Thursday, May 31, 2012

Thị trường căn hộ sẽ đón tiếp làn sóng bán tháo?

[Marketing3k.vn] Có thể hình dung từ đây đến cuối quý III/2012, sẽ có thêm một số doanh nghiệp bất động sản "biến mất", cùng với cái bụng phình to hơn ở đầu kia của cán cân. Có lẽ đó cũng là một ẩn ý của diễn biến thị trường căn hộ vào lúc này.

Thời kỳ của bán phá giá

Vào thời gian này, toàn bộ thị trường căn hộ dường như đang sa chân vào một thời kỳ mới. Mới nhưng không sáng sủa chút nào, nếu không muốn nói thẳng tên của nó: bán phá giá.

Tuy vậy, lịch sử đã cho thấy trong những thị trường đầu cơ thượng thặng như vàng, chứng khoán và bất động sản, bất cứ động thái nào cũng bao hàm tính hai mặt. Câu chuyện bán phá giá, nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng không chừng lại bao hàm một ẩn ý khác hơn thế nhiều.

Mọi chuyện hình như đã chính thức được khởi đầu bởi thông điệp từ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Trong một cố gắng đáng khâm phục bất chấp có thể bị "ném đá", tập đoàn này đã làm cho giới đầu tư bất động sản ngộ ra rằng nếu vào năm 2009 dự án căn hộ Hoàng Anh Review ở quận 2, TP.HCM đã được giảm giá đến 40%, thì vào năm nay, không có lý do gì điều này không lặp lại.

Chưa cần bàn đến ý định của ông Đoàn Nguyên Đức có được chính ông xác nhận hay không, cũng chưa đến thời điểm Hoàng Anh Gia Lai thực hiện chiến dịch giảm giá căn hộ ở quận 7, có thông tin cho biết mới đây Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova đã quyết định phá giá dự án căn hộ Trophic Garden tọa lạc tại phường Thảo Điền, quận 2 - 22 triệu đồng/m2 - so với mức giá từ 30-40 triệu đồng/m2 của các dự án cùng khu vực như The Vista, Catavill, Reverview Palace.

Trong khi đó, ở đầu cầu bên kia của thị trường - Hà Nội, mặc dù chưa xuất hiện lời tuyên bố ồn ào về cơ chế phá giá căn hộ cao cấp, nhưng lại tiếp tục hiện ra những thông tin về lỗ lã và hàng tồn kho mà không thể làm cho giới chủ đầu tư như Vinaconex, Sông Đà hay HUD hài lòng. Nói riêng, hệ thống các công ty bất động sản Sông Đà đã lên kế hoạch giảm giá hàng loạt dự án căn hộ ở một số khu vực, trong đó Nha Trang dường như là điểm khởi phát.

Tình thế của giới chủ doanh nghiệp bất động sản Hà Nội xem ra còn bi đát hơn cả nhiều dự án bị "kẹp hàng" ở Sài Gòn. Sự việc này có thể lý giải theo khía cạnh là mặc dù không chịu áp lực trả nợ và lãi vay quá ghê gớm, nhưng nếu ngay cả một tập đoàn được xem là đầy tiềm lực tài chính như M. cũng phải chịu thúc thủ từ đầu năm 2012 đến nay, thì những "cá mập" nhỏ hơn dĩ nhiên ngày càng bị thu ngắn cơ hội hồi phục.

Thực ra, đã tồn tại khá nhiều ảo ảnh về những cơ hội hồi phục từ hơn một năm qua. Từ tháng 4/2011, thị trường bất động sản Hà Nội đã bắt đầu bộc lộ dấu hiệu đóng băng, với phân khúc căn hộ cao cấp, sau đó là trung cấp nằm chung tình thế bất biến với phân khúc đất nền dự án. Sang tháng 5/2011, chỉ số giá của các phân khúc như vậy đã chính thức bước vào chu kỳ tuột giảm. Bất chấp nhiều cố gắng vận động hành lang lẫn vận động chính sách của giới đầu tư và đầu cơ, thời gian còn lại của năm 2011 đã chỉ chứng kiến đà tiến lên không ngừng nghỉ của nhóm lợi ích ngân hàng trong việc tiến chiếm vị thế truyền thống của nhóm lợi ích bất động sản.

Ra hàng mạnh mẽ ròng rã từ tháng 3/2012 cho đến nay, nhưng lại quá kém hiệu quả, các chủ đầu tu căn hộ trung - cao cấp ở Hà Nội đang nằm nguyên vẹn trong cái vòng xoáy do chính họ tạo ra: đầu tư - vay vốn - trả lãi - kẹt nợ.

Không khác với Hà Nội, khoảng 20 dự án căn hộ và đất nền ở TP.HCM cũng đã được tung ra chào bán từ tháng 4/2012 đến nay. Tuy vậy, trừ phân khúc căn hộ bình dân còn "thoi thóp", kết quả của các phân khúc khác vẫn hầu như bằng không.

Ẩn ý còn lại

Trong khi đó, báo chí lại như góp phần làm cho các doanh nghiệp bất động sản đã bế tắc lại chìm sâu hơn vào khốn khó. Không phải tất cả, nhưng gần đây một số bài báo dường như đang làm trầm trọng hóa, thậm chí cường điệu hóa thế nan giải của các chủ đầu tư căn hộ. Tại TP.HCM, khu Nam chính là một "mặt trận", nơi đang và sẽ diễn ra điều mà vài ba tờ báo gọi là "cuộc chiến căn hộ".

Tháng 6/2012 đang đến rất gần - thời điểm mà Hoàng Anh Gia Lai có thể chính thức hạ đến 50% giá căn hộ ở dự án Thanh Bình, quận 7. Mà quận 7 lại là tâm điểm hành chính của khu Nam, với nhất cử nhất động của nó đều ảnh hưởng lớn đến thị trường nhà đất tại các huyện Bình Chánh và Nhà Bè xung quanh. Vì thế, có thể hình dung là với hoàn cảnh giảm giá khuyến mãi quá sức đặc biệt của dự án Thanh Bình, cùng tương lai một cuộc chiến đang cận kề giữa các chủ đầu tư căn hộ ở khu vực này, sẽ quá khó có cơ hội để doanh nghiệp bất động sản bán được hàng với giá mong muốn. Thậm chí, tiêu thụ được hàng với mức giảm giá 20-30% cũng sẽ là điều không tồi.

Thánhg 6/2012 cũng lại là thời điểm mà rất nhiều khoản đáo hạn tái hiện. Với doanh nghiệp bất động sản TP.HCM, tháng Sáu năm nay thực ra chỉ là kịch bản lặp lại của tháng Sáu năm ngoái, khi họ được ngân hàng ưu ái cho đảo nợ, còn ngân hàng thương mại thì không bị Ngân hàng nhà nước quá hối thúc về việc làm sao phải kéo giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống mức 22%.

Còn vào năm nay, cho dù Ngân hàng nhà nước đã chính thức có yêu cầu "tái cơ cấu nợ" đối với các ngân hàng thương mại, nhưng xem ra quá trình này còn nhiêu khê với đủ thứ phức tạp về thủ tục, nhất là khi một năm trôi qua mà doanh nghiệp vẫn không thể nâng cao chút nào hệ số tiêu thụ hàng hóa .

Trong bối cảnh như thế, ai đang cầm dao đằng chuôi? Lẽ đương nhiên là ngân hàng chứ không thể là doanh nghiệp. Vào cuối tháng 6 tới đây, nếu tình thế không được cải thiện so với hiện thời, mà khả năng này lên đến 99% đối với phân khúc căn hộ trung - cao cấp, núi nợ của các doanh nghiệp với ngân hàng lại càng vút cao hơn, càng làm cho doanh nghiệp rơi vào tư thế "vệ tinh" của ngân hàng.

Đã có thể hình dung là từ đây đến cuối quý III/2012, sẽ có thêm một số doanh nghiệp bất động sản "biến mất", cùng với cái bụng phình to hơn ở đầu kia của cán cân. Có lẽ đó cũng là một ẩn ý của diễn biến thị trường căn hộ vào lúc này.

Theo Việt Thắng - VeF

Các bài khác:

Công lý và đạo đức

[Marketing3k.vn] Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ một người!

"Có thể thấy rằng một khi 30 phút có thể tạo nên chất lượng cao về nhận thức thì chắc hẳn những bài giảng đạo đức kéo dài lê thê sẽ phản tác dụng đến mức nào. Nên chăng, về giờ giấc học tập ở các trường đại học hiện nay cũng cần được điều chỉnh? "

Loạt bài giảng của GS Michael Sandle, Đại học Harvard, vừa được dịch phụ đề trọn vẹn ra tiếng Việt, đang trở thành một cơn sốt không hề thấp của cư dân mạng quan tâm đến giáo dục đại học.

Có thể nói không quá lời rằng, nghe - xem - thấy bài giảng này, dù đã từng biết, từng nghe không ít bài giảng ở các giảng đường đại học (và kể cả kinh nghiệm bản thân), người viết bài này thấy rất nên trao đổi một vài ghi nhận, như là những bài học cần thiết.

Từ những ví dụ bất ngờ

Sandle đã từng giảng cho hàng vạn sinh viên Harvard nghe suốt nhiều năm qua. Con số thống kê ấy nói lên rằng tính hấp dẫn và kỳ thú là khỏi phải bàn. Vậy mà, GS Sandle vẫn làm cho người nghe bị choáng khi ông đưa ra những ví dụ vừa giả thiết, vừa thật, gây sốc đến không ngờ.

Đầu tiên là chuyện về một con tàu không thể kiểm soát, đang chạy với vận tốc 60 dặm/h. Phía trước có năm công nhân đang sửa đường. Người lái tàu biết chắc ngay trước mặt có nhánh ray phụ, nhưng trên đó cũng có một công nhân đang làm việc. Có nên rẽ vào nhánh phụ để làm chết một người hay cho tàu đi tiếp theo lộ trình, và làm chết năm người?

Một ví dụ khác có thật, là chuyện một con thuyền cứu sinh sau vụ đắm tàu. Trên thuyền có bốn người, gồm thuyền trưởng, thuyền phó, thủy thủ và một cậu bé 17 tuổi tên là Parker. Parker đang chết từ từ và là một đứa trẻ mồ côi không người thân thuộc.

Thuyền trưởng và thuyền phó đã quyết định giết Parker ở ngày thứ 20 của đói và khát. Nhờ ăn thịt và uống máu Parker, bốn ngày sau họ được cứu sống. Tòa án Anh đã đem vụ việc ra xét xử.

Không ít ý kiến biện hộ (kể cả dư luận từ báo chí) cho rằng dùng thịt và máu của Parker để cứu ba người có gia đình, có nhiều trách nhiệm, có ích cho xã hội nhiều hơn thì cái chết của Parker là điều... có thể chấp nhận được(!)?

Trong những phần tiếp theo, GS Sandle đã đưa ra các ví dụ khác liên quan đến vấn đề đạo đức - trên thực tế có dính dáng rất nhiều đến chính trị. Chẳng hạn, liệu Bill Clinton có dối trá hay không khi ông làm cho người khác hiểu nhầm sự thật khi nói trước truyền hình rằng: "Tôi không hề có quan hệ tình dục với cô Monica Lewinsky. Tôi không bao giờ nói dối. Đó là một luận điệu sai lầm".

Một trường hợp khác là việc người chủ quán trả đủ tiền thừa cho khách sau khi cân nhắc rằng nếu trả thiếu, sẽ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh và sau đó sẽ mất khách. Vậy, có thể coi hành động của chủ quán là chưa đủ yếu tố cấu thành đạo đức?

GS Sandle còn đưa ra rất nhiều ví dụ khác khi nêu vấn đề cho sinh viên thảo luận như tính đạo đức của việc tuyển quân bắt buộc và chế độ tình nguyện khác nhau như thế nào? Cái nào nên hơn? Việc ưu tiên điểm số đầu vào đại học cho sinh viên Texas (bang có 40% dân số là người Mexico và da đen), khiến cho nhiều sinh viên da trắng có điểm số tương tự bị trượt đại học là nên hay không nên?

Có phải việc ưu tiên ấy dựa trên cơ sở thế hệ hôm nay phải đền bù cho quá khứ sai lầm (nguyên văn: past wrong) của cha ông hay không? Một trong những bất ngờ lớn nhất của GS Sandle là ông đã đưa ra một dẫn chứng thật giản dị (vì ai cũng biết). Đó là, trong một cuộc thi đấu thể thao - môn chạy chẳng hạn, việc hàng chục người xuất phát cùng một điểm xuất phát có thật sự là công bằng không khi ta biết rằng số phận, sức khỏe, những yếu tố tự nhiên mang tính ngẫu nhiên mà con người bất khả chuyển nhượng, đã làm cho các vận động viên không thể như nhau, như cách hiểu thông thường...

Triết học và đạo đức

Trong loạt bài giảng của mình, GS Sandle đã phân tích, phản biện các quan điểm triết lý về đạo đức của nhiều nhà triết học nổi tiếng như quan điểm về chủ nghĩa vị lợi của Jeremy Bentham, về khẩu hiệu nổi tiếng của John Locke "Lợi ích tốt nhất cho nhiều người nhất" chính là công lý.

Đặc biệt, GS Sandle đã dành khá nhiều thời gian cho việc trình bày quan điểm của một trong những nhà triết học lỗi lạc nhất của thế kỷ khai sáng là Immanuel Kant (22.4.1724-12.2.1804).

Kant cho rằng, chúa tể của cuôc sống không phải là Niềm vui và Nỗi buồn như Bentham nhìn nhận mà chính là đạo đức tối thượng. Đạo đức tối thượng là tính TRÁCH NHIỆM (có lý trí xác đáng dẫn dắt, phù hợp với quy luật đạo đức) của động cơ trong hành động.

Yếu tố này đặc biệt quan trọng với những người lãnh đạo vì họ nắm trong tay sinh mạng và số phận, hạnh phúc hay khổ đau của người dân. Bởi, đa số con người chỉ hành động theo ý muốn chủ quan, cái ham thích nhất thời, vị kỷ hoặc vì tư lợi tàn nhẫn nên bất kể đạo đức và, thường là, nhân danh đạo đức để che đậy các động cơ ích kỷ, xấu xa.

Tính tối thượng đạo đức yêu cầu con người không được dùng người khác làm công cụ để thỏa mãn ý đồ riêng, không được lạm dụng cái gọi là đa số để làm phương hại hay tước đoạt nhân phẩm của con người - dẫu chỉ một người.

Theo quan điểm khắt khe của Kant, nói dối cũng là cách chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Nếu Kant đúng, thì xã hội ta bây giờ, nhiều người đều vi phạm đạo đức vì đa số họ nói dối là... phẩm chất tự nhiên!

Quyền trình bầy ý kiến và quyền... im lặng

Nhìn - nghe GS Sandle giảng bài, thấy sinh viên Harvard thảo luận, có lẽ, ai cũng ước ao được ngồi ở giảng đường Sandle ấy một lần. Ngay cái tên đã kích thích suy tư: "Người một hạt cát" - Sandle. Có thể là một, hoặc một số nhưng chắc chắn đó là một phần làm nên bãi biển rực nắng mênh mông. Để trở thành cát, phải có hàng triệu lần "vật lộn" với sóng lừng, sóng dữ; phải trải biết bao gian khó, dập vùi. Xem ra, muốn làm nên sự lấp lánh và tinh khiết, không thể đo bằng vài năm tháng bọt bèo...

Ấn tượng đầu tiên từ các bài giảng của GS Sandle đó là sự lôi cuốn không chỉ nhờ chất giọng rõ ràng, hấp dẫn mà trước hết, người thầy phải có một cái nền kiến thức vững chắc, một "kho" ngôn từ dường như vô tận thì mới không lặp đi lặp lại, không có chuyện thì, là, mà, à, ờ... như không ít giảng viên của ta hiện nay.

Phần hài hước của ông (cái không thể thiếu của bất kỳ người thầy nào khi giảng về những vấn đề khô khan, khó khăn) chỉ chiếm chưa đến 2% thời gian - vừa đủ để tạo nên sự thư giãn cần thiết mà lại không làm loãng phần nội dung.

Chẳng hề có bất kỳ một câu chửi thề nào và tuyệt đối chẳng cần đến sự dung tục tầm thường tuy trong bài giảng có cả chuyện tình dục của Tổng thống Hoa Kỳ cũng như có cả chuyện công lý trong việc mang thai thuê!

Lượng thời gian dành cho sinh viên thảo luận của GS Sandle chiếm khoảng 30%. Điều đặc biệt là tất cả sinh viên khi phát biểu đều rất tự tin, trình bày lưu loát (cũng chẳng có sinh viên nào à, thì, là, mà).

Cái đáng ghi nhận nữa là mặc dù có những lúc chỉ có một, hai cánh tay giơ lên nhưng họ không hề ngần ngại, dẫu có hàng ngàn sinh viên khác im lặng (tức là không đồng ý). Quyền được trình bày ý kiến của mình bất kể người khác không tán thành là một trong những điểm tích cực vượt trội của tính tự chủ trong giảng đường Sandle.

Không có sự phân biệt về trình độ do màu da, chủng tộc. Ta hãy nghe một chút phần tranh luận giữa hai sinh viên gốc Á: "Nếu bạn phản đối hôn nhân đồng tính thì tôi hỏi bạn, bạn đã bao giờ thủ dâm chưa"?

Tính sâu sắc của câu hỏi- trả lời, thực sự làm chúng ta bị hấp dẫn. Nếu ai đã nghe- xem qua toàn bộ bài giảng này thì sẽ phải "ngạc nhiên" vì một điều nữa: Hàng ngàn người nghe, không hề điểm danh, không hề thiếu hụt bất ngờ và cũng chẳng hề có ai nói chuyện riêng(!)


Dường như việc nói chuyện riêng trong một lớp học của sinh viên Mỹ bị coi là thiếu văn hóa thì phải?

Một điều đáng xem xét nữa là trong khi ở nước ta hiện nay, sử dụng bài giảng có máy chiếu- màn hình được coi là thời thượng, phản ánh trình độ cao (?) của giảng viên, thì GS Sandle sử dụng rất ít, hầu như chỉ chiếu cho sinh vên xem những trích dẫn cần độ chính xác cao, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề đang nêu ra.

Đây là chuyện cần phải cân nhắc bởi chúng ta biết rằng nếu lạm dụng máy chiếu, tức là vừa làm hư cho thầy (lười giảng), vừa không đảm bảo tính liên tục của lập luận.

Điều cuối cùng cần đặc biệt nhấn mạnh là mỗi buổi giảng chỉ gói gọn trong 30 phút (ít nhất là các video clip cho biết như thế), nhưng vẫn đủ tất cả những nội dung cần thiết trong cái nguyên tắc tương tác hợp lý giữa thầy và trò.

Từ đây có thể thấy rằng một khi 30 phút có thể tạo nên chất lượng cao về nhận thức thì chắc hẳn những bài giảng đạo đức kéo dài lê thê sẽ phản tác dụng đến mức nào. Nên chăng, về giờ giấc học tập ở các trường đại học hiện nay cũng cần được điều chỉnh?

Loạt bài giảng Công lý, việc đúng nên làm với sự mở đầu thật khó - đúng như GS Sandle đã nói. Cái khó của ông là trình bày điều mà ai cũng biết (dẫu nhiều hay không nhiều lắm) như công lý, đạo đức.

Khó hơn nữa là những dẫn chứng ông đưa ra hầu hết đều cũ, nhưng ông phải làm cho khác lạ. Rồi, cái nguy hiểm của điều mới lạ ấy là nó làm cho bản chất hay cái vỏ của vấn đề không còn như cũ nữa...

Nói chung là có rất nhiều sự thách thức đối với một người thầy phải "trình diễn" trước cử tọa khắt khe, thông minh, dũng cảm - những người luôn coi thách thức là cơ hội - điều kiện để sống, để vươn tới.

Sandle không trả lời thẳng các câu hỏi mà ông đã đưa ra. Theo ông, lời khuyên của Kant luôn đúng: Phải sống trong sự bất an của lý trí, tức là sống trong câu trả lời chứ không phải là sống bằng sự thỏa mãn từ các câu trả lời.

Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ một người!

Theo Tác giả: Hà Văn Thịnh - Tuanvietnam

Những cung bậc bất ngờ trong cuộc đời Bill Gates

[Marketing3k.vn] Tỷ phú Microsoft, Bill Gates, đã bước qua tuổi 56. Mặc dù đã có nhiều cuốn sách viết về ông được xuất bản khắp thế giới, nhưng hình ảnh của ông trong mắt người đời ở chỗ này chỗ khác, lúc đây lúc kia lại không hoàn toàn thống nhất.

Với những người bình thường, ông là tỷ phú giàu nhất nhì thế giới. Với giới công nghệ, Gates là một huyền thoại, người đã sáng lập nên một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới. Còn với những người dân ở các nước kém phát triển, Gates là "thánh sống" khi ông cùng vợ chia sẻ hàng tỷ USD tài sản làm từ thiện.

Ông cũng bị đầy người ghét. Không ít người nhận xét Gates là một ông chủ xấu tính, hiếu chiến, hay "văng" những câu nhạo báng khó nghe vào mặt người đối diện. Người khác lại nói ông ranh ma và chơi không đẹp. Song, sau hết tất cả những cái sự yêu ghét đó, Gates vẫn là người có ảnh hưởng lớn tới thế giới đương đại.

Những ý tưởng của ông về máy tính và phần mềm đã mang lại sự thay đổi cho thế giới, tạo nên một giá trị vô cùng lớn, không chỉ đối với bản thân ông mà còn với toàn bộ hệ sinh thái của những nhà phát triển phần mềm. Trang Business Insider mới đây đã tóm lược những nốt thăng trầm của cuộc đời Bill Gates như sau:

Bill Gates mê máy tính từ nhỏ 


Gates bắt đầu quấn quýt với chiếc máy tính từ khi ông 13 tuổi. Có thể bạn cảm thấy buồn cười vì bé nhà bạn giờ mới lên ba đã biết dùng máy tính bảng, nhưng điều này không phải là chuyện bình thường vào thập niên 1960. Vào thời bấy giờ, không phải nhà nào cũng có máy tính và nhất là chiếc máy tính còn thiếu giao diện người dùng. 

Chương trình máy tính đầu tiên


Khi Gates học lớp 8, câu lạc bộ các bà mẹ trong trường đã dùng tiền lãi thu được từ việc bán đồ linh tinh để mua một thiết bị đầu cuối Teletype dòng 33 ASR và một gói thời gian sử dụng máy tính. Thời điểm đó, mọi người phải trả tiền sử dụng máy tính theo giờ. Gates đã viết chương trình máy tính đầu tiên của mình trên chiếc máy này. Đó là trò chơi cờ caro giữa người và máy.

Gates và Allen, từ BASIC tới Microsoft


Gates đã gặp đồng sáng lập Microsoft Paul Allen khi hai người cùng "mài đũng quần" ở trường Lakeside. Mặc dù Allen lớn hơn hai tuổi, song vì cùng yêu thích máy tính nên cả hai nhanh chóng kết bạn. Năm 1974, Allen cho Gates xem một bài viết trên tờ Popular Mechanics về bộ máy tính mini Altair 8800. Và một ý tưởng đã lóe sáng: Sẽ thế nào nếu ai cũng có một chiếc máy tính cá nhân nhỏ gọn cho mình?

Allen và Gates đã gọi tới công ty bán máy tính Altair và nói rằng họ có phần mềm BASIC có thể chạy trên dòng sản phẩm này, nhưng thực tế là họ chưa có gì trong tay. Giám đốc điều hành công ty tỏ ra thích thú với đề nghị của bộ đôi. Allen và Gates đã miệt mài viết bộ mã BASIC trong suốt hai tháng. Cuối cùng, thành công cũng tới, Altair mua phần mềm. Và "hạt giống" Microsoft nảy mầm.

Chiến đấu với trào lưu phần mềm miễn phí


Vào thuở "bình minh" của thời đại máy tính, mọi người sao chép và chia sẻ phần mềm với nhau một cách thoải mái. Phần mềm BASIC của Microsoft cũng không phải là ngoại lệ. Tháng 2/1976, Gates đã viết một bức thư ngỏ gửi tới những người yêu thích máy tính, giải thích rằng việc phát tán những phần mềm không phải trả tiền sẽ "ngăn cản sự hình thành của những phần mềm có ý nghĩa".

Ông yêu cầu mọi người hãy trả tiền để mua phần mềm. Vào thời điểm đó, đây là một quan điểm không bình thường và cho tới ngày nay, đôi lúc cũng vẫn có người nghĩ như vậy.

Gates thông minh, nhưng ranh mãnh


Vào thập niên 1980, mẹ của Gates, bà Mary Maxwell Gates, đã có cuộc trò chuyện với ông John Opel (người sau đó là Chủ tịch IBM). Bà đã giới thiệu con trai bà với nhân vật nổi tiếng này. Khi đó, IBM vừa chế tạo được máy tính cá nhân (PC) và muốn một bản sao BASIC cũng như hệ điều hành DOS.

Microsoft đã cung cấp phần mềm bản quyền cho máy tính IBM, nhưng từ chối bán mã nguồn. Gates nghĩ rằng các nhà sản xuất khác sẽ bắt chước IBM sản xuất máy tính cá nhân và họ cũng sẽ cần đến hệ điều hành từ Microsoft. Bill Gates đã đúng.

Gates không phải là một ông chủ tốt


Trước giờ, Bill Gates không nổi tiếng về các mối quan hệ xã hội. Ông từng có những cuộc tranh cãi nảy lửa với Giám đốc điều hành hãng sản xuất máy tính Altair. Khi trở thành Giám đốc điều hành Microsoft, ông vẫn nổi danh về thói quen gây gổ và xúc phạm các nhân viên quản lý trong những cuộc họp hàng ngày, như gọi những ý tưởng của họ là "ngu ngốc".

Phong cách quản lý "lăng mạ" đã ăn sâu vào máu của Microsoft và một số nhà quản lý của hãng vẫn hành động như vậy, một số cựu nhân viên Microsoft kể lại.

Kẻ bỏ học ngang lưng


Gates từng theo học ở trường Harvard, nhưng sau đó đã bỏ ngang khi bắt đầu xây dựng Microsoft cùng với Allen. Mẹ ông không lấy gì làm vui trước hành động của con mình. Bà lo lắng cho tương lai của Gates và muốn con mình trở lại trường để trở thành một luật sư như chồng bà.

Gates không trở lại trường học, song Harvard cũng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Microsoft. Tại trường này, Gates đã gặp Steve Ballmer. Năm 1980, Ballmer đã trở thành nhân sự thứ 30 của Microsoft và hiện đang dẫn dắt công ty. Ballmer có mức lương 50.000 USD và nắm giữ 8% cổ phần trong công ty.

Người "nhào nặn" ra các triệu phú


Năm 1978, Microsoft thu được 2,5 triệu USD. Vào thời điểm đó, Gates mới 23 tuổi. Trong ảnh là những nhân viên đầu tiên của Microsoft. Nhiều người trong số này đã ở lại Microsoft đủ lâu để trở thành các triệu phú. Tuy nhiên, làm việc với Gates không phải giống như đi dã ngoại. Một trong những người phụ nữ trong ảnh này đã từng kiện công ty vì thái độ phân biệt giới tính.

Tỷ phú xấu tính, chơi không đẹp


Microsoft càng lớn mạnh, Gates càng trở nên xấu tính. Khi còn làm việc với Apple, Gates đã nảy ra ý tưởng về một hệ điều hành cho phép dùng chuột ngoài bàn phím. Sau đó, Apple đã kiện Microsoft về tội sao chép "diện mạo và cảm giác" của Macintosh vào Windows. Vụ kiện này kết thúc với phần thua thuộc về hãng công nghệ "quả táo cắn dở".

Microsoft đã mượn sự yêu thích của người dùng đối với phần mềm Windows của mình để gây khó dễ cho đối thủ trong cuộc chiến phần mềm. Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ đã không ít lần tiến hành điều tra Microsoft về cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh. Năm 1998, Mỹ cáo buộc Microsoft vi phạm luật chống độc quyền. Gates đã lảng tránh phiên tòa và Microsoft thua kiện.

Tú tài đủ tư cách nhất


Bất chấp những lời chê về phong cách quản lý lăng mạ người khác hay một đối thủ cạnh tranh khốc liệt, gia sản kếch xù, sự thông minh và tính nhạy bén kinh doanh của Gates đã đưa ông trở thành một tú tài đủ tư cách nhất ở Mỹ trong suốt hàng thập niên. Tuy nhiên không giống như những tỷ phú phần mềm khác, chẳng hạn như Larry Ellison của Oracle, ông không nổi tiếng về khả năng tán tỉnh phụ nữ.

Gates bắt đầu hẹn hò với bà Melinda French vào năm 1989 và mãi tới 1/1/1994, họ mới tổ chức hôn lễ. Hiện cặp đôi này đã có hai mặt con gái và sống hạnh phúc trong một tòa nhà rộng hơn 6.000 mét vuông hướng ra hồ Washington. Kể từ sau vụ kiện chống độc quyền, Gates bắt đầu thay đổi cách sống của mình.

Với vợ, Gates là một người đàn ông tốt bụng


Năm 1994, Gates đã dùng một số cổ phần của ông trong Microsoft để thành lập Quỹ William H. Gates. Năm 2000, ông và vợ gộp ba quỹ từ thiện của gia đình thành một. Và Quỹ Bill & Melinda Gates chính thức ra đời. Cũng trong năm này, ông rời bỏ cương vị Giám đốc điều hành Microsoft và đảm nhiệm vai trò "kiến trúc sư trưởng phần mềm". Năm 2006, ông dần từ bỏ công việc điều hành để toàn tâm toàn ý cho hoạt động từ thiện.

Người đàn ông hào phóng


Tháng 12/2010, Gates và nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett (cũng là bạn tốt của Gates) ký "Cam kết Gates - Buffett". Họ hứa sẽ quyên tặng ít nhất một nửa số tài sản của mình cho công tác từ thiện. Gates cũng bắt đầu việc kêu gọi các tỷ phú khác chi tiền cho hoạt động cộng đồng này. Mark Zuckerberg, tỷ phú Facebook, là một trong những người đầu tiên đồng ý ký vào bản cam kết đó.

Danh tiếng mới


Hiện nhiều người đã bắt đầu quên đi câu chuyện về việc ông bị kiện vi phạm luật chống độc quyền. Thay vào đó, Gates đã trở thành một trong những nhân vật bác ái đáng kính trọng nhất thế giới. Năm 2011, ông xuất hiện cùng với Jon Stewart trong một chương trình bàn về cách loại trừ bệnh bại liệt ở các nước kém phát triển.

Một thiên thần hoàn hảo


Danh tiếng của Gates giờ đây đã được gột rửa sạch bong. Hiện ông được biết đến như một người đàn ông tốt bụng đang giải cứu thế giới. Từ một nhà kinh doanh xấu tính, đáng ghét, Gates đã lột xác trở thành một nhà từ thiện thiên thần, đáng kính. Cuộc đời của tỷ phú Microsoft giống như một cuốn phim dài tập với đầy những cung bậc bất ngờ. 
Theo VnEconomy - Phúc Minh

Kinh tế Việt Nam trước sức ép thay đổi

[Marketing3k.vn] Từ khi Việt Nam áp dụng chính sách Đổi Mới năm 1986, tăng trưởng kinh tế đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, đà tăng trưởng và hành trình phát triển của Việt Nam đang ngày càng có những dấu hiệu khó khăn. Bất ổn vĩ mô, gia tăng bất bình đẳng, các hiểm họa môi trường tiềm ẩn, và thái độ không hài lòng đang được kìm nén của công chúng đang đặt Hà Nội trước sức ép thay đổi ngày càng lớn.

Năm ngoái, với tỷ lệ lạm phát 18%, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng mạnh của các cuộc đình công lao động. Bất chấp tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 5,9%, cuộc sống người nghèo ngày càng khó khăn hơn khi mức thu nhập eo hẹp của họ không thể đuổi kịp đà tăng giá lương thực. Nhằm xoa dịu mối lo âu này của dân chúng, chính phủ đã hứa áp dụng các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh tay để chống lạm phát.

Nhưng cải cách tài khóa không phát huy tác dụng vì việc cắt giảm chi tiêu công đã cho thấy rất khó khăn trước sự hiện hữu của những nhóm lợi ích có thế lực. Và các biện pháp thắt chặt tiền tệ đã đẩy hàng chục nghìn công ty nhỏ và vừa ra khỏi thương trường hoặc lâm vào cảnh bi đát. Họ gặp khó khăn khi đi vay do lãi suất cao, trong khi các biện pháp ưu đãi chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Tình hình này đặt ra một mối đe dọa không nhỏ đối với sự phát triển của lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam.

Giới hoạch định chính sách thừa nhận rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam - dựa vào giá nhân công rẻ, khai thác nguồn tài nguyên và tăng trưởng vốn - đang tỏ ra không hiệu quả. Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình từ năm 2010, nhưng phải chứng kiến một thực tế là mức thu nhập trung bình của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất đã tăng gấp 9,2 lần so với nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất, trong cùng một năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng. Để đạt mục tiêu này, ông nhấn mạnh cần cải thiện các thể chế thị trường. Nhưng đây là một mong muốn "nói dễ hơn làm" vì có hai vấn đề. Một là, lĩnh vực nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo trong "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam. Trong quá trình phấn đấu trở thành một đất nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục dồn các nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa là cố "chọn mặt gửi vàng." Nhưng chính sách này đã không thành công; có thể thấy bằng chứng qua những trường hợp như các ngành công nghiệp đóng tàu và sản xuất thép không hoạt động hiệu quả.

Vấn đề thứ hai là nạn tham nhũng. Dù giới lãnh đạo cam kết đấu tranh chống vấn nạn này, nhưng kết quả thì không có gì đáng khích lệ.

Tại một hội nghị Đảng gần đây, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng các đảng viên cần cam kết nghiêm túc "phê bình và tự phê bình" để giúp giải quyết những vấn đề. Tuy nhiên, các cuộc cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng dường như khó lòng xảy ra trong thời gian trước mắt. Thách thức phải tăng trưởng bền vững và toàn diện hơn đòi hỏi trách nhiệm giải trình lớn hơn của chính phủ và sự tham gia rộng rãi hơn của dân chúng.

Một cảm nhận ít mang tính chính trị hơn, là nhiệm vụ thúc đẩy tăng năng suất lao động. Một báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho rằng Việt Nam cần tăng năng suất lao động trung bình hàng năm lên 6,4%, từ mức 4,1%, để đạt tăng GDP trung bình hàng năm là 7%.

Tăng năng suất một cách bền vững đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực thông qua việc xác định lại ưu tiên trong việc phân bổ nguồn lực, chuyển đầu tư của nhà nước, hiện đang đổ vào các ngành công nghiệp không hiệu quả, sang đào tạo hướng nghiệp, y tế và giáo dục.

Cải thiện quyền sở hữu đất đai cũng tạo một cơ hội khác. Luật đất đai hiện hành của Việt Nam, theo đó "đất thuộc sở hữu toàn dân, và Nhà nước là người đại diện sở hữu", còn nhiều lỗ hổng, vì vậy tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Sửa đổi đạo luật này theo hướng xác định rõ hơn và bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu của người dân sẽ giúp giảm tham nhũng và những tranh cãi về đất đai, đồng thời đẩy mạnh phát triển một nền nông nghiệp thương mại.

Khi cải cách từ trên xuống là rất khó khăn trong bối cảnh có những nhóm lợi ích muốn duy trì hiện trạng, một cách tiếp cận từ dưới lên có thể sẽ tạo đà mới. Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia cố vấn ủng hộ cải cách, cũng như các thể chế phát triển quốc tế, nên ủng hộ việc ban hành rộng rãi những chính sách ở cấp cơ sở mà được coi là có hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển dựa vào thị trường cũng như gia tăng sự tham gia của người dân vào công cuộc điều hành quốc gia. Vấn đề ở đây là tìm được một sự đồng thuận chính trị bằng cách đưa ra những chứng cứ thuyết phục cho những chính sách có hiệu quả mà không gây ra bất ổn thái quá cho hệ thống.

Nới lỏng kiểm soát truyền thông cũng quan trọng trong quá trình cải cách. Các kinh nghiệm gần đây cho thấy truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng và các trường hợp lạm dụng quyền lực. Lợi ích của một nền truyền thông độc lập có hai mặt: nó giúp chính quyền trung ương giám sát các hoạt động của các chính quyền cấp tỉnh và địa phương, đồng thời giúp chuyển tải những lo ngại cũng như mong muốn của người dân trực tiếp tới các nhà lãnh đạo cao cấp, từ đó đặt họ dưới nhiều sức ép phải hành động hơn.

Mặc dù quyết tâm chính trị của giới lãnh đạo sẽ quyết định phần lớn hướng đi và tốc độ thay đổi của Việt Nam, nhưng những người quan tâm đến vận mệnh của nước Việt vẫn có thể tác động để giúp định hình nó thông qua việc tập trung và tích cực kêu gọi những cải cách khả thi nhất và tạo ra những sức ép thay đổi một cách thuyết phục.

Tác giả: Trần Lê Anh, giáo sư tại Đại học Lasell ở Newton, bang Massachusetts (Mỹ). Bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên trang globalpost.com hôm 28/5.
Châu Giang dịch

Các bài khác:
Nguồn: số liệu Tổng cục Thống kê và tính toán của tác giả Bùi Trinh – Nguyễn Việt Phong
Sản xuất đình đốn vì sức mua kiệt quệ!

Monday, May 21, 2012

Đề án tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa tính chi phí

[Marketing3k.vn] Do không phải là một gói cứu trợ nên theo Chính phủ, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ không tiêu hao nguồn lực xã hội mà chỉ làm phát sinh chi phí nhất định ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, chi phí này vẫn chưa được tính toán cụ thể.
Với dung lượng gần 40 trang, đề án tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế đã được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày tại diễn đàn Quốc hội chiều 21/5. 

Thông qua việc tái cơ cấu 4 hợp phần: thị trường tài chính, đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước và các ngành - vùng kinh tế, đề án kỳ vọng có thể thay đổi một cách cơ bản mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Nền kinh tế sau khi chuyển đổi sẽ bước sang thời kỳ tăng trưởng dựa chủ yếu vào các nhân tố gia tăng năng suất, gia tăng hiệu quả. Tiếp tục củng cố các yếu tố này kể từ năm 2020 để tạo tiền đề, đưa nền kinh tế chuyển sang giai đoạn phát triển cao hơn vào năm 2030.

Đề án xác định mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu nền kinh tế là: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Bốn mục tiêu thành phần của tái cơ cấu kinh tế bao gồm:

1. Đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh, và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.

2. Thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng và sự hỗ trợ có hiệu quả từ Trung ương.

3. Cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung thông qua sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế.

4. Góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tuy có mục tiêu lớn như vậy, nhưng theo báo cáo của Chính phủ, do không phải là một gói cứu trợ nền kinh tế vượt khủng hoảng nên về tổng thể, việc tái cơ cầu kinh tế không làm tiêu hao nguồn lực xã hội. “Tuy vậy, đối với tái cơ cấu trên một số lĩnh vực và một số bên có liên quan, có thể phát sinh chi phí nhất định”, Chính phủ nhận định.

Tuy vậy, điều đáng nói là cơ quan soạn thảo, dù qua rất nhiều lần tham vấn, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp cũng như bản thân các cơ quan của Quốc hội, vẫn chưa thể đưa ra một cơ sở mang tính định lượng về những “chi phí nhất định” nêu trên. Điều này cũng được lưu ý trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế khi cơ quan này cho rằng việc tính toán chi phí là hết sức cần thiết trong điều kiện nguồn lực hạn chế của Việt Nam.

Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, phải tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… là cần thiết để có giải pháp phù hợp”, báo cáo nêu rõ.

Tuy vậy, cơ quan thẩm tra, về cơ bản vẫn nhất trí với đề án của Chính phủ, trong đó nhận định thách thức dễ thấy nhất của quá trình này, có thể phải hy sinh lợi ích ngắn hạn trước mắt để đổi lấy lợi ích tổng thể, lâu dài hơn. Cụ thể là trong một vài năm tới, các nguồn lực xã hội phải được phân bố lại trên quy mô lớn, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao như kế hoạch cũng như những năm trước. Trong khi đó, kết quả của quá trình tái cơ cấu chỉ có thể được thấy rõ trong trung hạn.

"Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương, những thay đổi để chuyển dần sang mô hình tăng trưởng mới là chưa thực sự rõ nét", Chính phủ đánh giá.

Ý thức được khó khăn này, cũng như đứng trước thực tế là nguồn lực có hạn, đề án xác định trong vòng 5 năm tới, sẽ ưu tiên tái cơ cấu các khu vực tài chính, đầu tư và doanh nghiệp Nhà nước. Đối với khu vực tài chính, đặt trong tâm vào ngân hàng, thị trường chứng khoán nhằm giúp các hợp phần này hoạt động lành mạnh, tạo nguồn lực cho nền kinh tế.

Đối với đầu tư, Chính phủ dự kiến tăng cường cải cách đầu tư công, đảm bảo đầu vào - đầu ra của ngân sách cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế. Riêng với doanh nghiệp Nhà nước, cần xác định lại vai trò của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp có chức năng bình ổn kinh tế vĩ mô… Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn hoàn toàn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước không cần chi phối, buộc doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, để triển khai cụ thể, thay vì đề xuất 13 giải pháp như phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi giữa tháng 4, Chính phủ đã rút lại còn 12 nhóm giải pháp. Các phương án này sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và kết luận trong phiên họp ngày 8/6 tới.

12 nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế

1. Nâng cao chất lượng các quy hoạch, gắn chiến lược với quy hoạch và kế hoạch, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch phát triển.

2. Tái cơ cấu thị trường tài chính, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, thúc đẩy, hỗ trợ tái cơ cấu ngành và vùng kinh tế, góp phần tăng trưởng bền vững.

3. Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội của đầu tư nhà nước.

4. Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời, nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài.

5. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa và không ngừng nâng cao hiệu quả đầu tư.

6. Đổi mới chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút và định hướng đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển các ngành, nghề ưu tiên phát triển.

7. Thực hiện các chương trình đồng bộ hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành đối với các sản phẩm ưu tiên phát triển, đặt dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ trung ương (về mục tiêu, nguồn lực, cơ chế và cách thức thực hiện, theo dõi, đánh giá và bổ sung, điều chỉnh...) nhằm tăng hàm lượng khoa học, tăng tỷ lệ giá trị nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh.

8. Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển.

9. Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô sản xuất, tập trung chuyên canh, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sống ở khu vực nông thôn.

10. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo điều kiện thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế.

11. Phát triển khoa học, công nghệ.

12. Giải quyết tốt các vấn đề môi trường và xã hội.

Theo Nhật Minh - VnEx

Các bài khác:

Bloomberg: Kinh tế VN tăng trưởng chậm nhất kể từ 1999

Công nhân đang sắp gạch vào thùng
tại công ty gốm sứ Quang Minh
(Ảnh: Bloomberg)
[Marketing3k.vn] "Kinh tế Việt Nam đang chậm lại rõ rệt", Art Woo, GĐ hãng xếp hạng tín dụng Fitch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết hôm 14/5. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm nhất kể từ năm1999, hãng tin Bloomberg nhận định.

Bà Nguyễn Thị Hà thở dài nhìn vào đống đựng gạch men đủ loại đang bám đầy bụi và mạng nhện trong nhà máy của bà ngay ven sông Hồng.

"Chúng tôi đang vật lộn để duy trì doanh nghiệp", bà Hà cho biết đã cho 60 công nhân nghỉ việc trong năm nay do một resort ven biển Đà Nẵng tạm hủy đơn hàng. "Nếu tình hình không được cả thiện, sẽ rất khó để chúng tôi tồn tại qua năm nay."

Nhà máy của bà Hà là một trong số vài ngàn doanh nghiệp Việt Nam phải cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí đóng cửa trong năm nay sau khi các nhà lập sách đưa ra chính sách kiềm chế việc thả nổi cho vay và hạn chế nợ xấu. Khi nhu cầu từ Trung Quốc và Châu Âu chậm lại, tình trạng phá sản của các doanh nghiệp bùng nổ từ năm 2002-2007 đang làm chậm lại tăng trưởng kinh tế và có thể ảnh hưởng đến cuộc chạy đua chứng khoán đã đưa Việt Nam thành TTCK hoạt động tốt thứ 3 thế giới trong năm nay.

"Chẳng có cách nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm nay khi có quá nhiều công ty đang trong tình trạng nguy kịch", chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết. "Nhiều doanh nghiệp đang thoi thóp".

Với khoảng 18000 doanh nghiệp đã dừng hoạt động trong 4 tháng và chính phủ đang ra tay ngăn chặn sự sụp đổ của một số ngân hàng, Việt nam đang cố gắng tìm ra con đường tăng trưởng bền vững sau nhiều năm dễ dàng cho vay đối với các nhà sản xuất hàng hóa giá rẻ và gây ra lạm phát cao nhất châu Á.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bốn tháng đầu năm 2012, 17.735 doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, trong đó có hơn 400 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 10% so với năm ngoái. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 32%.

Theo Bloomberg, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm VP Quốc hội cho biết, Quốc hội sẽ có phiên thảo luận trong tuần này về đề cương tái cấu trúc kinh tế. Kế hoạch này được xây dựng sau khi S&P và Moody đã cắt giảm xếp hạng tín dụng của Việt Nam hồi tháng 12/2010 do các khoản nợ xấu và lạm phát cao ở mức 23% đã làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình đòi tăng lương ở một số nhà máy.

Chỉ số VNIndex đã giảm 9,4% tuần trước, so với mức giảm 5,2% của chỉ số MSCI AC Asia Pacific Index. Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi TTCK Việt Nam trong năm nay về mức 24% sau khi giảm 27% trong năm 2011.

Các nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế có thể giúp nhiều công ty lớn nhất hồi phục sau sự suy giảm gần đây vì họ có tiềm lực tài chính mạnh hơn, ông Ngô Thế Triệu, GĐ Đầu tư công, Công ty Quản lỹ quỹ đầu tư Eastspring Investment cho biết.

Sáu doanh nghiệp chiếm hơn một nửa khối lượng giao dịch thị trường, trong đó có Vingroup, Vinamilk.

Cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đã giảm một phần do lo ngại khủng hoảng nợ Hy Lạp đang trở nên tồi tệ hơn, và trong bối cảnh một cơn suy thoái sâu có thể diễn ra tại Trung Quốc. Chỉ số MSCI Emerging Margets đã giảm hơn 6% trong tuần này.

"Hầu hết các doanh nghiệp hoạt động bằng tiền vay ngân hàng, với chỉ số nợ/vốn lên đến 9-10 lần, như vậy là không bền vững. Các công ty đang có thử thách tài chính sẽ sớm vấp ngã. Những công ty tồn tài được sẽ là chốn đầu tư tốt trong dài hạn".

Ông Triệu cho biết, TTCK Việt Nam có thể phục hồi 30% trong năm nay nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất và các NHTM giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý, cũng như cải thiện tỉ lệ nợ xấu, nợ khó đòi.

Hôm 9/5, Thủ tướng cho biết NHNN đang tăng tốc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ DN. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết từ tháng 3/2012, cơ quan tiền tệ sẽ cắt lãi suất 100 điểm trong quý II, III và IV.

"Kinh tế Việt Nam đang chậm lại rõ rệt", Art Woo, GĐ hãng xếp hạng tín dụng Fitch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết hôm 14/5. "Suy giảm kinh tế có thể vẫn ảnh hưởng đến khối ngân hàng. Chất lượng tài sản đang xấu đi".

Năm 2007, tăng trưởng GDP đã đạt 8,5%. Chính phủ phải "ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô", ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Ủy ban Cố vấn chính sách tiền tệ và tài chính quốc gia cho biết, "Tỉ lệ lạm phát cao trong vài năm qua đã khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng mỏi mệt".


Tác giả: BẢO LINH (THEO BLOOMBERG)
Các bài khác: