Monday, November 14, 2011

Giải bài toán nhân sự: Văn hóa hay năng lực?

[Marketing3k.vn] Bất kỳ tổ chức nào cũng cần những nhân viên phù hợp với giá trị văn hóa của tổ chức đó. Giá trị văn hóa ở đây có thể hiểu là những nguyên tắc xác định bạn là ai trong tổ chức và ảnh hưởng tới các quyết định và công việc hàng ngày.

Alan Lewis là chủ sở hữu và Chủ tịch Tập đoàn Grand Circle, công ty du lịch quốc tế lớn nhất Mỹ cho các người Mỹ lớn tuổi. Bài viết của ông chia sẻ những kinh nghiệm tuyển chọn nhân sự phù hợp với giá trị văn hóa của tổ chức và tầm quan trọng của văn hóa tổ chức với sự phát triển lâu dài của công ty

Không công ty nào có quy trình tuyển dụng như nhau. Những công ty công nghệ không yêu cầu lập trình viên phải có kỹ năng giảng dạy, nhưng đó là điều đầu tiên người hiệu trưởng yêu cầu ở một giáo viên. Vì vậy, bạn cần có các tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá liệu một ứng viên có năng lực cần thiết để thành công ở vị trí ứng tuyển hay không.

Nhưng chỉ năng lực thôi chưa đủ. Bất kỳ tổ chức nào cũng cần những nhân viên phù hợp với giá trị văn hóa của tổ chức đó. Giá trị văn hóa ở đây có thể hiểu là những nguyên tắc xác định bạn là ai trong tổ chức và ảnh hưởng tới các quyết định và công việc hàng ngày. Những nhân viên không chia sẻ văn hóa của tổ chức sẽ làm loãng giá trị văn hóa và cản trở tổ chức đạt được mục tiêu của mình. Theo quan điểm của tôi, mọi tổ chức đều phải lựa chọn những ứng viên phù hợp nhất về văn hóa.

Giống như nhiều giám đốc điều hành, tôi thấy rằng sự gắn bó với văn hóa và các giá trị của công ty quan trọng hơn nhiều so với năng lực hay kinh nghiệm. Trong đa số trường hợp nếu ứng viên chia sẻ những giá trị của công ty thì chúng tôi có thể đào tạo để nâng cao năng lực.

Chính vì vậy, từ hơn một thập kỷ trước, chúng tôi đã sử dụng một quy trình tuyển dụng dựa trên giá trị. Quyết định đó đã không chỉ nâng cao hiệu quả công tác tuyển dụng, mà còn góp phần vào sự thành công lâu dài của các nhân viên và bản thân của tổ chức chúng tôi.

Phỏng vấn để đánh giá về các giá trị nghe có vẻ không đơn giản, nhưng các tổ chức và nhà quản lý tuyển dụng có thể dễ dàng áp dụng. Dưới đây là một số kinh nghiệm xây dựng quá trình tuyển dụng dựa trên giá trị tại công ty của chúng tôi.

Đừng chỉ yêu cầu các ứng viên mô tả họ phù hợp với những giá trị của công ty bạn như thế nào; hãy để họ cho bạn thấy bằng hành động

Bạn có thể hiểu được nhiều điều hơn về một ứng viên bằng cách quan sát ứng viên đó giao tiếp với các ứng viên và các nhân viên khác như thế nào. Tại Grand Circle, quy trình tuyển dụng bao gồm cuộc phỏng vấn nhóm, các ứng viên cho các công việc khác nhau được phỏng vấn cùng một lúc. Chúng tôi quan sát các ứng viên xử lý những tình huống độc đáo và phức tạp, cũng như cách họ giao tiếp với nhau. Dựa vào đó chúng tôi đánh giá liệu họ có hợp với các giá trị của chúng tôi hay không ­- giao tiếp cởi mở và dũng cảm, chấp nhận rủi ro, tốc độ, chất lượng, làm việc theo nhóm và thành công trong môi trường thường xuyên thay đổi.

Ví dụ, để kiểm tra khả năng chấp nhận rủi ro các ứng viên sẽ vào vai xử lý tình huống trong đó một đồng nghiệp phải đi công tác ngoài thành phố và cần một đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn thay thế cho một buổi thuyết trình quan trọng.

Chúng tôi cũng mời các ứng viên tham gia trò "thả trứng", trong trò này họ phải làm việc theo nhóm để thiết kế một chiếc tàu du lịch cho quả trứng (mà chỉ sử dụng ống hút và băng), phát triển một bài thuyết trình tiếp thị để "bán" chuyến du lịch đó, rồi thả chiếc tàu từ khoảng 3m. Từ bài tập này, chúng tôi có thể nhanh chóng phát hiện ứng viên nào thể hiện phẩm chất lãnh đạo và khả năng làm theo nhóm, ai thực hiện tốt trong các tình huống bất thường, và ai đã nghiên cứu trước về công ty.

Hãy thẳng thắn về văn hóa và các giá trị của bạn

Bạn không muốn thuê một người mà chắc chắn sẽ không được việc, lãng phí thời gian và năng lượng của họ (và của bạn). Thẳng thắn là cách tốt nhất để tránh điều đó. Các ứng viên sẽ tự ra đi nếu họ cảm thấy không thể hợp với văn hóa của bạn. Chúng tôi đã chứng kiến điều đó nhiều lần - như trong trường hợp một người đàn ông nói bài "thả trứng" của chúng tôi là "thực sự kỳ quái", hay trường hợp khác một người phụ nữ đã tuyên bố cô không muốn tham gia "văn hóa kumbaya"[1] của chúng tôi.

Tốt nhất là loại ra những người như vậy ngay từ buổi phỏng vấn hơn là để họ khó chịu với các giá trị của công ty ngay từ tháng làm việc đầu tiên.

Không nên kết hợp cuộc phỏng vấn năng lực với phỏng vấn giá trị

Khi các giá trị được đánh giá trong một cuộc phỏng vấn riêng, bạn sẽ có cơ hội phát hiện nhiều điều mà bạn sẽ bỏ lỡ nếu phỏng vấn chung năng lực và văn hóa. Một trong những nhân viên trẻ xuất sắc trong tổ chức chúng tôi đã tới phỏng vấn hầu như không có kinh nghiêm liên quan tới công việc - điều không có lợi cho anh ta nếu như chúng tôi chỉ tập trung đánh giá về năng lực, nhưng anh ta đã thể hiện một tham vọng và khả năng lãnh đạo tốt đến nỗi chúng tôi đã phải vội vàng thuê anh ta ngay lập tức.

Thuê được những nhân viên phù hợp về văn hóa là cách tốt nhất đảm bảo sự thành công lâu dài cho công ty của bạn. Sự gắn bó với công ty sẽ cao hơn (43% nhân viên của chúng tôi đã làm ở đây từ 5 năm trở lên), các nhân viên tham gia công việc tốt hơn, và các mối quan hệ với khách hàng sâu sắc hơn.

Bạn có nghĩ rằng, cần phải nhìn xa hơn năng lực để thấy được điều quan trọng hơn cả chính là các giá trị của công ty bạn?
--------------------------
[1] Kumbaya là một bài hát dân gian rất thịnh hành ở Mỹ từ những năm đầu thế kỷ XX. Bài hát thể hiện sự gắn bó, gần gũi về tâm hồn cũng như cách sống của một nhóm người. Vì vậy tên bài hát thường cũng được sử dụng để chỉ sự thân mật, đoàn kết, thân thiện trong các tổ chức và tập thể.

Theo VeF - Lê Anh Tuấn (lược dịch từ HARVARD BUSINESS REVIEW)

'Không nên hạn chế tín dụng phi sản xuất kiểu máy móc'

TS Trần Du Lịch
[Marketing3k.vn] Khẳng định chủ trương thắt chặt tín dụng là đúng nhưng trao đổi với báo chí Tiến sĩ Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không nên đánh đồng việc hạn chế tín dụng với mọi loại hình phi sản xuất.

Trong 2 tháng 9 và 10, theo Ngân hàng Nhà nước thì số dư tiền gửi ở hệ thống ngân hàng giảm sút. Ông đánh giá thế nào về nguyên nhân của hiện tượng này cũng như nguyên nhân tác động của nó đến hệ thống ngân hàng ?

Tôi cho là hiện tượng giảm mức tiền gửi nó liên quan đến tiền gửi của các tổ chức kinh tế. Trong điều kiện lãi suất cao còn kéo dài đến nay các tổ chức kinh tế có gửi tiền ở các tổ chức tín dụng thì họ có xu hướng rút tiền về để xử lý các vấn đề của họ, các vấn đề liên quan của các doanh nghiệp với nhau. Cho nên, việc rút tiền gửi nó đã làm cho tổng cung tiền (M2) không tăng được như chúng ta mong muốn trong thời gian vừa rồi.

Cũng liên quan đến vấn đề này, chúng ta thấy, dư nợ tín dụng cũng không tăng được vì với những tác động của các chính sách vừa rồi thì cũng làm nhiều tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong bối cảnh lãi suất cao giảm nhu cầu vay. Tuy nhiên, tôi không cho là việc giảm tiền gửi liên quan đến chính sách thắt chặt tiền tệ bởi vì trong thời gian gần đây, NHNN cũng đã có những sự linh hoạt hơn trong việc cung cấp tín dụng. Tôi cho là từ đây đến cuối năm, việc tăng mức tín dụng thông qua các nghiệp vụ của ngân hàng Trung ương sẽ khá hơn và có thể đạt mức 2 con số.

Ngân hàng Nhà nước cũng mới đưa ra chính sách, cho phép các ngân hàng đẩy mạnh cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu... Ý kiến ông thế nào trước lo ngại việc mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực này làm cho tăng trưởng tín dụng cả năm 2011 có thể vượt 20%?

Trong nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ là chính sách tín dụng "chặt chẽ, thận trọng” về điều hành linh hoạt. Nhưng trong thực hiện, tôi cho là có sự máy móc, áp dụng cào bằng với các tổ chức tín dụng trong việc cho vay, kể cả sản xuất, phi sản xuất. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh cho linh hoạt hơn, có phân biệt và đặt ra đối tượng cho vay. Tôi thấy đề nghị một số lĩnh vực thì các tổ chức tín dụng được cho vay vượt khung, vượt trần như cho vay để thu mua, chế biến làm hàng xuất khẩu, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động... Nắm chắc, đánh giá hiệu quả dự án, cho vay đúng đối tượng thì dòng vốn cho vay sẽ phát huy hiệu quả, giúp phục hồi sản xuất để doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.

Theo ông đánh giá, thị trường bất động sản sẽ bị tác động thế nào sau động thái nới lỏng tín dụng đối với một số hạng mục?

Tôi nghĩ là Ngân hàng Nhà nước đưa ra biện pháp như vậy là đúng. Tôi cũng đã từng đề xuất giải pháp này. Hiện nay, chúng ta thực hiện biện pháp gọi là siết chặt, hạn chế cho vay với khu vực gọi là phi sản xuất một cách máy móc. Đặc biệt với thị trường bất động sản, chúng ta đã làm cho thị trường này không có cơ hội phục hồi. Ngay ở thị trường bất động sản hiện nay, chúng ta thừa cao ốc văn phòng, thừa các các căn hộ chung cư cao cấp nhưng hoàn toàn thiếu những căn hộ cho những người có thu nhập trung bình dạng căn hộ 500-600 triệu đồng mỗi căn.

Ví dụ như ở TP HCM, nếu như có những căn hộ loại này sẽ bán rất chạy. Vậy tại sao chúng ta không có chính sách tín dụng tốt phục vụ đối tượng này coi như điểm đột phá, hâm nóng thị trường bất động sản lên và giải quyết những khó khăn cho các ngành liên quan như sản xuất vật liệu xây dựng, sắt thép, tạo tác động lan tỏa đến nền kinh tế. Tôi cho là biện pháp này của Ngân hàng Nhà nước là đúng đắn.

Nhưng cũng không ít người lo ngại, trong bối cảnh như hiện nay, việc mở van tín dụng bất động sản sẽ làm lạm phát có nguy cơ tăng lên, ý kiến ông thế nào?

Chúng ta không lo rằng, với chính sách như vậy nó ảnh hưởng đến lạm phát, trái với chủ trương trong nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Nên nhớ rằng, trong nghị quyết của Chính phủ, mức tăng trưởng tín dụng năm 2011 dư nợ tín dụng tăng ở mức dưới 20%. Bây giờ chúng ta còn quá xa để đạt mục tiêu này. Cho nên dù có nới đi nữa, mức tăng trưởng tín dụng vẫn ở trong tầm kiểm soát được.

Theo VnExpress - Hồng Anh- Hoàng Lan
Các bài khác:

Nếu cuộc đời có lệnh “Undo”

[Marketing3k.vn] Là một thạc sĩ tâm lý tốt nghiệp ở Mỹ, nhưng có lẽ điều làm nên chỗ đứng của cô hôm nay trong lòng sinh viên không phải là tấm bằng danh giá kia mà chính bởi một lòng tha thiết yêu nghề cùng tất cả sự chân thành, tận tuỵ của cô với sinh viên.

1.Đi qua một chặng đường 12 năm với bao lần thay đổi rồi Phoenix Hồ mới biết đâu là nơi mình thuộc về. Tốt nghiệp chuyên ngành thương mại – marketing ở Mỹ, cô về Việt Nam theo lời mời hợp tác của một người bạn cho dự án thành lập khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né. Tuổi trẻ, năng động, thích tự do nên cô chỉ cần thích là sẽ đi, sẽ nhận làm và hoàn toàn không quan tâm nhiều đến các vấn đề khác. Và khi dự án không thành, cô tiếp tục ở lại Việt Nam để theo học chương trình master education tại trường đại học RMIT và tham gia những hoạt động thiện nguyện. Sau văn bằng thạc sĩ đầu tiên, cô nhận ra vị trí công việc của một hiệu trưởng hay hiệu phó không phải là việc mình thích. Phoenix thích đi dạy học, cô từng thử đi làm giáo viên nhưng rồi nó cũng không phù hợp. Quyết định quay trở về Mỹ, cô tiếp tục học thêm văn bằng thạc sĩ thứ hai ở chuyên ngành tư vấn tâm lý. Tại đây, cô vừa học và vừa làm tư vấn gia đình, công việc mới cho cô niềm vui được lắng nghe, tư vấn và làm cầu nối cho nhiều người như cô hằng muốn. Nhiều lần nghĩ rằng mình sẽ ở lại Mỹ và tiếp tục công việc này, nhưng mối nhân duyên với Việt Nam lại thêm một lần cho cô được trở về nước với lời mời vào vị trí chuyên viên tư vấn hướng nghiệp của trường đại học quốc tế RMIT.

Với cô, về Việt Nam là vì duyên nhưng ở lại và gắn bó lại vì yêu. Yêu một lần nữa lại là yêu nghề, yêu công việc và môi trường làm việc đang có. Đã gần ba năm, nhớ về ngày đầu tiên cô bảo rằng cô không nghĩ sẽ gắn bó với nơi này đến thế. Còn hôm nay, cô biết mình không muốn thay đổi bất kỳ một điều gì nữa. Công việc tư vấn hướng nghiệp cùng môi trường làm việc quốc tế thân thiện, sáng tạo đã như một mảnh ghép cuối cùng vừa khin khít cho bức tranh sự nghiệp của cô. Chia sẻ thêm về những thiên khiếu nghề nghiệp, cô kể rằng ngày còn bé cô rất thường quan tâm đến các anh chị, bạn bè của mình rằng họ thích học môn gì, cá tính họ sẽ phù hợp với ngành nghề gì. Nhưng thực sự cả một quãng đường trước đó, cô chưa hề có ý niệm rằng mình sẽ là một giáo viên tư vấn hướng nghiệp như hôm nay. Không chỉ là một người cô, một người bạn đầy sẻ chia của sinh viên ở trường, mỗi cuối tuần cô còn dành ra ít nhất từ ba đến năm tiếng cho các hoạt động hướng nghiệp cộng đồng cùng viện Nghiên cứu giáo dục. Là một trong những chuyên viên tư vấn hướng nghiệp đầu tiên tại Việt Nam hiện nay, cô hiểu rõ công tác hướng nghiệp ở nước nhà chỉ mới bắt đầu chập chững như một em bé vừa tập đi. Với lòng yêu nghề và tha thiết được đồng hành cùng cộng đồng học sinh, sinh viên, cô mong những việc của mình hôm nay sẽ như một vết dầu loang giúp cho mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn và rộng hơn về sự cần thiết của hướng nghiệp. Tự bản thân mình, cô hiểu sự nghiệp cũng quan trọng như tình yêu, ai cũng cần và muốn tìm thấy một con đường mình phù hợp để được gắn bó và hạnh phúc.

2. Là một thạc sĩ tâm lý tốt nghiệp ở Mỹ, nhưng có lẽ điều làm nên chỗ đứng của cô hôm nay trong lòng sinh viên không phải là tấm bằng danh giá kia mà chính bởi một lòng tha thiết yêu nghề cùng tất cả sự chân thành, tận tuỵ của cô với sinh viên. Kể lại chính mình ngày xưa, cô cũng tự mình đi và tìm tòi ra điều mình phù hợp, dẫu cô cũng đôi lần tìm gặp những nhà tư vấn giáo dục ở Mỹ. Bằng những kinh nghiệm mình đã trải qua, bây giờ cô đem nó vào công việc để giúp cho sinh viên được cảm thấy chia sẻ nhiều hơn. Lắng nghe, phân tích và cùng sinh viên tìm ra một quyết định hợp lý nhất, thay vì thiên nhiều về khuyên giải hay áp đặt các em nghe theo mình là cách cô vẫn làm. Động lực lớn nhất trong nghề của cô là được nhìn thấy sự ảnh hưởng của mình trong quyết định của các em, những quyết định khiến các em sinh viên được hạnh phúc với điều mình lựa chọn, không gợn những băn khoăn hay rối bời như ngày đầu họ gõ cửa tìm gặp cô. Nếu đó là niềm vui, động lực trong nghề thì những điều cảm động nhất cô sẽ nhớ mãi, chính là những trường hợp tư vấn mà ở đó có cả bố mẹ cùng tham gia với sinh viên. Mang theo mình hai nền văn hoá Pháp – Việt, cô hiểu trong truyền thống Việt Nam thì quyết định trong lựa chọn nghề nghiệp của con cái vẫn còn bị ảnh hưởng bởi bố mẹ rất nhiều. Chính vì thế, thử thách nhất cũng là thành công nhất trong sự nghiệp của cô hôm nay, chính là những lúc cô được nhìn thấy cả bố mẹ và con họ cùng có chung một quyết định, mà ở đó không còn nữa những bức xúc giữa hai thế hệ, không còn nữa ánh mắt thất vọng vì con không nghe bố mẹ, hay vì bố mẹ không chịu hiểu con. Để được như ngày hôm nay, tất cả những gì cô làm đều xuất phát từ sự lắng nghe, kiên nhẫn và thấu hiểu. Vì cô hiểu, cha mẹ cũng như con cái, không một ai muốn người kia buồn. Tất cả cha mẹ đều muốn con được thành công. Tất cả con cái đều muốn mình được tự quyết định và có trách nhiệm với cuộc đời mình. Nên cô tin, nếu cả hai được có cơ hội để cùng hiểu và học cách tin tưởng lẫn nhau, thì sẽ không còn nữa nỗi buồn vì mâu thuẫn chọn nghề của phụ huynh và sinh viên.

3. Luôn rạng ngời với nụ cười thường trực và đam mê hết lòng với công việc, nhìn cô có lẽ khó ai biết được đây là người phụ nữ đã trải qua một cuộc ly hôn, và tình yêu lớn nhất bây giờ với cô là một cậu con trai kháu khỉnh vừa tròn bốn tuổi. Một chút e dè khi tôi được biết cô đã ly hôn, nhưng khi tôi gợi hỏi thì cô lại cười và hoàn toàn thoải mái để chia sẻ về một chặng đường mình đã qua. Không bi luỵ, không nuối tiếc hay oán trách, cô cho rằng mình vẫn còn may mắn vì cô với chồng cũ vẫn là bạn, vẫn luôn hỗ trợ nhau trong công việc và chăm sóc Gấu, cậu con trai nhỏ của cả hai. Đã từng có đó những ngày rất buồn nhưng nếu cuộc sống quay lại từ đầu, cô vẫn chọn yêu bố Gấu, vẫn sẽ hạnh phúc và trân trọng từng khoảnh khắc ấm áp của cả gia đình như đã từng. Và khi chuyện phải đến, cô vẫn sẽ chia tay và chấp nhận hết mọi quyết định của mình. Vì đó là cuộc đời, vì cô là người luôn biết mình là ai và cần gì trong mỗi thời khắc hiện tại…
Các bài khác:

Siêu chuyên môn hóa sẽ hỗ trợ bóc lột nhân công?

Ảnh minh hoạ - Vef

[Marketing3k.vn] Một đám mây u ám bao phủ lên tương lai của siêu chuyên môn hóa là khả năng nó sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các "công xưởng điện tử", theo cách gọi của giáo sư Luật Harvard Jonathan Zitrrain, nơi người làm công bị bóc lột với mức lương rất thấp.

Để siêu chuyên môn hóa các nhiệm vụ, các công ty có thể sử dụng lực lượng nhân viên nội bộ, xây dựng mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp bên ngoài hoặc dựa vào các công ty trung gian liên kết khách hàng với cộng đồng người lao động chuyên ngành.

Một công ty công nghệ lớn của Mỹ sử dụng chính lực lượng nhân viên nội bộ của mình để thử nghiệm siêu chuyên môn hóa quá trình phát triển phần mềm. PfizerWorks thì hoạt động dựa trên việc thuê làm bên ngoài. Công ty sản xuất áo phông Threadless tự tạo ra lực lượng lao động để thiết kế và phê bình sản phẩm của chính mình.

Siêu chuyên môn hóa sẽ đòi hỏi các nhà quản lý phải học cách làm việc với các công ty trung gian để tiếp cận với lực lượng lao động tay nghề cao. Cũng giống như các dịch vụ điện toán đám đông ("crowd computing") mà cung cấp dung lượng máy tính và không gian lưu trữ, các công ty này cung cấp dịch vụ điện toán đám đông ("crowd computing") qua hình thức kết nối một lượng người lớn với những công nhân có tay nghề.

Các công ty trung gian này giúp khách hàng thực hiện được một số lượng lớn công việc trong phạm vi từ rất đơn giản đến phức tạp. Ở Mechanical Turk và Samasource, nhân viên nhận làm cả những nhiệm vụ nhỏ chỉ kéo dài từ vài giây đến vài phút để đổi lại vài cents đến vài dollars. Những trang dự án như Elance hay oDesk cho phép thực hiện những dự án có kích thước trung bình trong nhiều lĩnh vực- bao gồm phát triển web, thiết kế đồ họa, viết và phân tích kinh doanh - với mức thù lao từ vài trăm đến vài ngàn đô la. InnoCentive và TopCoder còn nhận làm những hoạt động phức tạp như là phát triển phần mềm hay khám phá khoa học với mức chi từ hàng triệu đến chục triệu đô.

Những doanh nghiệp đã áp dụng siêu chuyên môn hóa đang trong quá trình phát triển một loạt các biện pháp khuyến khích sáng tạo cho cộng đồng của người lao động. Hầu hết trong số họ trả tiền, nhưng nhiều người dựa vào các ưu đãi khác.

TopCoder, ví dụ, đăng các thống kê cụ thể về hiệu suất công việc của từng cá nhân để cho tất cả mọi người thấy, và các thành viên thường rất cố gắng để tên họ nằm trong danh sách những người đứng đầu. Một động lực quan trọng khác cho nhiều nhân viên là quyền được chọn nhiệm vụ cho riêng họ. Người sáng lập của TopCoder, Jack Hughes, tin rằng đây là một lý do hàng đầu làm cho năng suất tăng cao trong cộng đồng của anh.

Khi siêu chuyên môn hóa trở nên phổ biến hơn, việc thu hút sự đóng góp từ các nhân viên tài năng nhất sẽ trở thành một yếu tố quan trọng cho sự thành công của nhiều doanh nghiệp. Và việc đó sẽ ngày càng giống với cách thức mà các tổ chức kinh doanh và tiếp thị thu hút khách hàng: hiểu những gì mà mọi người muốn, tìm ra cách để đem lại điều đó cho họ, và học cách để giữ họ gắn bó lâu dài. Trong thực tế, xây dựng cộng đồng dành cho người lao động sẽ trở thành một trong những ngành chính của kinh doanh trong thế kỉ 21.

Quản lý chất lượng

Một cách để đảm bảo chất lượng của việc siêu chuyên môn hóa là thực hiện việc mà hầu hết các công ty đều làm trước khi quyết định tuyển người: kiểm tra thông tin. Một số công ty trung gian hoạt động theo dự án, bao gồm cả oDesk và Guru.com, vẫn dựa trên cách thức tiếp cận này. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua nhiều hướng xử lý mới đã bắt đầu xuất hiện.

Phương pháp đầu tiên là trả thù lao dựa trên kết quả công việc. Ví dụ, khi một cuộc thi được tổ chức ở InnoCentive, khách hàng không phải trả tiền cho đến khi tìm ra một cách thức giải quyết vấn đề cụ thể. Người dùng của Mechanical Turk không phải trả phí nếu công việc không đạt đến một chuẩn chất lượng nhất định. Một phương pháp khác là để nhiều người cùng làm một nhiệm vụ giống nhau và chỉ sử dụng kết quả được thống nhất bởi nhiều người. Một cách khác nữa là kết hợp nhiệm vụ thực tế với một "nhiệm vụ kiểm tra" mà câu trả lời đúng đã được xác định trước. Công ty trung gian CrowdFlower luôn từ chối những kết quả đóng góp bởi những người có câu trả lời sai trong phần "nhiệm vụ kiểm tra". Còn có một cách tiếp cận khác là có một nhóm nhân viên thực hiện nhiệm vụ và một nhóm khác đánh giá kết quả.

Tích hợp

Thách thức quản lý cuối cùng của "siêu chuyên môn hóa" là tích hợp các phần riêng rẽ lại với nhau để tạo ra một giải pháp thống nhất. Điều này tương đương với việc quản lý ba loại hình phụ thuộc được miêu tả bởi Malone và cộng sự trong tờ Khoa Học Quản Lý xuất bản vào tháng 3 năm 1999: trình tự, chia sẻ, và phù hợp. Cách rõ ràng nhất để thực hiện điều này là có một ai đó có trách nhiệm điều khiển trực tiếp cả quá trình.

Một số thành viên giàu kinh nghiệm của cộng đồng TopCoder trở thành "người trợ giúp", giúp khách hàng định hướng các cuộc đua và giúp những người triển khai có được các thông tin cần thiết để thực hiện một cách hiệu quả. Về cơ bản, những "người trợ giúp" siêu chuyên môn hóa trong việc phối hợp công việc của các chuyên gia khác, tuy nhiên, những phương pháp tích hợp khác cũng thường đem lại hiệu quả tương tự.

Ví dụ, trong "sự phụ thuộc vào trình tự", các nhiệm vụ xảy ra theo chuỗi, với các nhiệm vụ sau phụ thuộc vào đầu ra của các nhiệm vụ trước đó. Các công cụ phần mềm thường có thể quản lý việc này bằng cách theo dõi trạng thái công việc và tự động chuyển công việc từ một giai đoạn sang giai đoạn kế tiếp. CastingWords sử dụng các công cụ phần mềm chuyên dụng để trước hết đưa những phần âm thanh khác nhau đến những người sẽ ghi lại chúng, sau đó phát hiện và chỉnh sửa những điểm không thống nhất, và cuối cùng là ráp các phần đã được ghi lại thành một văn bản thống nhất.

Trong "sự phụ thuộc chia sẻ", có nhiều hơn một người sử dụng cùng một nguồn tài nguyên. Một cách phổ biến để quản lý sự phụ thuộc này là sử dụng các hình thức khác nhau của việc mua bán và đấu giá. Ví dụ, lập trình viên của TopCoder thường xuyên đóng góp cũng như tái sử dụng các modules trong thư viện lưu trữ các bộ phận của phần mềm. Những người đóng góp được trả tiền bản quyền khi những người khác sử dụng đóng góp của họ. Thời gian của những người có khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ cũng là một nguồn tài nguyên quan trọng cần chia sẻ; tất cả công ty trung gian nêu trên cũng sẽ sử dụng giá cả thị trường hoặc cách thức đấu thầu để quản lý việc phụ thuộc này.

"Sự phụ thuộc vào sự phù hợp" xảy ra khi các kết quả đầu ra riêng biệt phải được tích hợp vào một toàn thể thống nhất. Cấu trúc modules và các tiêu chuẩn trở nên rất hiệu quả trong việc quản lý sự phù hợp. TopCoder phát triển một kiến trúc tổng thể ngay từ những giai đoạn đầu tiên của các dự án cùng với các giao diện hợp lý giữa các module phần mềm. Khi một cấu trúc cụ thể được hình thành, các module có thể được phát triển đồng thời, từ đó đẩy nhanh toàn bộ quá trình.

Một ví dụ đáng ngạc nhiên của việc quản lý sự phù hợp đến từ một hệ thống kiểu mẫu được gọi là CrowdForge, được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon. Nó đề cập đến một câu hỏi mà rất nhiều người cho là không thể tưởng tượng nổi: Có thể tạo ra một đoạn văn xuôi có chất lượng từ việc ghép nối các kết quả riêng biệt nhỏ lẻ của từng người được không? CrowdForge đã đưa ra một câu trả lời bằng cách sử dụng nhân viên của Mechanical Turk để viết các bài báo bách khoa toàn thư.

Đầu tiên một số người được yêu cầu viết dàn ý cho cả bài. Sau đó một vài người khác sẽ được hướng dẫn để thu thập thông tin sự kiện cho các phần khác nhau của dàn ý. Còn một số người khác sẽ sử dụng các thông tin thu thập được để viết thành từng đoạn văn. Cuối cùng, hệ thống sẽ tự động nối các đoạn văn lại với nhau dựa theo dàn ý ban đầu. Đánh giá độc lập cho thấy rằng bài viết có chất lượng tốt hơn so với những bài báo được viết bởi một người duy nhất ở cùng mức chi phí.

Tất nhiên, chúng ta không biết cách tiếp cận chuyên môn hóa trong lĩnh vực viết lách có thể đi xa đến đâu. Nhưng có thể một ngày nào đó, các báo cáo kinh doanh, các bản đề xuất, và các tài liệu khác được viết bởi một người duy nhất sẽ trở nên hiếm hoi giống như quần áo và đồ gia dụng thủ công bây giờ.

Tin tốt và Tin xấu

Siêu chuyên môn hóa đem lại lợi thế đáng kể cho các công ty, người lao động và cả xã hội. Nhưng bản thân nó cũng tiềm tàng một mặt tối cần được chú ý và giải quyết. Mặc dù nhiều lợi thế và bất cập cũng xuất hiện trong quá trình gia công ngoài và phân phối công việc, chúng phát sinh theo những cách thức cụ thể trong quá trình siêu chuyên môn hóa.

Sự hứa hẹn

Chuyên môn hóa đem lại cho cả người làm công và các công ty nhiều lựa chọn và sự linh hoạt hơn cách tuyển dụng và sắp đặt truyền thống. Các cá nhân có quyền làm việc ở nơi và vào thời điểm mà họ lựa chọn. Các đại lý của LiveOps, công ty cung cấp dịch vụ gia công ngoài cuộc gọi cho các trung tâm, cho rằng sự linh hoạt này rất hâp dẫn bởi nó cho phép họ có thể làm việc ở nhà và giúp cho họ dễ dàng cân bằng công việc và các trách nhiệm cá nhân. Còn những nhân viên có tính tự chủ thì cảm thấy việc được lựa chọn công việc cho riêng họ thật sự rất thu hút.

Đối Với các công ty, siêu chuyên môn hóa cho phép hiệu suất công việc được thay đổi lên xuống một cách nhanh chóng.Trong cơn bão Katrina, đường dây nóng của Hội Chữ thập đỏ đã bị tắc nghẽn bởi các cuộc gọi từ những người muốn đóng góp hoặc tham gia tình nguyện. Ngay lập tức hơn 300 đại lý của LiveOps tham gia và xử lý hơn 17.000 cuộc gọi chỉ trong vài ngày sau đó.

Chuyên môn hóa cũng góp phần cải thiện sự chênh lệch trong kĩ năng, một trong những vấn nạn của nhiều thị trường lao động trên thế giới. Ngay cả với tỉ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, các công ty trên khắp thế giới vẫn cảm thấy rất khó khăn trong việc tuyển dụng các vị trí quan trọng như đại diện bán hàng, kỹ sư, hay kế toán. Những thiếu hụt này có thể được giảm nhẹ bằng cách định nghĩa lại các công việc,ví dụ như, để các kế toán có kinh nghiệm hợp tác làm việc với các chuyên gia chuyên môn hóa thực hiện các khía cạnh đòi hỏi ít kĩ năng của công việc.

Những người phải đối mặt với rào cản trong thị trường việc làm truyền thống cũng có thể hưởng lợi từ quá trình siêu chuyên môn hóa. Tại các công ty trung gian thông qua website, các nhân viên thường được đánh giá thông qua những gì mà họ sản xuất - chứ không phải qua lý lịch trích ngạc, kinh nghiêm vốn có hay qua thư giới thiệu. Điều này có thể giúp giải phóng khó khăn cho những người trẻ lần đầu tiên tìm việc, người cao niên tìm cách để tiếp tục ở lại làm việc, hoặc những người có nguy cơ bị phân biệt đối xử khi làm việc trực tiếp. Pearl Interactive Network, một công ty có trụ sở ở Ohio chuyên thực hiện gia công ngoài cho pfizerWorks, chủ yếu tuyển dụng người khuyết tật.

Siêu chuyên môn hóa cũng tạo ra sự di chuyển lao động ảo cho những người sống ở các nước đang phát triển. Tiền lương chi trả ở các nền kinh tế tiên tiến có thể cao hơn ở các nước đang phát triển đến tám chín lần. Nhờ đó, khả năng nhận các nhiệm vụ nhỏ ở các trang web như Samasource và txteagle có thể cải thiện một cách đáng kể đời sống kinh tế của người lao động ở những nơi như Châu Phi hay Nam Á.

Những hiểm họa tiềm tàng

Một đám mây u ám bao phủ lên tương lai của siêu chuyên môn hóa là khả năng nó sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của các "công xưởng điện tử", theo cách gọi của giáo sư Luật Harvard Jonathan Zitrrain, nơi người làm công bị bóc lột với mức lương rất thấp. Điều này xảy ra một phần do sự mất cân bằng của thị trường lao động. Mức lương bị coi là bóc lột ở các nước có nền kinh tế phát triển có thể là mức lương hấp dẫn với những nhân công ở các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong vài thập kỉ tới, sự chênh lệch mức lương trên thị trường lao động sẽ trở nên ít phổ biến hơn, hoặc ít nhất thì khoảng cách thù lao giữa các quốc gia cũng sẽ được thu hẹp dần lại. Tất nhiên sự bóc lột nhân công không chỉ giới hạn trong phạm vi của Internet. Một cuộc khảo sát gần đây của một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Internet và Xã hội Berkman của Harvardcho thấy rằng người lao động đánh giá người quản lý của Mechanical Turk đối xử công bằng hơn so với một người quản lý bình thường.

Một vấn đề khác là việc chia nhỏ công việc ra các mảng nhỏ tạo điều kiện cho những kẻ vô đạo đức che giấu mục tiêu thật sự mà các nhân công đang bỏ công sức hướng tới. Vì vậy người làm công có thể vô tình đóng góp cho một điều gì đó đi ngược lại với niềm tin cá nhân của họ. Một nghiên cứu gần đây của Mechanical Turk cho thấy rằng hơn 40% những nhiệm vụ trên các trang web có thể liên quan đến việc tạo ra thư rác hoặc astoturfing (thiết kế sự ủng hộ cho một tổ chức chính trị hoặc tập đoàn để tạo ra những bước chuyển biến từ gốc). Điều này làm nổi bật một vấn đề liên quan: các công ty trung gian cho các nhiệm vụ nhỏ lẻ như Mechanical Turk đã giúp cho việc điều khiển mạng Internet trở nên dễ dàng hơn.

Hơn nữa khi công việc được xé nhỏ ra, nó có thể trở nên nhàm chán và vô nghĩa, thậm chí tạo ra các tác động về mặt tâm lý cho những người thực hiện nó. Bản thân Adam Smith đã cảnh báo chống lại sự phân chia quá nhỏ lẻ của lao động, nhấn mạnh vào những hậu quả nguy hiểm khi công việc của một người bị rút gọn xuống mức vô cùng đơn giản.

Nhiều thử nhiệm thế hệ đầu với siêu chuyên môn hóa chủ yếu dựa vào các công ty trung gian như Mechanical Turk hay TopCoder. Nhưng một khi nó trở nên phổ biến hơn, các doanh nghiệp rất có thể sẽ cố gắng sử dụng quá trình này để tổ chức các hoạt động nội bộ của họ. Bên cạnh đó, nhiều loại hình tổ chức trung gian mới có thể xuất hiện ví dụ như các tổ chức chính phủ muốn tạo công ăn việc làm cho người dân của họ hoặc các tổ chức đại diện cho lợi ích của người lao động.

Chúng tôi hình dung sự xuất hiện của một hệ sinh thái đa dạng phong phú - các tổ chức lợi nhuận, cơ quan chính phủ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi lợi nhuận, tất cả đều được điều chỉnh bởi các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu - để hỗ trợ quá trình siêu chuyên môn hóa. Hệ sinh thái này sẽ gần giống với hệ thống web hiện nay, ngoại trừ thay cho việc tạo điều kiện trao đổi thông tin và hàng hóa, nó sẽ tạo ra dòng chảy lao động tri thức mạnh mẽ di chuyển khắp thế giới.
Theo VeF

Doanh nghiệp nhỏ sợ “sập tiệm” vì… chính sách

picture
Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bị bó buộc bởi 

nhiều hạn chế từ chính sách.

[Marketing3k.vn] “Về định hướng chính sách, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được coi là trụ cột của nền kinh tế”, vị đại diện của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh trong một hội thảo cuối tuần trước. 

Quan điểm trên - xuất phát từ dự thảo kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện - đã thổi bùng lên những bức xúc lâu nay, liên quan đến câu chuyện chính sách nhà nước đã hỗ trợ thế nào đến khối doanh nghiệp chiếm đa số hiện nay.

Bảo hiểm “ăn” hết doanh thu

“Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Hải quan cũng có nhiều vấn đề, nhưng luật về lao động là bức xúc lớn nhất của chúng tôi”, bà Từ Thị Bích Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh (Hà Nội), khơi mào.

“Tại doanh nghiệp chúng tôi, tất cả lao động đều được đóng bảo hiểm hết”, doanh nhân đến từ công ty chuyên may gia công cờ cho các nước châu Âu và trang phục trẻ em xuất khẩu nói. “Nhưng cứ thế này, chúng tôi không thể tồn tại được”.

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, trước năm 2010, hằng tháng người lao động sẽ đóng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 15%. Nhưng kể từ 1/1/2010, quy định mới đã có điều chỉnh tăng lên. Theo đó, mỗi bên sẽ có nghĩa vụ góp thêm 1% vào quỹ. 

Nếu tính thêm 4,5% bảo hiểm y tế; 2% nộp cho bảo hiểm thất nghiệp cũng được chia đều cho hai đối tượng; và chủ doanh nghiệp phải nộp thêm 2% kinh phí công đoàn thì tổng số phải nộp là trên 30% tiền lương, tiền công của người lao động.
Nhưng đáng lưu ý hơn, cũng theo quy định, cứ hai năm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội lại tăng thêm 2%, chia đều cho cả người sử dụng lao động và người làm công. 

“Doanh thu gia công của chúng tôi nhiều khi đến 70% là chi lương, thế này thì hết quá doanh thu của chúng tôi, còn đâu mà tái sản xuất, còn đâu mà phát triển!”, bà Lộc bức xúc.

Nhưng chưa hết, năm 2011, Chính phủ quyết định đã tăng lương tối thiểu, cũng có nghĩa các khoản đóng bảo hiểm tiếp tục tăng thêm tương ứng. “Giá thì là con thỏ, rùa là lương, lương cứ chạy theo mãi”, bà Lộc nói.

Cho nên, thực tế là để tồn tại, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ngay cả doanh nghiệp nhà nước, hay những doanh nghiệp lớn cũng đành chấp nhận “nợ” bảo hiểm xã hội.

Cũng theo bà Lộc, nhiều doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là nộp bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu, trong khi quy định của Luật Bảo hiểm xã hội là phải đóng theo thu nhập. 

“Tức là chúng ta hoàn toàn sai hết. Theo luật là đóng theo mức thu nhập thực tế của người lao động, nhưng có ai làm được đâu”, giám đốc doanh nghiệp Mỹ Anh nói thêm.

Trong khi đó, do điều kiện hợp đồng ràng buộc về thời gian, chất lượng…, công nhân may với bà Lộc là vàng. Để giữ được lao động, doanh nghiệp này áp dụng quy chế tăng lương từng tháng, chứ không theo lương tối thiểu. 

Nhưng “quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay, không thể ai, doanh nghiệp nào mà có thể chấp nhận được. Cần giải pháp làm thế nào để người chủ doanh nghiệp chúng tôi đàng hoàng đóng bảo hiểm”, bà nói thẳng.

“Ngã ngửa” vì thuế đất

Trong khi những bức xúc về mức thu bảo hiểm xã hội quá cao đã âm ỉ từ lâu, mà trường hợp của Mỹ Anh kể trên không phải cá biệt, chuyện thuế đất đột ngột tăng cao chót vót cũng khiến nhiều doanh nghiệp “ngã ngửa”. 

Ngày 1/3/2011, Nghị định 121/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ -CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước chính thức có hiệu lực.

Tại điều 5a về đơn giá thuê đất quy định, trường hợp giá đất do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm cho thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại địa phương để quyết định mức giá cụ thể cho phù hợp.

Áp vào trường hợp của Mỹ Anh, doanh nghiệp này từ mức phải nộp thuế đất trên 20 triệu mỗi năm, nay tăng lên hơn 17 lần, đến gần 500 triệu đồng. “Trên thế giới này, có cái giá gì mà tăng một lúc lên hơn 17 lần?”, bà Lộc bức xúc đặt câu hỏi.

Mỹ Anh không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những bất cập hiện nay lên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Chẳng hạn, Công ty TNHH Vạn Xuân (Hưng Yên), sau khi áp mức thuế đất mới, kết quả là tiền đất phải nộp đang từ 49 triệu đồng/năm, nay tăng lên 1,5 tỷ đồng. Hay trường hợp Công ty TNHH Cảng Khuyến Lương, tiền thuê đất năm 2010 là 1,3 tỷ đồng, nhưng năm 2011 sẽ là 4,9 tỷ đồng. 

Bà Trương Thúy Nga, Giám đốc Công ty TNHH Cảng Khuyến Lương cho rằng, đây là khoản chi phí bất thường mà doanh nghiệp không thể trả nổi, vì năm 2010 doanh thu của Cảng Khuyến Lương chỉ có 47 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận là 530 triệu đồng.

Theo một khảo sát của VCCI tại Hải Phòng vào hồi tháng 7 năm nay, tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp năm 2011 so với năm trước tăng bình quân từ 3 lần đến 10 lần, tại một số doanh nghiệp tăng 14-15 lần, thậm chí có doanh nghiệp tăng đến 20 lần. 

“Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ thôi, nhưng chưa bao giờ thiếu việc làm”, bà Lộc chia sẻ. “Nhưng cần phải có những chính sách hợp lý để doanh nghiệp phát triển hết mình, hết khả năng. Còn bây giờ, doanh nghiệp của chúng tôi vẫn bị bó buộc bởi nhiều hạn chế”.
Theo VnEconomy - Anh Quân
Các bài khác:

Unesco và giáo dục Đại học

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

[Marketing3k.vn] Trong khung cảnh những tranh luận về cải tổ Giáo dục Đại học đang diễn ra hiện nay, thiết nghĩ nên xem lại những định hướng của UNESCO về Đại học, có thể coi đây là tài liệu tham khảo hữu ích.

Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc UNESCO có hai văn kiện quan trọng về vấn đề giáo dục Đại học.

Văn kiện đầu là Tuyên ngôn thế giới về giáo dục Đại học cho thế kỷ XXI tầm nhìn và hành động ký ở Paris, ngày 09.10.1998 bởi 182 quốc gia trong đó có Việt Nam

Văn kiện thứ nhì là Tuyên bố của Hội nghị quốc tế UNESCO về giáo dục Đại học (Paris, 5 đến 8 tháng 7 năm 2009 ). Hội nghị này có chủ đề là “Sự năng động mới của giáo dục Đại học và nghiên cứu để cho tiến bộ và phát triển của xã hội”.

Giới thiệu những nét chính của hai văn kiện này:

Tuyên bố UNESCO 2009 chỉ là một cách nhìn lại những thành quả đạt được 10 năm sau Tuyên ngôn 1998. Tuyên bố này nhắc lại một số điểm quan trọng mà các thành viên của UNESCO đã thống nhất trong Tuyên ngôn thế giới về giáo dục Đại học.

Cả hai văn kiện nhấn mạnh vai trò của giáo dục cũng như triết lý của Đại học : không những đào tạo cho sinh viên có kiến thức vững chắc và biết vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh hiện thời và cả cho tương lai. Hơn nữa, còn đào tạo những công dân có ý thức trách nhiệm, sẵn sàng bảo vệ hòa bình, nhân quyền và những giá trị dân chủ.

Phần mở đầu của Tuyên ngôn 1998 đưa ra những nhận định vô cùng thiết thực:
  • Số sinh viên tăng mạnh, phát triển xã hội càng ngày càng dựa trên nền tảng tri thức thành ra giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học trở thành những cấu thành tối quan trọng cho sự phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường, ... của nhiều quốc gia trên thế giới
  • Không có cơ sở giáo dục đại học và không có nghiên cứu thích hợp để đào tạo một số lượng lớn trí thức có trình độ chuyên môn cao, thì không một nước nào có thể tự phát triển một cách bền vững.
  • Giáo dục Đại học còn có thể góp phần tích cực giải quyết những vấn đề mà chính phủ và các cộng đồng xã hội phải đối diện, hầu thực hiện lý tưỡng hòa bình và an ninh xã hội, nâng cao đời sống nhân loại
Cấu trúc của Tuyên ngôn chỉ có 17 điều đi từ những vai trò của giáo dục Đại học tới những điều căn bản như bình đẳng giữa Nam Nữ trước Đại học ; giáo dục Đại học cho tất cả công dân, tự do hàn lâm, vai trò của Quốc gia, những hợp tác quốc tế về giáo dục hay những chi tiết kỹ thuật như sự cần thiết phải đánh giá các trường Đại học, ...

Trong khuôn khổ bài này, xin đi sâu về vai trò của giáo dục Đại học theo UNESCO

Đại học có nhiều vai trò. Thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của tri thức, không phải là một khẩu hiệu rình rang và trống rổng mà thực tế là như thế. Tài nguyên thì khai thác mãi cũng cạn, thế giới phải đối mặt với những cam go của sự sống còn của 7 tỉ người, trong lúc mà nhiên liệu mai một (dầu hỏa sẽ hết trong 40 năm nữa ?), biến chuyển môi trường là một thách thức rình rập ngoài hiên (băng hà tan, ngập lụt, khí hậu,... đó là chưa nói đến ô nhiểm, khủng hoảng kinh tế,...). Không có tri thức làm sao giải quyết những khó khăn cận kề đó ?

Điều 1 của Tuyên Ngôn 1998 UNESCO đi thẳng vào vấn đề và liệt kê chi tiết những vai trò của giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học của Đại học để phát triển xã hội và cải thiện đời sống (những chữ có gạch dưới được trích dịch từ bản Tuyên ngôn):
  • Đào tạo tay nghề cao, những công dân có trách nhiệm chuyên nghiệp tùy theo nhu cầu hiện tại và tương lai của xã hội
Truyền kiến thức và đào tạo chuyên nghiệp là sứ mạng cổ điển của Đại học. Nhưng Đại học có bổn phận phải trả lời những nhu cầu đặc thù của xã hội chứ không phải làm việc riêng lẻ và ẩn mình trong « tháp ngà » của khoa học. Nói cho cùng, Đại học là một thành phần của xã hội, lại được xã hội nuôi dưỡng (tài trợ, đóng học phí) thì nếu phải đào tạo giới trẻ trong những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội thì cũng hợp lý thôi.

Nhu cầu hiện tại dễ xác định. Nhưng tầm nhìn phải xa hơn. Xã hội ở thế kỷ thứ 21 biến chuyển nhiều, biến chuyển nhanh và biến chuyển sâu. Đào tạo thế hệ trẻ giỏi khoa học kỹ thuật là đào tạo cho tương lai nên phải dự đoán đúng những nhu cầu tương lai của xã hội.

Chữ “có trách nhiệm” quan trọng. Tiếng Việt ta nói “vừa có tài vừa có tâm”, tài và đức đi đôi. Dĩ nhiên Đại học không phải lên lớp dạy luân lý cho sinh viên, nhưng qua cách dạy (lấy trò làm trung tâm), cách làm khoa học (nghiêm chỉnh và trung thực), liên hệ đối xữ thầy-trò (dân chủ và văn minh), giữa đồng môn (bình đẳng trong tương trợ), môi trường trong sạch (không vị lợi chẳng hạn), ... Đại học có khả năng truyền đạt và rèn luyện đạo đức cho sinh viên.

Có trách nhiệm với xã hội còn có ý nghiã xa hơn : có khả năng nhận định về xã hội và phê bình những hiện tượng “bất thường” để góp phần phòng ngừa tai họa và đem lại cuộc sống tốt cho tất cả mọi người. Nói một cách nôm na, có khả năng và trách nhiệm “gióng hồi chuông báo động” để giúp xã hội tránh hiểm nguy.
  • Chú ý tới đào tạo khởi thủy và đào tạo cập nhật suốt đời sau đó trong một bối cảnh tôn trọng quyền làm người, phát triển bền vững của xã hội, dân chủ, hòa bình và công bằng.
Đào tạo khởi thủy quan trọng. Đó là cơ sở, những hiểu biết căn bản, hành trang để vào đời của một sinh viên Đại học lúc tốt nghiệp ra trường. Nhưng khoa học phát triển bằng những bước của người khổng lồ, kiến thức hôm nay không chắc sẽ còn có giá trị ngày mai. Dĩ nhiên, các cá nhân có thể trở về Đại học để cập nhật kiến thức. Nhưng cũng có thể hiểu là Đại học phải đào tạo thế nào để các cựu sinh viên mình được trang bị sẳn sàng và có khả năng tự học sau đó để cập nhật kiến thức.

Xin nhấn mạnh ở chủ đích của những đào tạo này: những chủ đích nhân bản, dân chủ, hòa bình và bình đẳng.
  • Phân phối truyền bá hiểu biết cũng là một sứ mạng của Đại học. Tuyên ngôn UNESCO, trong điều 1 viết tiếp : Biểu dương những ý tưởng và hành động tạo nên và phân phối, truyền bá trí thức và kết quả của nghiên cứu khoa học, trong sứ mạng giúp cộng đồng, xã hội phát triển văn hóa, xã hội, nghệ thuật.
Không những chỉ dạy sinh viên mình, chỉ giúp sinh viên mình nghiên cứu khoa học mà còn phải mang khoa học đó ra ngoài xã hội để mọi người đều tiếp cận được. Đó là bổn phận của Đại học đối với cộng đồng, dùng những phương tiện truyền thông đại chúng (thuyết trình, viết báo hay lên truyền hình) để phổ cập những hiểu biết mới, bằng một ngôn ngữ dễ hiểu, cho cả cộng đồng xã hội, cho mọi người cùng nâng cao kiến thức của mình để sống tốt hơn.

Nhiệm vụ sau đó của Đại học là giúp hiểu biết, bắc cầu cho sự thông cảm giữa các văn hoá không kỳ thị giữa những văn hóa khác nhau trên phương diện quốc tế cũng như nhưng văn hóa khác nhau trong cùng một xã hội.
  • Giúp bảo tồn những giá trị xã hội (điều 1 e) : theo xu thế tiến bộ, truyền bá khoa học nhưng vẫn không quên những giá trị truyền thống, lịch sữ và văn hoá vì đó là những cội rễ, là nền tảng của xã hội
Và sau cùng, Đại học có trách nhiệm đào tạo giảng viên và giáo sư cho tất cả các bậc học để hoàn thành sứ mạng giáo dục toàn xã hội.

Truyền hiểu biết thôi chưa đủ. Phải thêm vào sáng tạo và phát minh. Đó làvai trò nghiên cứu để phát triển hiểu biết trong những lĩnh vực khoa học và mỹ thuật, nhiệm vụ quan trọng khác của Đại học (điều 5 của Tuyên ngôn) : Đổi mới canh tân sáng tạo nếu không thì sẽ không làm sao theo kịp đà tiến triển của thế giới.

Tuyên bố UNESCO 2009 cũng trở lại một vấn đề tâm điểm trong các vai trò của Đại học:

“Giáo dục Đại học để chống nghèo đói, để phát triển bền vững, để thiết lập công bằng xã hội”. Hơn 60 điều để thấy là còn nhiều việc phải làm để thực hiện hết tầm nhìn đã phác họa năm 1998 của Tuyên ngôn Thế giới.

Riêng đối với nước ta, giáo dục Đại học rất cần cho phát triển bền vững, chống bất bình đẳng xã hội và mưu cầu một đời sống tốt cho tất cả mọi công dân. Kỹ năng chuyên môn về khoa học kỹ thuật là điều kiện phải có để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường,

Đặc biệt cần quan tâm nhiều hơn đến vai trò nghiên cứu khoa học của Đại học để không ngừng nâng cao trình độ của các giảng viên cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy và giúp cho sinh viên.làm quen với công việc nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở cho việc tự học và sáng tạo lâu dài sau này..

Kết luận

Đại học có vai trò đào tạo những thế hệ tương lai biết suy nghĩ và năng lực suy nghĩ – tức là những người đi trên hai chân, một chân làm ra vốn liếng, một chân bảo tồn đạo đức. Một mặt lo kinh tế, mặt kia lo xã hội. Vừa thấy hiện tại lại để ý lo cho tương lai. Biết từ đâu đến và biết sẽ đi về hướng nào.

Tham vọng đó là tham vọng đào tạo những « người quân tử », nếu nói theo kiểu xưa, hay những người trí thức, nếu nói theo kiểu hiện đại hơn. Một số người quan niệm rằng giáo dục Đại học là để đào tạo tinh hoa cho xã hội, không phải một giai cấp tinh hoa thống trị mà là những tinh hoa có trách nhiệm, ý thức được vai trò và bổn phận mình với xã hội. Âu đó cũng là quan niệm về kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ bên ta và cũng là cốt lõi của Tuyên ngôn UNESCO 1998.
Theo Dantri - Nguyễn Huỳnh Mai (Liège, Bỉ)
Các bài khác:

Sunday, November 13, 2011

Kỷ nguyên của siêu chuyên môn hóa


[Marketing3k.vn] Ngày nay, nhờ vào sự phát triển kiến thức công việc và công nghệ truyền thông, sự phân chia lao động này đã tiến đến một tầm cao mới. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của sự siêu chuyên môn hóa ("the age of hyperspecilization") - một khái niệm rất mới và chưa được phổ biến rộng rãi trong thế giới lao động.

Cuốn sách "Của cải của các quốc gia" ("Wealth of a nation" của Adam Smith), xuất bản năm 1776, đã mô tả rất tuyệt vời về một trong những điều được coi là động lực của những tiến bộ kinh tế trong nhiều thập kỷ sau: đó là sự phân công lao động.

Phần lớn sự thịnh vượng của chúng ta hiện nay đến từ việc tăng năng suất lao động có được khi phân chia công việc thành những nhiệm vụ nhỏ thực hiện bởi những người chuyên môn. Ngày nay, nhờ vào sự phát triển kiến thức công việc và công nghệ truyền thông, sự phân chia lao động này đã tiến đến một tầm cao mới. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của sự siêu chuyên môn hóa ("the age of hyperspecilization") - một khái niệm rất mới và chưa được phổ biến rộng rãi trong thế giới lao động.

Nhìn vào chuỗi cung ứng ngày càng phức tạp hiện nay, người ta có thể nghĩ rằng con người đã đạt đến cực điểm của sự chuyên môn hóa. Sáng kiến của Boeing trong việc chế tạo ra chiếc Dreamliner 787 đã được ngợi ca như là hình mẫu của việc thuê làm bên ngoài (subcontracting), và sau đó thì những bộ phận lại không khớp với nhau như đã dự kiến, làm chậm trễ quá trình sản xuất. Một trang web chỉ liệt kê những nhà cung cấp lớn của những bộ phận của chiếc máy bay này mà đã gồm tới 397 đường liên kết. Nhưng một chiếc máy bay chỉ là một sản phẩm vật thể (physical product). Hãy thử tưởng tượng xem công việc có thể chia nhỏ đến mức nào khi sản phẩm là phi vật thể (ví dụ như những hàng hóa tri thức ) và các thông tin liên quan có thể chuyển đến bất cứ nơi nào trên thế giới gần như ngay lập tức và không gây chi phí.

Giống như con người trong những buổi đầu của công nghiệp hóa chứng kiến những công việc riêng lẻ (như việc sản xuất pin chẳng hạn) chuyển đổi thành tổ hợp của nhiều công việc khác nhau (Adam Smith đã ghi nhận được 18 bước riêng biệt trong một nhà máy sản xuất pin), ngày nay chúng ta đang thấy những công việc tri thức- như nhân viên bán hàng, thư ký, kỹ sư - phân thành mạng lưới phức tạp của những nhiệm vụ nhỏ được thực hiện bởi những con người đến từ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả những chức danh của những công việc rất mới thôi cũng đã bắt đầu khiến chúng ta bối rối.

Ví dụ như chức danh "nhà phát triển phần mềm" chẳng hạn, cũng che lấp thực tế là trong một dự án phần mềm, mỗi "nhà phát triển phần mềm" lại phụ trách những mảng khác nhau như thiết kế, mã hóa và thử nghiệm. Đây mới chỉ là sự phân chia rất đơn giản. Tại TopCoder, một công ty phần mềm mới mở có trụ sở tại Connecticut, một phần mềm sản xuất ra là sự tham gia của hàng chục bộ phận riêng rẽ.

TopCoder chia những dự án công nghệ của nó thành những phần nhỏ và chào mời nó cho những nhà phát triển phần mềm tự do trên toàn thế giới như là một hình thức tạo cạnh tranh. Ví dụ, một dự án phần mềm có thể bắt đầu bằng một cuộc thi ý tưởng. Cuộc thi thứ hai cung cấp một sự mô tả chi tiết hơn về những mục tiêu của dự án và thách thức những nhà phát triển phần mềm tạo ra một tài liệu mô tả chi tiết những yêu cầu đối với hệ thống để thỏa mãn những mục tiêu để ra. (TopCoder tổ chức một diễn đàn cho phép những nhà phát triển này truy vấn khách hàng để biết thêm chi tiết và mọi câu hỏi cùng câu trả lời này được hiển thị chung cho tất cả các nhà phát triển tham gia.)

Tài liệu chi tiết kỹ thuật được chọn sẽ trở thành cơ sở cho cuộc thi tiếp theo. Trong cuộc thi tiếp theo, các nhà phát triển phần mềm phải đưa ra những bản thiết kế cho kiến trúc hệ thống, chỉ ra từng phần cần thiết cho phần mềm và sự liên kết giữa các phần này với nhau. Các cuộc thi tiếp theo được đưa ra để phát triển những phần riêng biệt của phần mềm và rồi tích hợp chúng với nhau. Cuối cùng, các lập trình viên lại cạnh tranh với nhau để tìm và sửa lỗi cho phần mềm.

Mô hình của TopCoder quả là vô cùng phức tạp bởi nó là mạng lưới của gần 300,000 nhà phát triển phần mềm đến từ hơn 200 quốc gia trên thế giới. Bởi vì công ty có khả năng tập hợp nhu cầu cho từng nhiệm vụ cụ thể, nó cho phép một nhà phát triển đặc biệt giỏi trong việc thiết kế giao diện tập trung hoàn toàn vào công việc này. Thật vậy, TopCoder ngày càng trở nên chuyên môn hóa hơn. Một số người tập trung vào lập trình những đồ họa nhỏ. Những người khác thì tích hợp các bộ phận. Một số người khác lại chuyên sửa chữa lỗi (bugs).

Sự siêu chuyên môn hóa này tỏ ra rất có lợi. TopCoder thường cung cấp cho khách hàng của mình những sản phẩm có chất lượng tương đương với phương thức sản xuất cũ nhưng chỉ với 25% chi phí cũ. Và nó làm được điều này trong khi vẫn duy trì được một cộng đồng những lập trình viên hài lòng với công việc và được trả lương cao. Như chúng ta sẽ cùng thảo luận, chất lượng, tốc độ và lợi thế chi phí hầu như đảm bảo rằng mô hình này sẽ ngày càng phổ biến. Nhưng liệu những lợi ích này có đi kèm với bất cập nào không? Để chắc chắn rằng sự siêu chuyên môn hóa sẽ được phổ biến, chúng ta phải luôn để ý tới như rủi ro có thể gặp phải.

Nhanh chóng, giá rẻ, và trong tầm kiếm soát

Thuật ngữ "siêu chuyên môn hóa" (hay "hyperspecialization") không đồng nghĩa với thuật ngữ "outsourcing" (thuê các công ty bên ngoài làm) hay "offshoring" (thuê làm tại những quốc gia khác ), mặc dù nó được tạo điều kiện bởi những công nghệ tương tự. Thay vào đó, nó có nghĩa là phân chia công việc vốn được thực hiện bởi một người ra thành những phần nhỏ do nhiều người có chuyên môn thực hiện. Việc phân chia này dẫn đến cải thiện về tốc độ, chất lượng và chi phí.

Để hiệu được sự nâng cao về chất lượng mà siêu chuyên môn hóa tạo ra, hãy xem xem bạn đã mất bao nhiêu thời gian để làm một công việc không thuộc chuyên môn của bạn. Cũng giống như những người lao động thủ công trong quá khứ, những người làm việc trí thức tham gia vào vô số những hoạt động đáng nhẽ sẽ được làm tốt hơn bởi những người khác. Những nhà quản lý dự án chẳng hạn, mất hàng giờ để chuẩn bị những khung hình cho bài thuyết trình trong khi ít người trong số họ có những phần mềm đồ họa phù hợp để làm việc này. Một vài người giao nhiệm vụ này cho những người khác để công việc được thực hiện hiệu quả hơn.

Nhưng hãy tưởng tượng rằng một công ty chuyên nghiệp như TopCoder có mạng lưới bao gồm rất nhiều những nhà chuyên nghiệp Power Point. Những nhân viên làm việc từ xa này có thể tạo ra những biểu đồ rực rỡ. Một số khác có khả năng soát lỗi tuyệt vời. Còn một số khác lại là chuyên gia nội dung cho hàng loạt những thể loại thuyết trình khác nhau (ví dụ, một số người chuyên về thuyết trình bán hàng cho các sản phẩm văn phòng; người khác lại chuyên về thuyết trình cho các buổi họp trong ngành công nghiệp dược phẩm.) Thuê một nhà thiết kế đồ họa chuyên nghiệp và chất lượng công việc sẽ được cải thiện rõ rệt.

Chất lượng công việc được cải thiện rõ rệt khi mà công việc được thực hiện bởi những người chuyên nghiệp. Chất lượng thậm chí còn tăng nhiều lần hơn khi mà, như ở TopCoder, rất nhiều người cạnh tranh với nhau để giành được công việc. Đây chính là động lực của "thị trường mở" InnoCentive, nơi kết nối những người cần giải pháp- chủ yếu là những doanh nghiệp đối mặt với những thách thức về khoa học và công nghệ- với những người có thể đưa ra giải pháp (Tiết lộ nhỏ: Thomas W. Malone là một thành viên trong ban cố vấn của InnoCentive.) Vào bất kể ngày nào, hàng ngàn nhà khoa học, kỹ sư, sinh viên và nhiều người khác truy cập vào InnoCentive để tìm kiếm những thử thách. Họ biết rằng nếu họ đưa ra được giải pháp khả thi, họ sẽ nhận được tiền thưởng, trong nhiều trường hợp trên 100 nghìn đô la Mỹ.

Đối với những người tìm kiếm giải pháp, sự hấp dẫn của InnoCentives nằm ở chất lượng những giải pháp mà nó đem lại. Bằng việc có một mạng lưới rộng rãi, InnoCentives kết nối những người rất có kinh nghiệm với các vấn đề khiến những chuyên gia nội bộ bối rối. Ví dụ như, theo nhà văn chuyên về lĩnh vực kinh doanh Julian Birkinshaw và Stuart Craine mô tả, công ty dược phẩm Roche muốn tìm kiếm một giải pháp để đo khối lượng và chất lượng của các mẫu bệnh phẩm mà đã đi qua các phân tích hóa học tự động. Vào năm 2008, công ty này tài trợ một cuộc thi trên InnoCentive. Sau hai tháng, nó đã nhận 113 lời gợi ý từ những nhà giải quyết vấn đề trên khắp thế giới. Giám đốc quản lý công nghệ của Roche Diagnotics, ông Tod Bediliion, đã rất ngạc nhiên khi đã tìm ra được một giải pháp độc đáo từ cuộc thi, trong khi trước đó Roche đã mất 15 năm loay hoay trước vấn đề này.

Câu chuyện này nói lên một lợi ích khác của sự siêu chuyên môn hóa: tốc độ. Trong trường hợp của hãng Roche, việc đưa ra vấn đề và tạo cạnh tranh trong tìm kiếm giải pháp đã làm cho quá trình tìm kiếm trở nên vô cùng nhanh chóng. Ngoài ra, sự siêu chuyên môn hóa còn giúp tăng tốc độ do phân công những nhiệm vụ liên quan cho nhiều người khác nhau cùng thực hiện đồng thời chứ không phải lần lượt. Ví dụ, công ty CastingWords chuyên sao chép các file âm thanh với tốc độ đáng kinh ngạc- đôi khi còn nhanh hơn cả thời gian nó được ghi âm. Làm sao mà công ty này có thể làm được như vậy? Nó không phải ngành khoa học tên lửa: CastingWords chỉ đơn giản tách các file âm thanh này thành từng đoạn nhỏ và chuyển chúng cho những nhân viên làm việc từ xa cho họ sao chép đồng thời. Công ty liên hệ với những nhân viên này qua trang Mechanical Turk của Amazon. Quy trình tự động của nó sử dụng những đoạn phân chia chồng chéo để tìm ra lỗi (bằng cách so sánh các bản sao chép của cùng một phần do nhiều nhà sao chép thực hiện), và rồi ghép các phần nhỏ thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Phần kiểm tra chất lượng của nó cũng cho biết nhà sao chép nào là đáng tin tưởng để tiếp tục hợp tác trong tương lai. "CastingWords giống như một nhà ảo thuật đối với tôi," một người dùng tên là Merlin Mann chia sẻ.

Khả năng phân phối những công việc điện tử cho một lực lượng lao động lớn không chỉ giúp cho công việc được thực hiện nhanh hơn; nó còn giúp hoàn thành những nhiệm vụ mà thời gian là yếu tố quyết định thành công. Hãy xem xét quá trình tìm kiếm Jim Gray, một nhà khoa học máy tính nổi tiếng, đã biến mất trên biển vào năm 2007 cùng với chiếc thuyền buồm nhỏ. Khi tin tức về sự biến mất này đến tai các đồng nghiệp của Jim Gray, họ nhận định rằng việc tìm kiếm hết 30.000 dặm vuông trên biển không phải là không thể. Trong vài ngày tiếp theo các hình ảnh gửi về từ vệ tinh được phân ra và chuyển cho những người tình nguyện và những nhân viên trên Mechanical Turk để kiểm tra. Những nỗ lực như thế này là ngoài sức tưởng tượng của trước kia và gợi ý những khả năng mới- từ việc tra quét những hành động khả nghi qua camera của một tòa nhà, tới việc phiên dịch thông tin trao đổi giữa các trụ sở công ty ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Tăng tốc độ công việc là một trong những cách thức giúp siêu chuyên môn hóa giảm thiểu chi phí. Qua kinh nghiệm của mình với InnoCentive, ông Bediliion đã chia sẻ rằng: "Tôi không thể bắt 10 nhân viên vào một căn phòng, tiến hành một cuộc hội thảo trong vòng hai ngày chỉ với chi phí (phải tính cả chi phí đi lại) bằng với những gì mà tôi chi cho InnoCentive . Và kết quả thu lại chỉ là vài trăm ghi chú thay vì một tập tài liệu với 113 đề xuất riêng biệt và rất chi tiết."

Khả năng tiết kiệm chi phí lớn nhất cho mỗi công ty còn đến từ hình thức tận dụng tốt hơn thời gian của nhân viên. Bởi siêu chuyên môn hóa giúp giảm bớt gánh nặng cho các công nhân trí thức, họ có nhiều thời gian để tập trung vào những công việc mang lại nhiều giá trị hơn. Ví du, trong quá trình bán hàng giữa các doanh nghiệp, những thông tin liên lạc chính xác phải luôn được cập nhật. Mặc dù hoạt động này là rất cần thiết như nó lại gây lãng phí thời gian của một người đại diện bán hàng giỏi. Công việc này sẽ được thực hiện hiệu quá hơn rất nhiều với sự trợ giúp của các chuyên gia về công việc vặt- những nhân viên của Samasoure, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại San Francisco. Samasource sẽ gửi những dữ liệu này đến các nước phát triển. Những nhân viên ở đây sẽ kiểm chứng địa chỉ kinh doanh, số điện thoại, địa chỉ email, và số từ hệ thống đánh số quốc thế (DUNS hay Data Universal Numbering System) thông qua nghiên cứu website của các công ty và gọi điện thoại trực tiếp.

Siêu chuyên môn hóa có thể làm giảm chi phí bởi nó tạo điều kiện cho các công ty tìm đến những chuyên gia thật sự trong mỗi lĩnh vực chứ không phải bắt đầu mầy mò lại từ đầu trong mọi vấn đề.

Làm chủ một thế giới của siêu chuyên môn hóa

Ở bất cứ công ty nào, siêu chuyên môn hóa sẽ thay đổi đáng kể bộ mặt tổ chức, từ cấp độ vĩ mô đến vi mô của từng nhiệm vụ. Một số công việc được phân nhỏ ra, một số quá trình khác có thể bị thay đổi hoàn toàn. Những nhà quản lý có thể đang muốn tập trung vào những hoạt động gia tăng giá trị thấp, như những khách hàng của Samasource chẳng hạn. Hoặc họ có thể tập trung khai thác những giá trị lớn hơn từ những nhiệm vụ cao cấp. Ví dụ, Business Talent Group hay YourEncore có mạng lưới những chuyên gia tư vấn tự do cung cấp cho khách hàng những lời khuyên trong ngắn hạn với giá cả cao đi kèm với chất lượng vượt trội. Dù những nhiệm vụ ở cấp độ nào chăng nữa (mang lại giá trị thấp hay cao) thì việc tập trung phát triển siêu chuyên môn hóa vẫn luôn đòi hỏi những kỹ năng quản lý tốt. Đầu tiên, các nhà quản lý phải biết cách phân chia công việc ra những nhiệm vụ nhỏ một cách hợp lý. Thứ hai, các chuyên gia phải được tuyển dụng với những điều khoản đóng góp chặt chẽ. Thứ ba, chất lượng sản phẩm phải được đảm bảo. Và cuối cùng, mỗi mảng công việc phải được tích hợp hoàn chỉnh.

Chia nhỏ công việc

Để hiểu được cách thức một công việc được hoàn thành qua siêu chuyên môn hóa, chúng ta phải bắt đầu bằng cách lập bản đồ những nhiệm vụ cần thiết cho công việc cụ thể đó. Một bản đồ như vậy sẽ gợi ý về cách chia nhỏ công việc thành những nhiệm vụ nhỏ mà có thể được thực hiện với chất lượng tốt hơn, tốc độ nhanh hơn và chi phí thấp hơn bởi những chuyên gia. Trong năm 2008, gã khổng lồ dược phẩm Pfizer đã thực hiện điều này trong một sáng kiến gọi là pfizerWorks. Bản đồ nhiệm vụ đã chỉ ra rằng những nhân viên có tay nghề cao nhất của Pfizer đang dành 20-40% của mình vào những công việc như nhập dữ liệu, nghiên cứu web, phân tích bảng số liệu và làm các slides thuyết trình Power Point. Sau khi xem xét kết quả, công ty đã quyết định thuê làm bên ngoài những công việc này, chuyển giao cho các công ty ở Ấn Độ và sau đó là một công ty có trụ sở tại Ohio.

Một vấn đề mấu chốt để phân chia công việc là phải hiểu sự phụ thuộc giữa các nhiệm vụ và xác định xem liệu công việc có được giải quyết thỏa đáng không nếu như các nhiệm vụ nhỏ được giải quyết bởi nhiều người khác nhau. Một ví dụ đơn giản: Một công ty đa quốc gia gần đây đã tổ chức lại đội ngũ nhân viên hành chính và quyết định giao nhiệm vụ sắp xếp lịch trình các chuyến du lịch của các giám đốc cho một nhóm nhỏ những người trợ lý hành chính. Nhóm nhỏ này dần dần phát triển thành những chuyên gia du lịch của công ty. Tuy nhiên, do hành trình du lịch phải phụ thuộc vào lịch họp (hay ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm gia đình...), nên cuối cùng công việc lại được giao trở lại cho các trợ lý hành chính làm việc trực tiếp với từng giám đốc điều hành.

(Còn tiếp)
Theo mang doanh nhan - tri thuc

Doanh nghiệp Việt Nam: Tốt nhất là tự vượt lên!


[Marketing3k.vn] Ít ra trong vòng chín tháng qua, hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã phải ngừng hoạt động, dừng nộp thuế hoặc bị phá sản và đóng cửa vì không còn đủ sức chống đỡ những khó khăn từ nhiều phía của nền kinh tế. Ðể hiểu rõ hơn thực trạng trên, Báo Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi ý kiến với ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng của doanh nghiệp, nhất là DNNVV của Việt Nam hiện nay?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Nhiều năm trước đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam khá thuận lợi. Số lượng doanh nghiệp được thành lập tăng cao chỉ trong một thời gian ngắn, trung bình một năm có thêm khoảng 80 nghìn doanh nghiệp ra đời và đến nay cả nước có khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đăng ký (hơn 90% là DNNVV). Tuy nhiên, những hạn chế yếu kém của mấy năm gần đây, nhất là năm 2010 để lại như kinh tế tăng trưởng thiếu bền vững, hiệu quả đầu tư thấp, chính sách còn thiếu đồng bộ, dễ phát sinh tiêu cực lãng phí dẫn đến thiếu động lực... Ðặc biệt, năm 2011 doanh nghiệp đang phải đối mặt với lạm phát, lãi suất tăng cao, tiếp cận vốn vay khó khăn... khiến càng khó khăn hơn.

PV: Lạm phát, và nhất là khó khăn trong tiếp cận vốn đã, đang là rào cản chính cho DNNVV. Nếu kéo dài tình trạng này, chúng tôi e rằng một số doanh nghiệp sẽ bị phá sản...

Ông Cao Sỹ Kiêm: Ðúng vậy. Ðiều này được minh chứng mấy năm qua, khi DNNVV vừa phải hội nhập, vừa phải chống lạm phát, chống giảm phát và lại phải góp sức phục hồi kinh tế. Năm nay còn khó khăn hơn, vì chỉ có 20% doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng, 30% tiếp cận được, nhưng vướng mắc thủ tục và hơn 30% không tiếp cận được, làm cho sản xuất đình trệ, dự án mới đóng băng. Nếu tình trạng này kéo dài khoảng 4-5 tháng nữa thì khả năng doanh nghiệp phá sản, dừng sản xuất là rất lớn.

PV: Thưa ông, theo thống kê chín tháng vừa qua, số doanh nghiệp phá sản tăng lên khá cao. Vậy thực chất đây có phải là tín hiệu cho một cuộc sàng lọc có lợi trong việc tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Hiểu như vậy cũng không sai. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp 'kiệt sức' trước khó khăn, sản xuất đình trệ, dẫn đến phá sản, thì tự nó đã bộc lộ rõ những mặt mạnh, mặt yếu. Như vậy, ở phương diện khách quan và đặc biệt là chủ quan, chúng ta cũng thấy rõ hơn những gì cần sửa chữa, điều chỉnh cũng như sắp xếp lại, làm cho doanh nghiệp 'khỏe' hơn. Và đây cũng chính là thời cơ làm lành mạnh hóa hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện mới để phát triển bền vững hơn sau này.

Con số khoảng 49 nghìn doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa... là điều đáng tiếc. Nhưng chúng ta không nên nhìn nhận điều này một cách bi quan. Bởi vì quy luật có mất đi, có sinh ra. Mới đây chúng ta tiếp tục cấp phép cho 40-50 nghìn doanh nghiệp khác ra đời đó thôi.

PV: Dẫu sao thì khó khăn vẫn đang là gánh nặng đối với các doanh nghiệp. Vậy theo ông, để 'vượt bão', các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó các DNNVV cần làm gì?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Chúng tôi đã có định hướng cho các doanh nghiệp với những điều đã được kiểm nghiệm trong thời gian qua. Tự giải quyết, vươn lên là biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất để đứng vững và vượt qua khó khăn, nhất là chuẩn bị mọi điều kiện để vươn lên khi kinh tế hồi phục. Mỗi doanh nghiệp phải tự đánh giá lại những ưu, khuyết điểm của chính mình một cách chính xác. Những ưu điểm cần được triển khai, nội lực cần được phát huy để đề ra những giải pháp, chiến lược đi tiếp. Khả năng thích ứng với tình hình cần được nâng cao hơn, cụ thể như chuyển hướng sản xuất, khai thác tối đa, có hiệu quả những chính sách mới, những chính sách hỗ trợ cũng như chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo nên thế mạnh, khắc phục những tồn tại để phát triển tốt hơn. Ðây là cách làm thích hợp với mọi doanh nghiệp, bởi càng làm kỹ, làm sâu, thì sự phát triển của hệ thống các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp sẽ bền vững hơn trong tương lai.

PV: Nhưng, cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, Nhà nước cùng các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương cũng cần có chính sách, giải pháp phù hợp hơn để hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn chứ, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Tất nhiên rồi. Trước hết, cơ quan chức năng, chính quyền cần nắm được khó khăn, những vướng mắc của doanh nghiệp để giải thích, tháo gỡ, trả lời cho sát và phù hợp. Thí dụ như giúp đỡ, hỗ trợ về mặt chính sách như giảm thuế, hoãn thuế, tín dụng ưu đãi, giảm bớt phiền hà, giải quyết các khâu hành chính nhanh hơn thì tất cả sẽ tạo ra yếu tố mới cho các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Cùng đó, sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp kịp thời với trách nhiệm cao của tất cả các cơ quan quản lý cũng như những cán bộ công chức sẽ trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn cho các doanh nghiệp vượt lên.

PV: Hẳn là ông cũng có dự báo của mình về 'sức khỏe' DNNVV từ nay đến quý I năm sau?

Ông Cao Sỹ Kiêm: Như đã biết, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bị tác động nhiều mặt, nhưng nếu thực hiện các giải pháp của Chính phủ; Kết luận 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ thật hiệu quả, có sự phối hợp đồng bộ theo chiều hướng tích cực như hiện nay thì sẽ có cải thiện, khôi phục dần.

Với những tín hiệu đáng mừng như lạm phát có chiều hướng đi xuống, tỷ giá và lãi suất cũng có thuận lợi hơn, nhất là xuất khẩu tốt hơn; nhập siêu đã bước đầu hạn chế được và cán cân thanh toán được cải thiện một bước..., tin rằng nền kinh tế sẽ sớm khả quan hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Nhandan - HƯƠNG TRÀ Thực hiện
Các bài khác: