn] Giới khoa học thế giới ngưỡng mộ, tôn kính ông, bởi ông là “cha đẻ của tối ưu toàn cục”. Trong nước ông được nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh cho "những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, góp phần phát triển nền giáo dục nước nhà" - đó là GS Hoàng Tụy.

GS Hoàng Tụy được coi là “cha đẻ của tối ưu toàn cục” với những thuật ngữ mà bất cứ ai trên thế giới muốn đi vào chuyên ngành này đều phải học như Tuy’s cut (lát cắt Tụy), Tuy-type algorithm (thuật toán kiểu Tụy), Tuy’s inconsistency condition (điều kiện không tương thích Tụy)...
Tháng 9/2011, ông được tổ chức quốc tế Tối ưu toàn cục trao tặng giải thưởng “Constantin Caratheodory Prize”. Tiêu chuẩn công trình nhận giải thưởng này bao gồm tính xuất sắc, độc đáo, ý nghĩa, chiều sâu và ảnh hưởng của cống hiến khoa học. Như vậy, ông là người đầu tiên trên thế giới được nhận giải thưởng này. Một lần nữa thế giới lại vinh danh ông. Trước đây đã có những hội thảo quốc tế chúc mừng ông nhân dịp ông 70 tuổi (Thụy Điển, 1997) và 80 tuổi (Pháp, 2007).

Năm nay, GS Hoàng Tụy đã bước sang tuổi 84 nhưng suốt quãng thời gian hơn 60 năm qua ông đã cống hiến hết mình cho khoa học và cho nền giáo dục nước nhà. Ông cùng với GS Lê Văn Thiêm đề xuất xây dựng Viện Toán và Viện Toán đã trở thành cái nôi đào tạo nhiều nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam và trên thế giới.

“Khi được nhận giải thưởng này tôi cảm thấy bình thường thôi vì lâu nay mọi người làm về tối ưu toàn cục đều biết rõ những đóng góp cơ bản của tôi trong lĩnh vực này. Giải thưởng này chỉ là một lần nữa chính thức khẳng định những đóng góp ấy và xác định vị trí hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực “Tối ưu toàn cục” trên thế giới” - ông khiêm tốn khi nói về thành quả nghiên cứu khoa học của mình.

GS Hoàng Tụy Ông là người đầu tiên trên thế giới
được nhận giải thưởng “Constantin Caratheodory Prize”
do Tổ chức quốc tế Tối ưu Toàn cục đề xướng năm 2011.

Cải cách giáo dục - mệnh lệnh cuộc sống

Cải cách giáo dục - đó là điều GS Hoàng Tụy tâm huyết, đau đáu và kiên quyết theo đuổi hàng chục năm qua mặc dù có rất nhiều trở ngại, thậm chí là thất bại. Nhiều lúc ông đã nản lòng nhưng rồi ông nhìn thực tế, ông không chịu được lại tiếp tục đấu tranh và kiến nghị.

Theo ông, ba thập kỷ nay giáo dục là chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển của xã hội Việt Nam. Đến bây giờ sự thật hiển nhiên không cần phải bàn cãi nữa. Vì vậy cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh khẩn cấp của cuộc sống hiện nay. Chính điều đó ông và một nhóm tri thức đã có hai bản kiến nghị gửi lên Trung ương năm 2004 và năm 2009.

“Phải cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục, trong đó cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. Bởi hiện nay trong khi số lượng và năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của các doanh nghiệp thì hàng năm vẫn có hàng chục vạn HS, SV ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Mặc cho khẩu hiệu “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, và một số biện pháp đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm qua. Cơ cấu đào tạo khiến cho trong nước thiếu công nhân lành nghề, thiếu kỹ thuật viên trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi” - GS Tụy bức xúc.

Trong bản kiến nghị năm 2009, GS Hoàng Tụy và một nhóm tri thức đã kiến nghị về cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục. Cụ thể, sau THCS phần lớn học sinh sẽ vào trung học hướng nghiệp, chỉ một tỷ lệ nhỏ vào THPT. Mỗi loại trường này đều cung cấp cho học sinh một vốn văn hóa phổ quát dù để sau này tiếp tục học lên cao hơn, đồng thời trung học hướng nghiệp được học kỹ về một số ngành nghề được lựa chọn. Còn THPT thì không phân ban cứng nhắc mà tạo điều kiện cho học sinh được học theo năng khiếu sở thích, nhờ đó nâng cao chất lượng đầu vào đại học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đại học. Như vậy, sau 12 năm học, HS trung học hướng nghiệp nếu ra đời thì đã có nghề để kiếm sống tốt, rồi sau đó học tiếp nữa khi có điều kiện, còn học sinh THPT sẽ có nhiều lựa chọn và cơ hội để có thể tiếp tục học ở đại học mà không bị cản trở bởi cánh cửa hẹp của đại học như hiện nay.

Đổi mới tư duy cách học và thi

Theo GS Hoàng Tụy, thay đổi căn bản nhất hiện nay là cách học và thi. Ông cho rằng: “Học thì cứ miệt mài, nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi vẫn mãi một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng có thể là cơ hội kinh doanh, làm tiền của một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đã có rất nhiều hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, nhưng cho đến nay chủ yếu vấn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa. Ngoài việc bức thiết phải đổi mới hoàn toàn tư duy về học và thi, việc quan trọng hơn về lâu dài là phải nghiên cứu giải phóng nhà trường khỏi tình trạng giáo điều, kinh kệ bằng một giải pháp tương tụ như thế tục hóa giáo dục ở phương Tây”.

Đối với giáo dục đại học, GS Hoàng Tụy đề nghị cần cải cách mạnh mẽ đại học theo hướng hiện đại hóa, quốc tế hóa.

“Giáo dục đại học của chúng ta đã đi lạc ra ngoài con đường chung của thế giới và đó chính là nguồn gốc của mọi thứ khó khăn, vấp váp đã khiến chúng ta ngày càng chìm sâu vào lạc hậu. Từ nội dung, phương pháp giảng dạy, cho đến việc đào tạo tiến sĩ, tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường đại học, đến nay tuy đã có một ít tiến bộ chúng ta vẫn còn giữ nhiều tiêu chuẩn riêng, cực kỳ lạc hậu, chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, đại học của chúng ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc từ chiến lược phát triển cho đến từng việc quản lý cụ thể. Trong đó, cần những giải pháp mạnh trong 3 vấn đề lớn: Cải thiện chất lượng đầu vào; thay đổi phương thức đào tạo; tháo gỡ các rào cản nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, rất đáng quan tâm là việc xây dựng các đại học tiến lên đẳng cấp quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trước hết là về quan niệm” - GS Tụy đề nghị.

Tuy buồn nhưng GS Hoàng Tụy vẫn luôn hy vọng
những ý kiến tâm huyết về giáo dục của ông được lắng nghe.

Buồn và hy vọng

Điều GS Hoàng Tụy cho là then chốt nhất trong cải cách giáo dục đó là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Theo ông, không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với thầy giáo.

“Chúng ta vẫn chưa tôn sư trọng đạo, thầy giáo đồng lương không đảm bảo một mức sống tối thiểu bình thường, chưa nói là tử tế, khiến họ phải tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm, toàn ý mới làm tốt được nhiệm vụ” - GS Hoàng Tụy nói.

GS Tụy nhấn mạnh: “Cải cách giáo dục là việc lớn, không thể làm tùy tiện, vội vã nhưng nếu lấy cớ đó mà phải đợi cho nghiên cứu thật thấu triệt mọi khía cạnh triết lý giáo dục, mọi kinh nghiệm thành bại của thế giới, rồi mới chịu làm thì đó chính là sự bảo thủ trì trệ kéo dài vô thời hạn tình trạng khủng hoảng của giáo dục từ nhiều năm nay”.

“Cha đẻ của tối ưu toàn cục” nhiều năm qua lúc nào cũng buồn, ông buồn lắm vì mọi góp ý, kiến nghị của ông và nhiều bậc thức giả trong nước, ngoài nước, dường như chẳng mang lại kết quả gì đáng kể. Nhưng ông vẫn tin, tin đến thời điểm nào đó những ý kiến đúng đắn và tâm huyết về cải cách giáo dục sẽ phải được lắng nghe và thực hiện. Chỉ mong sao thời điểm đó không phải quá dài và còn kịp cho đất nước tiến lên đuổi kịp thiên hạ.
Theo Hồng Hạnh - Dân Trí
Các bài khác:

Thursday, September 29, 2011

Vì sao truyền thông cần coi trọng mạng xã hội?

[Marketing3k.vn] Một nhà báo chuyên nghiệp hàng đầu ngày nay sẽ không thể tồn tại nếu không nắm vững các trang mạng xã hội.

Dưới đây là năm lý do tại sao những hãng truyền thông mới ra đời phải quan tâm đến xu thế này, trích tham luận của nhà báo nổi tiếng người Na Uy John Einar Sandvand (Biên tập viên của Media Norway Digital) trình bày tại hội thảo thường niên do Liên minh Báo chí châu Âu tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ.

Mạng xã hội đã trở thành phần không thể thiếu trong công việc thường nhật của nhiều hãng tin. Tuy nhiên nhiều biên tập viên và nhà báo vẫn gặp khó khăn trong việc giành nhiều nỗ lực để tìm hiểu sự năng động đến bùng nổ của Facebook, Twitter và những mạng xã hội khác.

1. Lan truyền tin tức

Mạng xã hội là chia sẻ, và chia sẻ làm gia tăng lượng người đọc. Facebook và Twitter có thể trở thành những kênh rất mạnh để lan truyền tin tức. Có hai lý do chính cho việc này. Thứ nhất, mọi người thường tin tưởng những gì bạn bè gửi cho hơn so với từ người lạ. Những câu chuyện chia sẻ trên Facebook và Twitter do đó có cơ hội được ấn chuột vào nhiều hơn. Thứ hai, mọi người thường dành nhiều thời gian cho mạng xã hội nhiều hơn so với các trang khác. Theo Facebook, 800 triệu người dùng của họ mỗi tháng dành trung bình 15 tiếng đồng hồ đăng nhập.

2. Tạo ra sự gắn bó

Những thông tin không tạo ra sư gắn bó, hoặc ít tạo ra sự gắn bó, thì cũng không, hoặc ít có giá trị. Những hãng tin sẽ nhận ra rằng những tin tức tạo ra sự gắn bó với người đọc có thời gian tồn tại và được ấn chuột vào nhiều hơn. Người đọc dành nhiều thời gian hơn cho những tin tức như thế này và sẽ tiếp tục theo dõi những tin tức khác liên quan đến nó.

Những mạng xã hội lớn, như Facebook, Twitter, Linkedin và YouTube, cung cấp các thiết bị hiệu quả để tạo ra sự gắn bó và chúng cũng cho biết nhiều điều về những ai thực sự gắn bó với nội dung mà bạn đăng tải. Thông tin đó là rất đáng giá với hầu hết các hãng tin. Trước giờ nghề báo thường là một chiều. Các biên tập viên chọn tin tức và trình bày những câu chuyện theo ý họ cho đám đông công chúng.

Nhưng điều này đã thay đổi. Ngày nay tất cả mọi người đều có thể tạo ra và lan truyền tin tức họ muốn cho một cộng đồng mạng. Các nhà báo không còn độc quyền cung cấp và phân phối thông tin nữa. Những điều này làm thay đổi nghề báo và thay đổi sự chờ đợi của mọi người với nhà báo. Không còn là đường một chiều nữa.

3. Thông tin nhanh nhạy hơn

Khi những tin tức lớn xảy ra, không có cách nào theo dõi tốt hơn, trong vài giờ đầu tiên, là qua các 
mạng xã hội, theo ba cách.

Thứ nhất, những sự kiện lớn và trực tiếp. Trong những tình huống này, nhà báo nên ngay lập tức theo dõi những gì diễn ra trên Twitter từ những nhân chứng và các nguồn khác. Tin tức đầu tiên sẽ lan truyền trên mạng xã hội trước, rồi mới đến các phương tiện truyền thông truyền thống.

Thứ hai, khi chính mạng xã hội cũng trở thành tin tức. Chúng ta thấy điều này xảy ra ngày càng thường xuyên, ví dụ như cuộc cách mạng ở Libya hay sự kiện khủng bố ở Na Uy. Cách mà mọi người sử dụng mạng xã hội trong những sự kiện này, và vai trò của mạng xã hội, là một nhân tố quan trọng của toàn bộ câu chuyện.

Thứ ba, theo dõi mạng xã hội cho những nhóm sở thích khác nhau. Đây là cách các tổ chức truyền thông sử dụng mạng xã hội hàng ngày. Hầu hết nhà báo đều có lĩnh vực hoạt động riêng. Họ nên theo dõi một cách có hệ thống những gì người đọc trao đổi và quan tâm trong lĩnh vực của riêng họ trên các mạng xã hội.

4. Đối thoại với độc giả

Mạng xã hội buộc chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, từ làm báo một chiều sang đối thoại hai chiều với độc giả.

Mạng xã hội là chia sẻ, và chia sẻ là đối thoại. Không may là nhiều biên tập viên không nhận ra điều này. Họ xem các trang mạng xã hội chỉ là nơi truyền đi thông tin mà họ muốn, và không bận tâm đến thực tế là người đọc của họ muốn chia sẻ và liên lạc. Với các biên tập viên, lợi ích là rất lớn trong việc bắt đầu đối thoại với người đọc qua mạng xã hội.

Hãy xem thử trang Facebook của tờ báo lớn nhất Na Uy, Aftenposten. Hiện nó có 67.000 người theo dõi. Aftenposten đã dùng Facebook không chỉ là nơi lan truyền thông tin, mà còn để hỏi người đọc của họ bận tâm về những câu chuyện riêng biệt. Điều này rất có ích cho các biên tập viên.

5. Xây dựng giá trị thương hiệu

Đây là điều mà mọi hãng kinh doanh, và đặc biệt là các hãng tin, đều phải nhìn thấy trên mạng xã hội. Giá trị thương hiệu cao luôn mang lại những cơ hội lớn và cách bạn tương tác với độc giả có thể là một cách rất hay để xây dựng thương hiệu, khẳng định và củng cố những giá trị mà hãng tin của mình theo đuổi./. 

Theo Vietnamplus.vn

Bức tranh kinh tế Việt Nam 9 tháng: “Không được chủ quan”

picture
Chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến
 tại thời điểm 1/9 đã giảm tới 5,5% so với
cùng kỳ năm ngoái, chuyện hy hữu từ trước tới nay.
[Marketing3k.vn] “Nhìn vào bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng, có thể thấy kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 11 đã có những chuyển biến tích cực”, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói trước báo giới, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 26/9.

Tiếp sau sự kiện kể trên, nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng này cũng khẳng định, tăng trưởng kinh tế được cải thiện; lạm phát có xu hướng giảm dần; thu ngân sách đạt khá, góp phần giảm bội chi; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, nhập siêu tiếp tục giảm; dự trữ ngoại tệ tăng; lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm...

Bằng ấy những chỉ tiêu và cân đối vĩ mô “sáng” hơn trước cho thấy nền kinh tế đã qua giai đoạn "đen tối", khiến quan điểm của ông Đam có sức thuyết phục. Nhưng ở mỗi con số cụ thể vẫn còn đọng lại những lưu ý.

Tăng trưởng mấy quý gần đây, theo các cơ quan thuộc Chính phủ, đều đạt mức cao hơn so với quý trước. Nhưng ngược với những con số dần được cải thiện, nhiều doanh nghiệp “kêu như vạc” chuyện khó ở đầu vào sản xuất do tăng thêm chi phí, lẫn tiêu thụ ở đầu ra nhùng nhằng chẳng chịu bứt phá.

Mức tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2011 chỉ đạt 5,76%, dù thấp hơn so với con số tương ứng của 9 tháng năm 2010, vẫn cho thấy sản lượng nền kinh tế đang dần phục hồi qua các quý. Nhưng điểm đáng chú ý là sụt giảm tăng trưởng ở các ngành kinh tế cấp 1, dù đều thấp hơn khoảng 0,6-0,65 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, mức độ ảnh hưởng là rất khác nhau do không cùng tỷ trọng đóng góp vào GDP.

Nông nghiệp có vẻ như bị ảnh hưởng nhiều nhất, đóng góp của ngành vào tăng trưởng chung dưới 0,4%, tương ứng với GDP 9 tháng chỉ đạt mức tăng 2,39% (cùng kỳ năm ngoái tăng 3,04%). Tuy nhiên, xét về giá trị thì nông nghiệp chịu áp lực lớn từ tăng giá thế giới. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù khối lượng xuất khẩu phần lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng do giá tăng cao, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm lên đến 18,9 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này là bất lợi đối với mặt bằng giá chung trong nước. Do lương thực và thực phẩm có quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát tại Việt Nam bị ảnh hưởng ghê gớm từ diễn biến giá thế giới. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo năm tính đến tháng 9/2011, dù đã giảm nhẹ nhưng vẫn còn tăng ở mức hơn 22,4%, trong đó, đóng góp của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống lên đến trên 13,3%.

Dù đối với với đại bộ phận lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, giá cả tăng cao là có lợi, xét ở một góc độ cải thiện chênh lệch thu nhập. Nhưng hẳn nhiên, lợi ích thực tế thu về chưa chắc đã nằm trọn trong các con số về tăng giá trị nói trên. 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhập khẩu nguyên liệu nông, lâm nghiệp 9 tháng năm 2011 so với cùng kỳ tăng gần 30,4%. Có nghĩa, phần tăng giá nông sản bị tác động rất lớn bởi tăng giá đầu vào từ phân bón, thức ăn chăn nuôi nhập khẩu.

Ngược lại, sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng có mức điều chỉnh về tăng trưởng giá trị tương đương với nông nghiệp, nhưng tỷ trọng trong GDP cao gấp khoảng 2 lần cho thấy các ngành này vẫn còn duy trì được trong khó khăn. Tuy nhiên, lợi suất lại là điều đáng bàn.

Trong khi sức mua bị “hút” vào nông sản như đề cập ở trên, sản phẩm công nghiệp dù vẫn tăng trưởng về sản lượng đến 6,62% nhưng chịu sức ép ở hai đầu: chi phí dâng lên nhưng tiêu thụ không tăng tương ứng với sản lượng. Công nghiệp tăng trưởng trong khó khăn có lẽ là cụm từ lý giải hợp lý cho 9 tháng năm 2011. 

Bởi lẽ, trong khi lạm phát tăng cao và kéo lãi suất lên tới mức “khó chịu” đối với các doanh nghiệp, chỉ số giá bán sản phẩm người sản xuất hàng công nghiệp 9 tháng năm nay chỉ tăng gần 18,3%.

Trong khi đó, cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất 9 tháng năm 2011 so với cùng kỳ tăng gần 17,5%. Liên quan tới con số này, chỉ số giá USD tương ứng tăng xấp xỉ 9,7%. Những con số kể trên khi phản ánh vào chi phí sản xuất sẽ khiến cho giá thành đội lên tương ứng. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thì cho hay: "Rất ít người vay được với lãi suất dưới 17%/năm".

Ngược lại, tổng mức bán lẻ 9 tháng đã loại trừ yếu tố giá tăng chưa đến 4%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp cùng thời kỳ. Bài toán đầu tiên đối với doanh nghiệp trong hoàn cảnh này, thông thường là tiết giảm lại sản xuất và cố gắng hạ thấp tồn kho xuống mức thấp nhất.

Tính toán trên số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng thực tế giảm từ 0,7-1,1% trong tháng 6 và tháng 7, trước khi tăng trở lại khoảng 4% trong tháng 8. Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến cũng cho thấy sự sụt giảm trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8. 

Ở hoàn cảnh đó, chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến điều chỉnh rất mạnh trong tháng 8. Số liệu chốt tại thời điểm 1/9 của chỉ số này đã giảm tới 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chuyện hy hữu từ trước tới nay. 

Từ các chỉ số này, có thể cho rằng khối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang thu gọn lại sản xuất, hạn chế tồn kho để giảm tác động từ chi phí vay vốn kinh doanh tăng cao. Cũng liên quan đến diễn biến này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết đã có 4,7 nghìn doanh nghiệp giải thể trong 9 tháng năm 2011. 

Nhưng còn một điểm đáng lưu ý khác, phải chăng các doanh nhân còn e ngại những bất ổn ở giai đoạn cuối năm?

Trong một báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây, cơ quan này đề cập đến 3 nhân tố có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế 3 tháng tới.

Thứ nhất, Ủy ban cho rằng về cuối năm, tình hình ngoại hối có thể căng thẳng do một số yếu tố như cầu ngoại tệ có xu hướng tăng cao do yếu tố mùa vụ, các doanh nghiệp tăng mua USD để nhập khẩu và thanh toán. Bên cạnh đó là việc doanh nghiệp trước đây vay ngoại tệ bán lấy VND để kinh doanh, nay cần mua để trả nợ vay.

Thứ hai, thị trường chịu áp lực trước nhu cầu điều chỉnh giá một số mặt hàng cơ bản mà điển hình là điện. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực đang tiếp tục “hối thúc” điều chỉnh tăng giá bán điện trong khi lạm phát tâm lý còn lớn. 

Thứ ba, cung tiền, tín dụng, chi ngân sách các tháng cuối năm có xu hướng tăng, nếu không được kiểm soát hợp lý sẽ tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát trong thời gian tới. Ủy ban khuyến cáo tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 1,5%/tháng và trần tăng trưởng tín dụng nên ở mức 15% là phù hợp.

“Chúng ta không được chủ quan vì tình hình còn rất khó khăn”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này hôm họp báo Chính phủ. Quan ngại của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia được vị này cân đong cụ thể, với lạm phát tâm lý tăng 1% sẽ làm ảnh hưởng tăng lạm phát thật 0,64%; với tỷ giá tăng 1% sẽ kéo lạm phát tăng tới hơn 2%..., ông Đam dẫn lại một kết quả nghiên cứu.
Theo Anh Quân - VnEconomy
Các bài khác:

Giáo dục Việt Nam: Lạm phát sinh viên khá, giỏi

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong lễ
tốt nghiệp tháng 4-2011. Đây là trường có
tỉ lệ tốt nghiệp khá, giỏi thấp, chỉ với
 0,8% giỏi và 19,7% khá - Ảnh: Hà Bình
[Marketing3k.vn] Nhiều trường ĐH, CĐ công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc trên 90%, thậm chí có trường lên đến 98,6%. Nhiều người đặt câu hỏi liệu tỉ lệ “gần tuyệt đối” ấy có phản ánh đúng thực tế học tập của sinh viên?

Giữa tháng 6-2011, Trường ĐH Duy Tân tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho 1.424 tân kiến trúc sư, kỹ sư, cử nhân của trường. Tại buổi lễ, TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trong tổng số sinh viên tốt nghiệp có 103 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 536 sinh viên đạt loại giỏi, 707 sinh viên đạt loại khá, 21 sinh viên loại trung bình khá và 57 sinh viên loại trung bình. Như vậy, số sinh viên được nhận bằng loại khá, giỏi, xuất sắc trong năm 2011 của Trường ĐH Duy Tân chiếm đến 94,5% (1.346 sinh viên).

98,6% khá, giỏi, xuất sắc

Tương tự, tại lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) được tổ chức cuối tháng 6 vừa rồi, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trên 97% sinh viên của trường tốt nghiệp loại khá, giỏi trong tổng số 271 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp.

Trong khi đó, dẫn đầu về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc trong năm nay phải kể đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi tỉ lệ này lên đến 98,6%. Cụ thể, trong 986 sinh viên có 9 sinh viên đạt loại xuất sắc, 236 sinh viên đạt loại giỏi (23,11%), 771 sinh viên tốt nghiệp loại khá (chiếm 75,5%) và số sinh viên tốt nghiệp loại trung bình chỉ ở mức 0,7% (8 sinh viên).

Ngoài ra, một số trường ĐH, CĐ khác cũng có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi ở mức cao như ĐH Đà Lạt (78,3%), ĐH An Giang (70,7%), ĐH Hải Phòng (70%), CĐ Công nghệ Đông Á (75%), CĐ Phương Đông Đà Nẵng (74,9%)...

Giảng viên một số trường ĐH, CĐ nhận định không thể phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực của sinh viên và nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thạc sĩ N.C.H., giảng viên một trường ĐH công lập, thỉnh giảng tại một số trường ĐH ngoài công lập khác, đánh giá: “Qua kinh nghiệm giảng dạy của tôi, tỉ lệ sinh viên giỏi thật ở các trường ĐH công lập và ngoài công lập là rất ít, số sinh viên khá cũng chỉ ở mức độ khiêm tốn. Trong khi đó, sức học thực của sinh viên đạt loại trung bình khá và trung bình luôn chiếm đa số”.

Có du di?

Nhìn từ góc độ khác, một tiến sĩ đang tham gia giảng dạy tại một số trường ĐH công lập và ngoài công lập cho rằng có sự “du di” trong việc cho điểm, đánh giá sinh viên: “Mình là giảng viên, trước khi hợp đồng giảng dạy, nhân viên nhà trường luôn dặn dò phải thế này, thế kia về điểm số, phải hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh rớt sinh viên. Chỉ cho điểm kém khi sinh viên bỏ học quá nhiều, chứ có đi học, có làm bài thi thì cho điểm trên trung bình. Vì thương hiệu, nhiều trường vẫn áp đặt giảng viên trong việc cho điểm sinh viên”. Cũng theo giảng viên này, trong 100 bài thi của sinh viên ở một số trường, nếu “chấm thẳng tay” có hơn nửa sinh viên không đạt, nhưng nhiều giảng viên chỉ đánh rớt khoảng 10% “trong giới hạn cho phép” của trường.

Bên cạnh đó, nhiều giảng viên cũng thừa nhận đang hình thành tâm lý “ngại cho điểm kém” của một bộ phận giảng viên. “Nói chung, em nào có làm bài thi là đạt điểm trên trung bình. Mình chấm điểm kém nhiều quá, trường sẽ hỏi anh dạy thế nào mà sinh viên điểm kém. Nếu đánh rớt sinh viên nhiều quá sẽ bị trường cắt hợp đồng, nên nhiều giảng viên đành phải làm vậy” - một giảng viên phân trần.

Trong khi đó, “Khi nhận đơn xin việc, tôi không quan tâm lắm đến việc bạn đó có bằng tốt nghiệp loại gì - bà Đinh Thị Hồng Vương, giám đốc điều hành Công ty truyền thông Rossor, cho biết - Tôi chỉ quan tâm đến việc các bạn có thích nghi nhanh với môi trường làm việc, có chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi hay không mà thôi”.

Tương tự, ông Trần Minh Dũng - trưởng ban thuyền viên Tổng công ty Vận tải dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - cho biết qua kinh nghiệm làm việc ở nhiều công ty, ông nhận thấy các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến tác phong, thái độ trong công việc mà không quan trọng bằng tốt nghiệp loại ưu. Bởi, theo ông Dũng, bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc tại nhiều trường hiện nay “không thực chất lắm và đôi khi được trường tạo điều kiện”.

Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - giám đốc đào tạo Công ty Unity, nhận định: “Sinh viên ra trường, có bạn xếp loại trung bình, có bạn khá, giỏi nhưng các bạn thường na ná như nhau”. Bà Tâm cũng kể câu chuyện bà muốn “té xỉu” khi nhận được bản kế hoạch marketing của một sinh viên tốt nghiệp loại khá chính quy từ một trường ĐH.
--------------------------------------------
Mỗi trường một kiểu

Giảng viên đang giảng dạy tại một số trường ĐH, CĐ thừa nhận số lượng sinh viên khá, giỏi thực tại nhiều trường “không nhiều đến mức ấy”. Trong khi đó, một giáo sư nguyên là quan chức của Bộ GD-ĐT lại cho biết thước đo tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại được mỗi trường thực hiện một kiểu và không theo quy chuẩn nào. “Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi có lên xuống cũng... không có ý nghĩa gì” - vị này nhận định.

Trò đánh giá thầy: “con dao hai lưỡi”!

Theo một số giảng viên, quy chế “sinh viên đánh giá giảng viên” của nhiều trường đang khiến giảng viên “rụt rè” khi chấm điểm cho sinh viên. “Sinh viên không cần biết thầy dạy hay, dở, chỉ dễ với các bạn là được. Sinh viên đánh giá giảng viên là điều tốt nhưng đôi khi là con dao hai lưỡi trong việc giảng dạy, cho điểm của giảng viên. Vì nhiều lý do, nhiều giảng viên vẫn chấm điểm “đẹp” cho sinh viên để được đánh giá tốt” - một giảng viên đưa ra ý kiến.
--------------------------------------------
Theo Tuổi trẻ - HÀ BÌNH
Các bài khác:

Wednesday, September 28, 2011

6 xu hướng truyền thông xã hội năm 2011

[Marketing3k.vn] Việc nhìn nhận các xu hướng của truyền thông xã hội sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra phương cách tiếp thị hiệu quả trên các kênh số.

David Armano là Phó chủ tịch cấp cao tại Edelman Digital, một chi nhánh liên lạc của tập đoàn truyền thông toàn cầu Edelman. Ông là một người hoạt động năng nổ, và là một "think tank" trong lĩnh vực marketing kỹ thuật số và mạng xã hội.

Năm nay là một năm đặc biệt tốt đối với sự phát triển của truyền thông xã hội. Facebook đã qua mặt Google để trở thành website có lưu lượng truy cập lớn nhất; trong khi đó, một số cuộc điều tra cho thấy gần 95% các công ty hiện đang sử dụng LinkedIn để phục vụ cho công tác tuyển dụng.

Trong bài viết dự đoán xu hướng truyền thông cho năm 2010 cách đây một năm, tôi cho rằng điện thoại di động sẽ trở thành chiếc phao cứu sinh cho những người muốn truy cập vào các website truyền thông xã hội mà không có điều kiện sử dụng máy tính; và thực tế cho thấy mức độ sử dụng truyền thông xã hội qua các thiết bị di động đã tăng ở mức ba con số.

Ngoài ra, tôi còn dự đoán rằng "truyền thông xã hội sẽ bớt đi tính chất xã hội hóa", hay sẽ chọn lọc chính xác hơn; và quả đúng như vậy, các nhóm chuyên biệt trên Facebook đã xuất hiện trở lại, còn gần đây hơn là sự ra đời của Path - website được mệnh danh là "mạng xã hội cho những người bạn hữu" - với giới hạn 50 thành viên tham gia.

Năm vừa qua cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số thương hiệu dựa vào Foursquare, mạng xã hội dựa vào địa điểm hiện tại của người dùng kết hợp với các yếu tố trò chơi (Foursquare theo dõi những ai thường xuyên lui tới những địa điểm nào nhất. Nếu bạn đến những nơi đó nhiều hơn mọi người khác thì bạn sẽ trở thành "thị trưởng" ở đó, và có cơ hội nhận được những phần thưởng như cà phê miễn phí, kem miễn phí, ở khách sạn miễn phí - ND).

Đối với các lĩnh vực khác (như chính sách đối với truyền thông xã hội) thì dự đoán năm trước của tôi ít chính xác hơn. Đúng là người ta đã quan tâm tới vấn đề này nhiều hơn, song một nghiên cứu toàn cầu mới đây cho thấy mới chỉ có 29% các công ty là có chính sách truyền thông xã hội. Đây chưa phải là con số mà tôi kỳ vọng.

Vậy còn năm 2011 thì sao? Các dự đoán được sắp xếp ngẫu nhiên:

Đó chính là sự sáp nhập về kinh tế. Từ Ford, tới Dell, tới Starbucks (khách hàng), tới Jet Blue, và hàng loạt các công ty khác tiên phong trong việc ứng dụng truyền thông xã hội vào kinh doanh, 2011 sẽ là năm để họ nghiêm túc cân nhắc việc sáp nhập truyền thông xã hội - không phải ở cấp khu vực mà là ở cấp toàn cầu.

Bạn chớ ngạc nhiên khi thấy các công ty từng thử nghiệm các chương trình như Ford với "Fiesta Movement" và Starbucks với Foursquare lại cũng đồng thời trở thành các công ty đầu tiên đứng lên thực hiện một thách thức lớn là sáp nhập truyền thông xã hội vào tất cả các khía cạnh khác của kinh doanh, từ marketing toàn cầu cho tới quản lý khủng hoảng, và hơn thế nữa.

Các cuộc chiến giữa Tablet và điện thoại di động càng giúp phổ biến hoạt động kết nối qua mạng. Khi cuộc cạnh tranh giữa các sản phẩm điện thoại thông minh ngày càng tăng nhiệt, khiến cho giá cả của chúng trở nên rẻ hơn, và một loạt các máy tính mini tablet sắp được tung ra trên thị trường (Ấn Độ có những chiếc Tablet trị giá 35USD?), người tiêu dùng công nghệ sẽ được bước thêm một bước gần hơn với tương lai kết nối 24/24.

Hoạt động kết nối xã hội sẽ không chỉ diễn ra trong nhà, trong văn phòng làm việc, mà theo chủ nhân của nó khi đang di chuyển trên đường. Những gia tăng trong cạnh tranh, sự đa dạng, sức mạnh, và giá cả của các thiết bị công nghệ sẽ góp phần làm gia tăng hoạt động kết nối xã hội qua mạng.

Facebook làm gián đoạn hoạt động kết nối dựa vào địa điểm. Nếu như năm 2010 thuộc về Foursquare với các huy hiệu vui nhộn, mang tính cạnh tranh cao, và đôi khi gây nghiện, các vị trí thị trưởng cùng những phần quà đặc biệt, có vẻ như trong năm 2011 tới đây, Facebook sẽ làm một cuộc "đổ bộ" vào "lễ hội" của Foursquare.

Với hàng tấn dữ liệu và kế hoạch của Facebook để đối phó với Foursquare sắp được thực hiện trên quy mô toàn cầu, Facebook có đủ điều kiện thuận lợi để biến những dịch vụ dựa vào địa điểm trở nên hữu ích cho kinh doanh.

Những người tham gia bình thường cũng có thể mắc chứng "tâm thần phân liệt" với truyền thông xã hội. Tuy hiện tượng tâm thần phân liệt về truyền thông xã hội (tức sở hữu một lượng quá tải các profile xã hội) không phải là điều gì mới mẻ đối với các chuyên gia công nghệ, song nó sẽ càng trở nên phổ biến hơn, và càng ngày càng có nhiều người sử dụng "bình thường" mắc chứng này khi họ tham gia đồng thời nhiều website truyền thông xã hội như Twitter, Facebook, G-mail, chat, Skype, BBM, SMS, và Tumble.

Trong khi nhiều chuyên gia công nghệ đã tìm ra và áp dụng nhiều cách thức giúp họ quản lý và xử lý "chứng bệnh" này, những người sử dụng bình thường có lẽ vẫn đang loay hoay ở giai đoạn đầu của sự thay đổi, và họ cần một chương trình giúp họ phân biệt danh tính trên các trang mạng xã hội.

Điều này có thể dẫn tới sự gia tăng trong nhu cầu của những người tham gia bình thường đối với một biểu đồ mạng xã hội được tích hợp và đơn giản hóa - tức là đây là một cơ hội cho các diễn đàn và các công ty đáp ứng yêu cầu của họ.

Google không đánh họ, mà sẽ gia nhập với họ. Năm 2010, Wired nói rằng Facebook có thể sẽ đánh bại Google để "xưng bá" trên Internet. Nhưng ngay cả tới giai đoạn cuối năm 2010, sau hàng loạt những nỗ lực bất thành nhằm tạo ra mạng lưới riêng cho mình như Buzz, Google vẫn có đủ khả năng để chứng tỏ rằng cách tốt nhất để đánh bại Facebook, Twitter, và tất cả các website xã hội khác là thực hiện điều mà Google vốn giỏi nhất: Liệt kê họ thành các "mảnh" nhỏ.

Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi thì gần đây, giải thuật tìm kiếm của Google đã có nhiều điểm thông minh hơn đối với các dữ liệu về Twitter. Tôi chỉ việc đánh một vài từ là đã có thể tìm ra các tin nhắn tweet cũ của mình. Có khả năng là bằng cách tiếp tục thực hiện những gì mà họ làm tốt nhất, Google có thể tận dụng các website xã hội thông qua việc liệt kê tất cả những dữ liệu xã hội nào mà họ có thể tiếp cận.

Chúng ta hãy hy vọng rằng "động bàn tơ" Googleplex sẽ "phản công" trong năm 2011 tới; và có thể họ cũng thể hiện cho chúng ta thấy rằng họ có thể xác định được vai trò và vị trí của mình trên mạng xã hội.

Chức năng xã hội sẽ giúp các website "ăn khách" trở lại. Giới kinh doanh giờ đây đã nhận ra rằng người sử dụng muốn họ tích hợp các mạng xã hội vào website của mình. Các website như diễn đàn AMEX Open có thể là hình mẫu cho thấy các mạng xã hội như Twitter có thể được "lồng ghép" vào trải nghiệm Internet của người dùng ra sao.

Sẽ càng ngày càng có nhiều website trở thành "trung tâm kỹ thuật số" trong đó họ sáp nhập hoạt động kết nối xã hội từ nhiều cơ sở. Chẳng hạn, mạng xã hội âm nhạc Ping của Apple gần đây đã tích hợp với Twitter.

Tuy rằng việc sáp nhập này cũng có những khó khăn riêng, song nó cho thấy rằng ngay cả những thương hiệu lớn giờ đây cũng nhận ra rằng họ không thể tồn tại trong thế giới riêng của mình. Họ phải hòa nhập vào một thế giới đang có xu hướng kết nối xã hội ngày một nhiều.
Theo vef.vn

Việt Nam: Quy hoạch sử dụng đất để làm gì?

picture
Không ít dự án, khu công nghiệp được lập nên
 chỉ nhằm mục đích "ôm đất" của chủ đầu tư.
[Marketing3k.vn] Đất ở đô thị luôn vượt quy hoạch được duyệt, hàng loạt khu công nghiệp bỏ hoang... đã khiến cho công tác quy hoạch sử dụng đất dường như không còn ý nghĩa.

Đua lập dự án để chiếm đất

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến cuối tháng 12/2010, cả nước đã dành một diện tích đất tự nhiên là 72.000ha để thành lập 260 khu công nghiệp. Số khu công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục thành lập mới và mở rộng thêm đến năm 2020 có tổng diện tích đất tăng thêm là 81.000ha. 

Nhận xét về ý nghĩa của các khu công nghiệp,TS. Lê Tuyển Cử, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho rằng, không thể phủ nhận ý nghĩa của các khu công nghiệp trong việc thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm, tạo ra của cải vật chất... nhưng kèm với đó là những vấn đề bất cập phát sinh trong việc sử dụng đất nông nghiệp cũng rất đáng lo ngại.

Khảo sát của cơ quan này cho thấy, việc sử dụng đất tại nhiều khu công nghiệp không phải là không có bất cập, tình trạng chậm tiến độ, bỏ hoang không đưa vào khai thác không phải là ít, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng đất của dự án.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi đánh giá về kết quả sử dụng đất cũng chỉ ra rằng, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2010 tại một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất lúa.

Việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn dàn trải, nhiều địa phương tỷ lệ lấp đầy chỉ dưới 50% nhưng vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác. Chỉ tiêu Quốc hội cho phép là 44.000ha vào năm 2010, nhưng các địa phương đã kịp giao tới 93.000ha, vượt 211,36% cho các dự án.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong khi Chính phủ đang nỗ lực tiết kiệm đất thì các địa phương vẫn thờ ơ với chủ trương trên. Hội chứng sân bay, sân golf, cảng biển, khu kinh tế dường như vẫn được các địa phương triển khai, diện tích đất bị ngốn quá nhiều, trong khi hiệu quả chưa thấy đâu.

Theo ông Võ, với các nước khác, việc quy hoạch sân golf, resort, khu kinh tế...là chuyện bình thường, nhưng với chúng ta thì lại có chuyện. Bởi, đa số các nhà đầu tư thông qua các dự án đó để ra sức giữ đất, rồi sau đó tính chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trong khi đó, đối với đất ở đô thị, nhiều địa phương, khu vực đã vượt chỉ tiêu của nhà nước cho phép, song lại diễn ra cảnh nhà bỏ hoang, thậm chí có nhiều khu vực ở Hà Nội có cả một khu hàng trăm ha xây nhà rồi bỏ hoang.

Một vấn đề liên quan đến cấp đất và quy hoạch sử dụng đất được GS. Đặng Hùng Võ nêu ra, đó là tình trạng lãng phí đối với đất quốc phòng, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc phòng.

“Tôi biết chắc chắn và có bằng chứng cụ thể, có những đơn vị chỉ có 2 -3 anh bộ đội được cử đến để giữ đất, gây lãng phí ghê gớm”, nhưng cơ quan thẩm quyền cũng không làm gì được vì đã có chủ trương quy hoạch đất cho quốc phòng, an ninh.

Thị trường làm méo mó quy hoạch?

Tại hội thảo đóng góp ý kiến về quy hoạch sử dụng đất vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 27/9, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đất đai là chủ đề “nóng” nhất trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Thế nhưng, trái với kỳ vọng, các số liệu tổng kết kỳ quy hoạch 2005 – 2010 đưa ra không làm nổi bật được thực trạng về câu chuyện đất đai gắn với quy hoạch, đặc biệt là chuyện đầu cơ, biểu tình khiến kiện đất đai cũng không được đề cập đúng thực tế.

Đặc biệt, theo TS. Trần Đình Thiên, dường như cơ sở của quy hoạch sử dụng đất như thế nào dường như vẫn là một vấn đề mơ hồ đối với các nhà hoạch định quy hoạch. Điều đó dẫn tới một thực tế là nhiều khu công nghiệp, nhiều quy hoạch đất đai dường như được lập ra nhưng lại không dựa trên cơ sở nào cụ thể, không rõ là có vì mục tiêu phát triển kinh tế hay không.

“Bản chất quy hoạch phải gắn với giải quyết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng hiện chúng ta phát triển công nghiệp theo hướng ít sử dụng lao động, dùng nhiều vốn, đất nhưng tạo việc làm ít nên đã đưa đến bị kịch là nông dân khốn khó”, TS. Thiên nói.

Một thực tế được vị Viện trưởng Viện Kinh tế dẫn ra là tình trạng chạy đua cạnh tranh nguồn lực, vốn giữa các địa phương hiện nay đã làm nát quy hoạch sử dụng đất. Trong điều kiện nguồn lực cực kỳ có hạn nhưng tham vọng của những người lập, phê duyệt quy hoạch lại rất lớn nên dẫn đến việc phát triển khu công nghiệp, đô thị theo kiểu... nông dân.

“Do bất cập của việc phân cấp nên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có đến 18 dự án thép. Lãnh đạo địa phương này giải thích, vì theo quy hoạch của Trung ương tỉnh được một số, tỉnh lại có quyền cấp một số, các khu công nghiệp cũng được cấp phép và tổng cộng là 18 dự án”, ông Thiên cho hay.

Chính vì vậy, theo TS. Thiên, các nhà quản lý phải thật sự tỉnh táo, sáng suốt để thấy được rằng, các quy hoạch sinh ra để làm gì, có thực thi được không, nghĩa là vấn đề cốt lõi không phải là bản quy hoạch, mà là thực thi như thế nào. Đó là chưa bàn đến vấn đề sở hữu, nó là nguồn gốc gây nên những xung đột giữa nhà nước với dân.

Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ đang chuẩn bị sửa Luật Đất đai, theo kinh nghiệm của TS. Trần Đình Thiên, cứ mỗi lần có ra luật, sửa luật thì thị trường đất đai lại “loạn cả lên”. Giới đầu tư luôn tận dụng sự thay đổi của luật để trục lợi. 

“Chúng ta cứ sợ đất rơi vào tay người nào người nọ, nhưng càng sợ thì càng mất và rốt cuộc là luật luôn đi sau cuộc sống”, TS. Thiên khuyến cáo.

Còn theo TS. Lê Quốc Dung, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, một thực tế hiện nay phải thừa nhận đó là chúng ta xây dựng quy hoạch chưa sát với thực tiễn, trong khi thực hiện lại không sát quy hoạch. 

Có những diện tích đất khi Quốc hội quyết cho giảm nhiều nhưng khi thực hiện lại giảm ít, có diện tích giảm nhưng lại thực tế lại tăng, đặc biệt là đất đô thị luôn vượt quy hoạch được phê duyệt.

“Bức tranh quy hoạch đất trong thời gian qua chịu tác động rất lớn của thị trường và phát triển kinh tế, nó làm méo mó quy hoạch. Nhiều khu vực, vấn đề liên quan đến đất đai không theo quy hoạch”, ông Dung nói.

TS. Dung cũng cảnh báo, con số 46% lấp đầy của các khu công nghiệp thực chất cũng chỉ là lý thuyết báo cáo. Trên thực tế, hiện còn khá nhiều khu chỉ là lấp đầy hình thức, công nhân lưa thưa. 

“Hiện diện tích đất khu công nghiệp chuẩn bị cho kỳ quy hoạch sắp tới gấp 6 lần diện tích đất đã sử dụng trong 5 năm qua, nhưng về Lai Vu (Hải Dương), Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam... còn khối đất bỏ hoang. Đó mới là điều các nhà quy hoạch phải lưu ý”, TS. Dung nhấn mạnh.
Theo Bảo Anh - VnEconomy
Các bài khác:

'Giáo dục Việt Nam đang đào tạo ngược'

Các chuyên gia giáo dục hàng đầu Việt Nam
"hiến kế" chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
[Marketing3k.vn] Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó chủ tịch nước tại "Toạ đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” diễn ra tại Hà Nội hôm qua.

Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó chủ tịch nước cho rằng, giáo dục nước ta đang có những quy trình đào tạo ngược, vô lý và khúc mắc trong nhiều khâu. Đặc biệt là ở chương trình đào tạo ĐH.

“Người ta không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua. Chỉ từ năm 2006 đến 2010 chúng ta đã mở thêm 64 trường ĐH và CĐ trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có trình độ trên ĐH. Vậy làm gì có chất lượng đào tạo ở giáo dục đại học? Hơn nữa, không ít giáo sư, phó giáo sư vẫn phải chạy sô với số giờ dạy vượt xa mức quy định, thì làm gì có thời gian dành cho nghiên cứu khoa học”, bà Bình nói.

Cũng theo bà Bình, trước đây ngành giáo dục đã có chủ chương “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra”. Quy trình này được đánh giá là rất hợp lý, phù hợp với một nền giáo dục tiên tiến nhưng nó đã bị gỡ bỏ và các ĐH - CĐ đang thực hiện quy trình đảo ngược: “Thắt chặt đầu vào, đã vào là tốt nghiệp”. Tuy nhiên, trong năm học này, các trường đã nới lỏng cả đầu vào nhưng vẫn phải đối mặt với bài toán thiếu sinh viên và nguy cơ đóng cửa một số ngành đào tạo.

Do đó, theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục.

Sách giáo khoa vừa thừa vừa thiếu

Theo đánh giá của hầu hết các chuyên gia giáo dục tham gia tọa đàm, hướng dẫn giảm tải của Bộ GD – ĐT chưa thực tế, nội dung sách giáo khoa vẫn còn nhiều bất cập. 

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Quốc Toản, Bộ GD - ĐT mới chỉ dừng lai ở giảm tải về khối lượng và độ khó kiến thức, những phần trùng lặp chứ chưa dựa trên những nghiên cứu thấu đáo về tương quan giữa: Giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng? Do đó, việc thực hiện giảm tải mới chỉ là hình thức “chữa cháy”, chưa đạt được những mục tiêu quan trọng hơn đối với giáo dục phổ thông.

Cùng ý kiến, ông Nguyễn Đăc Hưng cho rằng: Chương trình sách giáo khoa ở bậc phổ thông sau khi "giảm tải" vẫn không có tính chất ổn định, vừa nặng, vừa thừa những nội dung không còn giá trị sử dụng lại thiếu tính khoa học và những nội dùng cần thiếu cho cuộc sống.

Vì vậy, ông Hưng đề xuất, giảm tải chương trình sách giáo khoa cần có một lộ trình thích hợp. Bộ GD phối hợp với các nhà giáo dục nghiên cứu làm thế nào để sách giáo khoa vừa phù hợp vừa sử dụng được lâu dài để không gây tốn kém. Bên cạnh đó phải xiết chặt việc xuất bản các sách tham khảo ăn theo tránh gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh và cả học sinh. 

Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đồng tình với các ý kiến trên và lo ngại, cách cắt xén chương trình để “giảm tải” cập rập như vừa thực hiện đầu năm học này, sẽ khiến việc làm chương trình sắp tới khó bảo đảm được chất lượng như mong muốn.

“Cần phải rũ bỏ mọi hình thức áp đặt ngay cả đối với sách giáo khoa. Cần thiết phải có nhiều bộ sách giáo khoa chứ không phải 1 bộ duy nhất như hiện nay. Vì có sự khác biệt về trình độ phát triền giữa các vùng miền (chưa thể thu hẹp trong một thời gian ngắn) và sự đa dạng về văn hoá trong cộng đồng 54 dân tộc anh em (cần được bảo tồn và phát triển) cho nên trong cuộc cải cách sắp tới phải có những phương án xử lý khác nhay đối với chương trình giáo dục phổ thông cũng như cần có nhiều bộ sách giáo khoa”, bà Bình “hiến kế”.

GS Hoàng Tụy phát biểu tại cuộc tọa đàm - Ảnh: Việt Dũng - Tuổi trẻ

Giáo sư Hoàng Tụy cũng cho rằng, điều chỉnh cục bộ, qua cơ chế phản hồi, kiểu như đổi mới vụn vặn mấy năm qua chẳng những không có tác dụng mà còn có thể làm tình hình tồi tệ, rối ren thêm. Lối ra duy nhất lúc này là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. "Bốn vấn đề cơ bản cần phải làm là: thay đổi cơ bản cách học và thi; Cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề; Cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa đại học, thay đổi chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo chức", ông Tụy ý kiến.

"Không để giáo viên sống bằng nghề khác"

Một trong những vấn đề chủ chốt để phát triển giáo dục là đội ngũ cán bộ giáo viên, trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia đội ngũ này chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. 

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nghiêm Đình Vì, Ban Tuyên giáo Trung ương, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo chưa có quy hoạch chiến lược, dài hạn cho toàn ngành. Đội ngũ giảng viên sư phạm vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, tính tỷ lệ tiến sĩ trong các trường cao đẳng sư phạm, ĐH sư phạm vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của giáo dục đại học. Do đó, chưa tạo nên bước đột phá đáng kể về chất lượng đào tạo.

"Cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành Sư phạm; tiếp tục nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên trong quá trình hội nhập quốc tế; tiến hành đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp ở các trường ĐH sư phạm. Hiện nay, xu hướng tích hợp vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vào đổi mới chương trình và sách giáo khoa THPT", ông Vì kiến nghị.

Về vấn đề này, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị: “Phải sớm cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phải thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp chứ không để các thầy cô giáo sống bằng dạy thêm hoặc bằng một nghề nào khác”.

Đồng tình với các ý kiến trên, giáo sư Hoàng Tụy nhấn mạnh: "Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với người thầy giáo".

Giáo sư Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, cần chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục.Trong đó, cần có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài về nước tích cực tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm.
Theo Đất Việt - Khánh Tường
Các bài khác: