Saturday, June 30, 2012

M&A từ góc nhìn marketing

[Marketing3k - M&A] Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam lại chứng kiến xu hướng mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sôi động như 3 năm gần đây.
Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng trầm trọng từ năm 2008, nhưng không vì thế mà các thương vụ M&A ở Việt Nam bị ảnh hưởng, thậm chí số lượng thương vụ đã tăng lên hẳn. Tuy nhiên chất lượng của các thương vụ này vẫn là một dấu chấm hỏi.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu mua bán - sáp nhập và Liên kết (IMAA), năm 2011 có 412 giao dịch M&A được thực hiện tại Việt Nam, với tổng giá trị gần 4,7 tỷ USD; tổng số giao dịch mua M&A tăng 7% so với năm 2010. Nhưng ấn tượng hơn là, giá trị các thương vụ này đã tăng hơn 2 lần (tăng 103%) và là giá trị giao dịch lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Trong 4 tháng đầu năm 2012, thị trường M&A đã chứng kiến những thương vụ gây tiếng vang lớn như Eximbank - Sacombank; Glico - Kinh Đô; Kusto - Cotencons; CT Group - GS E&C; Doji - Tien Phong Bank; Hanel - Hanoi - Daewoo Hotel. Điều này làm cho M&A trở thành chủ đề nóng hổi được các doanh nhân và chuyên gia kinh tế quan tâm.

Các hội thảo, các cuộc tranh luận, sự kiện và truyền thông về M&A và các vấn đề liên quan đến M&A như pháp luật, tài chính, luật cạnh tranh, v.v... đều được mổ xẻ kỹ lưỡng, duy chỉ có marketing trong M&A là khái niệm ít được đề cập nhất.

Trong một cuộc hội thảo, một khán giả đặt câu hỏi: “Vai trò của marketing trong M&A là gì? Xin diễn giả hãy chia sẻ những kinh nghiệm và best practices về marketing trước M&A, trong quá trình M&A và sau M&A?”. Câu hỏi này đã bắt bí các diễn giả M&A, tuy nhiên nó cho thấy một thực tế cần phải xem lại vai trò của marketing trong việc nâng cao hiệu quả của các thương vụ M&A.

Trước hết chúng ta cần phải xem xét các đối tác cùng tham gia vào quá trình quản trị doanh nghiệp. Các đối tác này không chỉ có các cổ đông chính (shareholders) là những nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, mà còn có các đối tác khác (stakeholders) đóng vai trò quan trọng không kém đối với sự thành công của một doanh nghiệp. Họ là nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối, công đoàn v.v… Các đối tác này có quyền được biết về vận mệnh của doanh nghiệp họ đang cống hiến.

Một loạt câu hỏi được đặt ra là tại sao phải M&A? M&A thì được những lợi ích gì? M&A có dẫn đến gia tăng tỷ lệ thất nghiệp? M&A có giảm lương và phúc lợi không? M&A phải chăng chỉ có lợi cho cổ đông và gây bất lợi cho các thành phần khác? Và một loạt các câu hỏi nan giải khác.

Để giải quyết các câu hỏi này, không có cách nào khác là doanh nghiệp phải có chiến lược và kế hoạch Internal Marketing (tiếp thị nội bộ). Ngày nay có rất nhiều công cụ hỗ trợ cho Internal Marketing từ truyền thống đến hiện đại ví dụ như: bản tin nội bộ, họp mặt nhân viên, báo cáo định kỳ, website, mạng nội bộ, mạng xã hội, khảo sát nhân viên, v.v…

Nhìn ở góc độ sản phẩm, khách hàng và thị trường, sản phẩm của M&A là một tổ chức, do vậy các khái niệm như phân khúc, thị trường mục tiêu và định vị (STP) và hỗn hợp tiếp thị Marketing Mix (4P dành cho sản phẩm và 7P dành cho dịch vụ) vẫn có thể áp dụng một cách hiệu quả.

Một thuật ngữ thường thấy trong các tổ chức tài chính và M&A là Investor Relations (Quan hệ nhà đầu tư). Nếu doanh nghiệp chỉ chú trọng đến nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp trong các thương vụ, vậy số phận các đối tác khác sẽ đi về đâu?

Do vậy, để thương vụ M&A thật sự hiệu quả và có chất lượng, không thể chỉ nhìn ở góc độ tài chính, tổng giá trị của thương vụ, sự vừa lòng người mua kẻ bán, mà còn phải xem xét ở các góc độ khác mà marketing là một góc nhìn không thể thiếu.

Mặt khác, M&A có thể diễn ra giữa hai công ty đã từng là đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành, do vậy sẽ có những xung đột về sản phẩm, giá cả, hệ thống phân phối, chiêu thị, con người, quy trình và hạ tầng cũng như văn hóa giữa hai doanh nghiệp. Tất cả các yếu tố này đều là các thành phần của marketing hiện đại. Vậy nếu không đề cập đến marketing trong quá trình M&A rõ ràng là một thiếu sót rất lớn.

Ở một góc nhìn khác - định vị thương hiệu sau M&A. Định vị thương hiệu là một quá trình tìm ra điểm đặc trưng / khác biệt của thương hiệu so với đối thủ cạnh tranh và truyền thông vào tâm trí khách hàng. Để chiếm giữa tâm trí, con tim và tâm hồn khách hàng là một quá trình lâu dài và kiên nhẫn. Vậy sau khi M&A, khi 2 thương hiệu sẽ đã sáp nhập, sẽ phải định vị như thế nào trong tâm trí khách hàng để định vị vẫn còn hiệu quả, vẫn tiếp tục gia tăng giá trị thương hiệu, mang lại lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận dài hạn cho doanh nghiệp?

Về góc độ khách hàng, người Việt Nam có tiếp tục tinh thần Việt khi ăn phở 24 không khi biết rằng thương hiệu này bây giờ là của Highland Coffee và Jolibee? Người Việt Nam có tiếp tục ủng hộ Diana hay không khi chủ sở hữu của nó là Unicharm của người Nhật? Một số giá trị thương hiệu chắc chắn sẽ bị tác động không nhỏ. Chính vì vậy cần phải xem xét các thành phần của marketing.

Khi bàn về những vấn đề chính trong M&A, chuyên gia John Ditty đại diện cho KPMG đã đề cập đến 3 vấn đề lớn là: Thách thức quy mô thị trường, mức độ cạnh tranh / định vị, và viễn cảnh thị trường trong tương lai. Cả 3 vấn đề này đều là vấn đề quyết định, có liên quan mật thiết với chiến lược marketing của doanh nghiệp.

Trong hầu hết các loại hình kinh doanh trong nền kinh tế thị trường tự do, khách hàng là trung tâm trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Định hướng marketing là định hướng dựa trên việc tìm hiểu nhu cầu khách hàng và đề xuất những giải pháp làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Nếu các thương vụ M&A không quan tâm đến marketing, điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp ngày càng ra rời khách hàng, mà chỉ quan tâm đến góc độ tối đa hóa lợi nhuận cho nhà đầu tư.

Doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu như các bên tham gia vào quá trình quản trị công ty (gồm shareholders và stakeholder) hài hòa các giá trị, trong đó có vai trò không nhỏ của khách hàng. Nếu có sự quan tâm đúng mức về vai trò của marketing, tập trung vào khách hàng và tích hợp các công cụ marketing nội bộ và marketing bên ngoài, tin chắc các thương vụ M&A sẽ hiệu quả hơn và đi sâu vào chất lượng phát triển bền vững hơn là chỉ đạt được lợi ích về giá trị trong ngắn hạn. Bởi xét cho cùng, khách hàng vẫn là người quyết định số phận của doanh nghiệp.

Nếu khách hàng cảm thấy họ không được quan tâm đúng mức và không hài lòng với các giải pháp của doanh nghiệp thì dẫu có M&A, doanh nghiệp cũng không thể giành được chiến thắng.

Trong marketing có một nguyên tắc là “Chiến thắng kẻ thù thì luôn luôn dễ dàng hơn so với chiến thắng khách hàng”. M&A có thể giúp bạn xâm nhập vào thị trường sâu rộng hơn, cũng có thể giúp bạn thâu tóm đối thủ, tuy nhiên nó không thể giúp bạn chinh phục khách hàng và thị trường nếu không có sự đầu tư đúng mức vào chiến lược marketing.

Theo DNSG - Nguyễn Đăng Duy Nhất
MBA. Nguyễn Đăng Duy Nhất  – Chủ tịch CMO Council Worldwide tại Việt Nam, CEO Global Elite Consulting Corporation

Friday, June 29, 2012

CPI và giảm giá: Chẳng liên quan gì đến nhau?

[Marketing3k - Kinh tế Việt Nam] Chỉ số CPI tháng 6 của cả nước giảm âm cho thấy điều gì nếu không phải là câu chuyện giá cả? Rõ ràng, người tiêu dùng có cơ sở để thắc mắc về việc CPI không ăn nhập với cơ cấu chi tiêu và giá cả tiêu dùng thực tế.

CPI và túi tiền người dân: Hai câu chuyện khác nhau

Động lực của chỉ số giá giảm vừa qua được lý giải thuộc về nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng như một hệ lụy của thị trường bất động sản đóng băng, cùng với đó là nhóm giao thông và bưu chính viễn thông thừa hưởng thành quả khi giá xăng dầu trong nước giảm nhiều đợt. Tổng tỷ trọng của hai nhóm này rơi vào khoảng gần 20% - bằng 1/5 của rổ hàng hóa tính CPI.

Tuy nhiên rất chính đáng nếu người dân đòi hỏi và băn khoăn khi nhóm hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 43%) trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá CPI lại chưa tỏ rõ vai trò, đóng góp của nó trong con số âm 0,26% của CPI tháng 6 cả nước. Nhất là người tiêu dùng tại hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM vẫn phải chi trả cho các nhu cầu ăn uống, các dịch vụ thiết yếu với mức giá cao không đổi.

Đồng cảm với thực tế nhiều người dân kêu ca tại sao giá cả bên ngoài vẫn cao mà CPI lại giảm trong khi đáng lẽ người tiêu dùng phải vui mừng hồ hởi vì được lợi từ hiện tượng này, chuyên gia về giá cả Ngô Trí Long chung nhận xét, hiện chỉ có một số mặt hàng giảm giá, còn hầu hết mặt hàng khác, giá vẫn ổn định. Tuy nhiên, theo ông Long, chúng ta phải thừa nhận con số nói trên bởi không có điều tra và số liệu hơn thế.

Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia Vũ Đình Ánh - Học viện Tài chính công nhận, chỉ số giá không phản ánh hết tất cả mọi thứ bởi chỉ có gần 600 mặt hàng cụ thể được Tổng cục Thống kê chọn làm đại diện để đo lường chỉ số giá trong số hàng vạn mặt hàng của đời sống. Hơn nữa danh sách tên tuổi các mặt hàng này không công khai vì thế khó có thể rạch ròi.

Ông Ánh cho rằng, cách suy diễn CPI âm mà hàng hóa không giảm nhiều không có gì mâu thuẫn với nhau vì CPI là chỉ số chung. Đây là chỉ số giá cả hàng hóa gộp lại của nhiều nhóm, nhiều lĩnh vực mà thế giới vẫn đang áp dụng chứ không riêng gì Việt Nam. Hơn nữa, mức âm 0,26% của tháng 6 cũng không phải là cao.

"Người dân cũng không thể hy vọng CPI giảm mà đồng tiền chi tiêu của mình được dôi ra. Lý do CPI chỉ phản ánh mức độ biến động về giá chứ không phải là mức giá, không phải CPI âm mà giá thấp hơn. Từ CPI giảm mà dẫn suất ra ví tiền đi chợ của các bà nội trợ lại là câu chuyện khác, vì đấy là số vĩ mô chứ không phải vi mô" - ông Ánh nói.

Hàng thiết yếu: Khó có chuyện giảm

Các nhà quản lý cho rằng, lượng hàng hóa tồn kho lớn và sức mua giảm sút khiến nhà kinh doanh phải tìm cách tăng khuyến mại, ưu đãi, giảm lãi là căn nguyên chính khiến CPI giảm âm. Tuy nhiên, lượng tồn kho nhiều ở nhóm ngành, lĩnh vực nào, có thiết thực, chiếm tỷ trọng quyết định với đời sống sinh hoạt và nhu cầu của số đông người dân hay không và thực sự họ có được hưởng mức giá giảm không, lại phải xem xét cụ thể.

Là nhà thu mua, phân phối các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, lãnh đạo các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc vẫn khẳng định, chưa thu được tín hiệu giảm giá hàng hóa nào từ cả nghìn nhà cung cấp trong hiện tại và tương lai. Ở lĩnh vực nào không biết chứ riêng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng không có hàng tồn đọng; họ cũng không ghi nhận được áp lực giải phóng hàng tồn của nhà sản xuất, cung cấp.

Dễ thấy các nhu cầu dành cho ăn, mặc, ở, đồ dùng gia đình phải chiếm tỷ trọng 60-70% trong rổ hàng hóa, hay nói cách khác, nó thể hiện cơ cấu chi tiêu của số đông người dân hiện nay. Tuy nhiên khi các nhà sản xuất kinh doanh các mặt hàng nói trên chưa có tín hiệu giảm giá thì nhiều tháng nay, chỉ thấy nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng kêu than thảm thiết về tình trạng tồn đọng hàng hóa với khối lượng lớn và đình đốn sản xuất.

Tiếp sau sự lên tiếng dài kỳ của đại diện các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thép, xi măng, bất động sản, Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam đại diện cho 120 hội viên vừa trình Thủ tướng một loạt kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành này.

Hội đề cập, riêng xi măng trong 5 tháng đầu năm đã tồn kho trên 3 triệu tấn (giá trị trên 3.000 tỷ đồng); ngành gốm sứ tồn kho trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương trên 3.000 tỷ đồng; ngành sản xuất vật liệu không nung và sản xuất thủy tinh, đá ốp lát cũng khốn đốn vì tiêu thụ chậm, cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên chưa có một báo cáo của tổ chức nghề nghiệp nào lại đưa ra các con số giá sản phẩm giảm đi từ các câu chuyện tồn đọng này.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, việc phân tích nguy cơ của hàng tồn kho, mối liên hệ giữa hàng tồn kho và việc giảm giá sản phẩm, hiện nay là thiếu căn cứ rõ ràng. Do chỗ thứ nhất là sự thiếu đầy đủ chính xác của số liệu, thứ hai là sự đa dạng và đặc điểm riêng trong sản xuất tiêu thụ của mỗi nhóm ngành hàng.

Ví dụ, đối với sản xuất xi măng sắt thép thì chuyện ứ thừa là bình thường vì bản thân khi quy hoạch sản xuất đã tính thừa thành ra ý nghĩa tồn kho trong lĩnh vực này phải cân nhắc lại. Bên cạnh đó có những loại sản phẩm tồn kho không tiêu thụ được, buộc phải giảm giá bán như lương thực, thực phẩm.

Ở góc độ sức tiêu dùng mua sắm giảm, ông Ngô Trí Long cho rằng, không phải do chi phí sản xuất, giá thành đang giảm đi so với trước đây mà các yếu tố đầu vào vẫn đứng ở mức cao. Giá giảm đi không phải do năng suất, chất lượng, hiệu quả tăng lên, cũng không phải do giảm giá thành mà vì sức mua hạn chế, lời lãi của doanh nghiệp giảm đi.

Để tự tháo gỡ cho chính mình, theo ông Long, điều tất yếu là các doanh nghiệp nói chung, tùy theo mục tiêu hoàn cảnh của mình, cần phải tiếp tục đẩy hàng ra với giá cả phải chăng, để đông người tiêu dùng chấp nhận. Điều này sẽ giảm thiểu tình trạng tồn kho, doanh nghiệp thu tiền về để có vốn tái sản xuất đầu tư. Nếu không cả nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ rất nguy khốn.

Theo VeF - Thành Dũng
Các bài khác:

Tạo khác biệt từ việc "cho đi"

[Marketing3k - Ý tưởng] Tại dạ tiệc từ thiện “Scar of life 3” do nghệ sĩ Ngô Thanh Vân và Quỹ Nhịp Tim Việt Nam tổ chức hồi cuối tháng 5, gian hàng Grace’s Cookies gây sự chú ý vì slogan “Cookies that save children” (Bánh cookie cứu mạng trẻ em). Margot Richart - người phụ nữ tạo ra loại cookies này đã cùng các tình nguyện viên đóng góp 42.000 USD để cứu 42 trẻ em bị bệnh tim, trong ba năm gần đây.

Margot nhẩm tính, bà cùng các tình nguyện viên đã tạo ra khoảng hơn 20.000 chiếc bánh cookies để có được số tiền đó. Có ba loại bánh khác nhau, mỗi bánh nặng vài gram, được bỏ vào gói plastic trong suốt, bán đồng giá 25.000 đồng/gói.

Bánh to thì mỗi gói một bánh; bánh vừa thì hai, và bánh nhỏ thì ba bánh một gói. Có khi Margot ước lượng nhu cầu và đem bánh bỏ cho ba shop ở An Phú (quận 2), hoặc bán ở các hội chợ hàng xôn địa phương (bazaar), bán trong các trường học. Cũng có khi người mua tự gọi đến đặt hàng.

Margot kể, bà có đơn hàng hằng tháng, mỗi tháng 25 gói bánh cookies, và bà thường tự đi giao hàng. Còn thông thường, bà bán khoảng 200-400 cái trong các bazzar. Đơn hàng “khủng” lớn nhất Grace’s Cookies có được là từ Trường AIS (Trường quốc tế Hoa Kỳ), với 2.400 cái một lần.

Việc bán bánh cookies không dễ dàng vì đây là bánh tươi, ăn ngon nhất trong tuần đầu tiên sau khi ra lò. Nên bà không bao giờ giao cho khách những chiếc bánh đã làm được 3 ngày mà vẫn “nằm nhà”.

Những nỗ lực thầm lặng và kiên trì của những trái tim ấm tình thương đã được tích lũy, được nhân lên bởi những người phụ nữ nước ngoài từ tâm như Margot. Họ đóng góp thời gian, vật dụng, công sức, máy móc, điện nước, chỉ lấy lại chi phí nguyên vật liệu mà thôi.

Nhờ vậy, 80% doanh thu từ những chiếc bánh nhỏ bé ấy được chuyển tới Quỹ Nhịp Tim Việt Nam của VinaCapital Foundation. Nhờ thế, 42 em bé bị bệnh tim đã được cứu sống. 

Những chiếc bánh “ân sủng”

Các loại bánh cookies do nhóm của Margot Richart làm

Tại sao lại là bánh cookies, và tại sao lại là Gracescookies, thưa bà?

- Đó là một câu chuyện dài, bắt đầu từ việc quyên góp cho một em bé Việt Nam bị bệnh tim trong cộng đồng “xóm giềng” của chúng tôi cách đây hơn ba năm.

Lần đầu tiên khi chúng tôi quyên góp thì mọi người rất hào hứng đóng góp, khi biết chắc cậu bé bệnh tim nặng sẽ ra đi nếu không đủ tiền cứu chữa. Và chúng tôi quyên góp đủ để chữa bệnh cho hai em bé.

Từ sự hứng khởi đó, chúng tôi tiếp tục đề nghị mọi người quyên góp nhiều tiền hơn nữa để cứu sống thật nhiều em bé. Nhưng điều kỳ lạ là... không ai đóng góp thêm!

Thất vọng, nhưng dần dần chúng tôi nhận ra, nếu có quá nhiều đề nghị quyên góp, mọi người sẽ cảm thấy nhiều quá, hoặc nếu chỉ nói quyên góp cho các em bé chung chung thì họ cũng không có động lực để làm việc thiện.

Thế là tôi nung nấu việc làm ra sản phẩm gì đó để mọi người vừa mua được, vừa làm việc thiện được. 

Chúng tôi từng nghĩ đến đồ lưu niệm thủ công, nhưng ở đâu cũng thấy chúng cả. Nhận định rằng, sản phẩm làm ra phải có chất lượng cao, giá không đắt lắm để dễ mua nhiều lần, rồi phải để người ta mua một cách tình cờ, và phải có tính độc đáo của sản phẩm “làm tại gia”. Nhưng nghĩ mãi vẫn chưa ra.

Tình cờ, trong chuyến đi Singapore cùng gia đình, tôi thấy cửa hàng bánh cookies từ Hoa Kỳ - quê hương tôi. Rõ ràng nó chưa có ở Việt Nam. Và thế là tôi quyết định... 

Grace là tên một người dì của tôi, dì cũng gửi tôi những chiếc bánh cookies khi tôi đang học đại học. Grace cũng có nghĩa là “ân sủng”. 

Gracescookies có hương vị khá đặc biệt. Bà có thể tiết lộ “bí kíp” để có loại bánh này?


- Quả thật Grace’s Cookies có chất lượng rất tốt, được làm từ các nguyên vật liệu rất rất tốt. Cũng là những nguyên liệu cơ bản như đường, bơ, trứng và một số nguyên liệu bí mật.

Công thức của Grace’s Cookies được “biếu tặng” cho từ thiện nên chúng tôi không thể tiết lộ được. Để có được công thức này, chúng tôi đã phải thử rất nhiều loại cookies để tìm ra loại bánh nào vừa ngon vừa có giá dễ mua.

Thực khách mua cookies vừa có loại bánh tuyệt hảo để ăn, vừa đóng góp để cứu trẻ em bệnh tim, vì 100% lợi nhuận từ việc bán bánh được đóng cho quỹ Quỹ Nhịp Tim Việt Nam. Một trong hai điều đều tuyệt cả, phải không? 

Nhiều khách hàng khen ngợi hình ảnh Gracescookies dễ thương, cuốn hút... Chúng tôi phải cảm ơn ông Matt Millard từ Công ty PurpleAsia đã đóng góp các dịch vụ sáng tạo tương đương với 10.000 USD như: tạo logo, thiết kế brochure, thiết kế trang web, banner, stickers... - những hình ảnh rất quan trọng đối với Grace’s Cookies. 

Vậy tại sao lại chọn Quỹ Nhịp Tim Việt Nam để đóng góp, thưa bà? 

- Chúng tôi không có đủ thông tin để tìm đúng bệnh nhân, bệnh viện, nên cần phối hợp với một tổ chức nào đó. Quỹ Nhịp Tim Việt Nam có quan hệ tốt với các bệnh viện và có mạng lưới rộng khắp để có thể tìm đúng bệnh nhi.

Chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi gửi tiền quyên góp vào Quỹ Nhịp tim Việt Nam, vì biết rằng 100% số tiền này sẽ đến các trẻ em bệnh tim. Tôi nhớ mãi cậu bé thứ 35 mà chúng tôi hỗ trợ.

Em gặp vấn đề tim rất nặng, nên cuối cùng vẫn “ra đi” sau ca mổ. Giây phút đau đớn nhất, bố của cậu bé vẫn nói “Xin cảm ơn vì đã cho con tôi một cơ hội”.

Chứng kiến cảnh này, tôi có một sự rung cảm sâu xa. Nó tạo cảm hứng cho chúng tôi tiếp tục công việc tìm cơ hội cho các em thiếu may mắn.

Nỗ lực sẽ được đền đáp


Đâu là thử thách lớn nhất của Grace’s Cookies thưa bà?

- Chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ với một số tình nguyện viên. Mỗi tình nguyện viên lại có những công việc khác nhau nên khá khó khăn để có thể tập trung đủ người nướng bánh hoặc bán bánh trong một sự kiện đặc biệt.

Chúng tôi mong có thể trở thành một tổ chức chính thức. Tuy nhiên lúc đó phải đầu tư rất nhiều vào nhà bếp, máy móc, thiết bị... Nên điều mà chúng tôi đang mơ ước là tìm được một nhà hàng nào đó có thể hợp tác tài trợ gian bếp cho chúng tôi. 

Nhân dịp này tôi cũng cảm ơn rất nhiều tình nguyện viên đã “đồng cam cộng khổ” với tôi trong nhiều năm qua. Nổi bật trong số đó có bà Stefanie Bratner từ Đức, bà Yolande Yong từ Malaysia phụ trách chocolate chip, bà Evelyne Kobberger cũng từ Đức chuyên về bánh glazed sugar, còn bà Regina Tay từ Singapore làm bánh chocolate chip và shortbread.

Bà Retha van Niekerkt từ Nam Phi ngoài nướng và bán bánh còn làm cả công việc kế toán. Còn bà Antoinette Kattan từ Thụy Sĩ giúp quyên góp và nướng bánh. Và nhiều tình nguyện viên khác nữa... 

Có thể thấy bà đã khá hài lòng với Grace's Cookies. Bà có niềm vui nào khác muốn chia sẻ nữa không? 

- Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được mời đến trình bày ở một trường quốc tế trước các em học sinh cấp một, cấp hai về đề tài “Giving and helping” - “Cho đi và giúp đỡ”.

Chúng tôi cũng tổ chức các chuyến thăm trẻ em cần mổ tim, để các em học sinh thấy rằng mình có thể tạo ra sự khác biệt một cách dễ dàng.

Các em cũng thấy được nếu không có sự hỗ trợ của cộng đồng thì những trẻ em nghèo bệnh tim có thể ra đi bất cứ lúc nào. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các em làm tôi rất cảm động.

Có những em lớp 1, lớp 2 đi bán bánh cookies để quyên góp cho bạn bị bệnh tim. Có em còn biết bán cho các bạn của mình nhân Ngày của Mẹ 13/5.

Tôi nghĩ rằng, trong các em đã có sẵn tình yêu thương đối với những người bất hạnh, nhất là với các bạn đồng trang lứa, nên khi có dịp phù hợp là tình cảm ấy được thể hiện rất rõ. 

Bà có thể chia sẻ một chút về cá nhân mình?


- Tôi đến từ New Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ. Thành phố New Orleans của chúng tôi giống TP.Hồ Chí Minh ở chỗ cả hai đều cổ và có lịch sử dưới ách đế quốc Pháp.

Nơi đây cũng sản sinh ra Jazz Music mà các bạn thường nghe. Con người thì dễ thương, thân thiện và dễ tiếp xúc. Chỉ có điều, TP.Hồ Chí Minh rộng hơn nhiều và đang thay đổi từng ngày.

Tôi nghĩ mình đã may mắn khi có cơ hội sống ở cả hai nơi như vậy. Tôi cùng gia đình mình đã sống ở đây 5 năm.

Câu tục ngữ yêu thích của tôi là “Trying counts - Nỗ lực sẽ được đền đáp”. Nếu chịu thử, bạn sẽ ngạc nhiên trước những điều bạn có thể đạt được.

Thậm chí nếu không thành công, bạn cũng có cảm giác hài lòng vì mình đã nỗ lực. Điều quan trọng đối với tôi là tôi đã tạo được sự khác biệt từ việc “nhận rồi cho đi”. 

Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Theo DNSG - Bùi Thị Song Hà

Thursday, June 28, 2012

Vì sao LV, Hermes, Rolex thống trị thế giới?

Toàn bộ công việc kinh doanh hàng xa xỉ
 dựa vào việc thuyết phục khách hàng
rằng chỉ riêng thương hiệu thôi cũng đáng
 để trả thêm tiền.
[Marketing3k - Thương hiệu] Global Post vừa tổng hợp những chiến lược kinh doanh mang đến thành công cho 10 thương hiệu xa xỉ nổi tiếng toàn cầu.

Trong ngành kinh doanh các thương hiệu xa xỉ, quan điểm của khách hàng điều hành mọi thứ. Người ta có thể tạo ra nhiều món hàng xa xỉ như quần áo, túi xách, giầy dép và đồ trang sức với chất lượng tuyệt hảo một cách không quá khó khăn. Toàn bộ công việc kinh doanh dựa vào việc thuyết phục khách hàng rằng chỉ riêng thương hiệu thôi cũng đáng để trả thêm tiền.

Vậy, thương hiệu nào làm việc đó giỏi nhất? Hàng năm, công ty nghiên cứu thị trường Milward Brown xếp hạng 10 thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới dựa vào giá trị thương hiệu.

Mô hình BrandZ của công ty này đánh giá lợi nhuận của một thương hiệu, lợi nhuận tiềm năng, và chất lượng của thương hiệu trong tâm trí khách hàng, để đạt đến giá trị thương hiệu cuối cùng thể hiện bằng USD.

10. Burberry - Giá trị thương hiệu: 4 tỷ USD, tăng trưởng 21%.

Hiếm người biết rằng, từ xa xưa, Burberry là một thương hiệu sản xuất áo mưa cho tầng lớp quý tộc Anh. Sau đó, trong những năm 1990, công ty này tự đổi mới mình bằng việc sản xuất quần áo thời trang, tất cả đều được trang trí sọc kẻ ca-rô Burberry.

Burberry đạt lợi nhuận 1,9 tỷ bảng Anh và tiếp tục mở rộng phạm vi, hiện còn tung ra thị trường dòng nước hoa Burberry Body và bộ sưu tập thời trang cao cấp Burberry Prorsum.

Công ty này còn tự hào bởi khả năng tiếp thị số của mình. Các cửa hiệu của Burberry mang iPad cho những khách hàng muốn xem hàng trên màn hình.

9. Moet & Chandon - Giá trị thương hiệu: 4,2 tỷ USD, giảm 8%

Theo báo cáo hàng năm của tập đoàn quốc tế của Pháp chuyên về các sản phẩm xa xỉ LVMH, họ đang kiểm soát 1.697 hecta trong khu vực sản xuất champagne ở Pháp. Các thương hiệu champagne của tập đoàn này bao gồm: Moet & Chandon, Dom Perignon, Veuve Cliquot và Krug, và chiếm 18,3% thị trường toàn cầu. Doanh thu từ champagne của tập đoàn này là 1,8 tỷ franc.

8. Hennessy - Giá trị thương hiệu: 4,6 tỷ USD, giảm 8%.

Câu chuyện Hennessy là về những rào cản đối với việc cạnh tranh có thể được dựng lên sau khi bạn thiết lập một vị trí thống trị thị trường, giả sử bạn đã làm điều đó cách đây hơn 1 thế kỷ. Hennessy trở thành thương hiệu cognac hàng đầu từ 1890 và hiện chiếm 41,1% thị phần. Henessy sở hữu 177 hecta trong khu vực sản xuất cognac.

7. Cartier - Giá trị thương hiệu: 4,8 tỷ USD, giảm 9%.

Có 2 loại loại hộp trang sức đẳng cấp trên thế giới: một chiếc màu xanh giống vỏ trứng chim két của Tiffany và một chiếc màu đỏ trang trí vàng của Cartier. Cartier là hãng trang sức lớn duy nhất được công ty nghiên cứu thị trường Millward Brown đưa vào danh sách.

6. Prada - Giá trị thương hiệu: 5,8 tỷ USD.

Doanh thu của Prada tăng 42% trong quý I/2012. Thành công của Prada phần lớn nhờ gia tăng nhanh chóng số cửa hiệu. Từ tháng 4/2011 đến tháng 4/2012, Prada đã mở thêm 65 cửa hiệu.

Trong 3 năm tới, Prada có kế hoạch mở thêm 80 cửa hiệu mỗi năm, trong đó 30 cửa hiệu ở Trung Quốc. Nhãn hiệu này hiện điều hành hơn 200 cửa hiệu trên toàn thế giới và cũng phân phối thông qua một hệ thống bán buôn lớn.

5. Gucci - Giá trị thương hiệu: 6,4 tỷ USD, giảm 14%.

Doanh thu của Gucci tăng trưởng chậm trong quý 4 năm ngoái, tuy nhiên, "chậm" ở đây mang tính tương đối. Năm 2011, doanh thu của Gucci là 3,2 tỷ euro, tăng 18% so với năm 2010 & cũng tăng một tỉ lệ tương đương trong quý I năm nay. 56% doanh số của Gucci do các sản phẩm đồ da mang lại.

Gucci đang đổ tiền thiết kế lại những cửa hiệu lớn, lắp đặt những màn hình số. Không giống những thương hiệu xa xỉ khác vốn bị ám ảnh thứ văn hóa bí mật về bản thân, tập đoàn hàng xa xỉ Pháp PPR, chủ sở hữu của Gucci lại rất thực tế về mục đích điều hành Gucci khi họ mua lại Gucci năm 2004.

Tập đoàn này tập trung làm truyền thông cho tất cả các nhãn hiệu của họ (trong đó có Puma và Volcom) và họ cũng rất quan tâm tới chuỗi cung ứng từ nhà xưởng đến cửa hiệu do họ sở hữu hoặc kiểm soát.

4. Chanel - Giá trị thương hiệu: 6,7 tỷ USD, giảm 2%.

Trong những năm 1970, sau cái chết của nhà thiết kế tài năng Coco Chanel, hãng Chanel tự cứu bản thân bằng cách cắt giảm danh sách nhà phân phối nước hoa Chanel No. 5 từ 18.000 xuống còn 12.000, chính vì vậy, khiến dòng nước hoa này trở nên khó kiếm và được nhiều khách hàng ao ước sở hữu hơn.

Chanel và nhà thiết kế chính của mình, Karl Lagerfeld, đã làm việc vất vả để giữ cho sản phẩm của họ là hàng độc (chẳng hạn như họ không bán trực tuyến một số sản phẩm) và công ty này có doanh thu hàng năm khoảng 1,8 tỷ euro. Tuy nhiên, công ty này mở rộng những thương hiệu của họ ra thị trường đại chúng, như với nhãn hiệu phụ Coco Mademoiselle dành cho phụ nữ trẻ.

Giống nhiều thương hiệu xa xỉ, Chanel cũng mở những cửa hiệu mới ở châu Á, và nhà thiết kế Lagerfeld đặc biệt chú ý tới Nhật Bản nơi Chanel có một cửa hiệu ở quận Ginza.

3. Rolex - Giá trị thương hiệu: 7,2 tỷ USD, tăng 36%.

Rolex đồng hành với các môn thể thao như đua ngựa, golf, đua xe, trượt tuyết, quần vượt và lướt ván. Tất cả các môn thể thao này đều được giới siêu giàu ưa chuộng và thực sự Rolex là chiếc đồng hồ được ưa chuộng nhất trong giới có thu nhập ròng 5 triệu USD/năm, theo báo cáo của Luxury Institute (một tổ chức chuyên bình chọn những thương hiệu sang trọng trên toàn thế giới).

Rolex phần lớn quảng cáo báo chí và tài trợ cho các tay vợt như Roger Federer, Ana Ivanovic, Andy Roddick và Justine Henin, tuy nhiên họ cũng quảng cáo trên kênh ESPN trong suốt các giải quần vợt lớn.

2. Hermes - Giá trị thương hiệu: 19,2 tỷ USD, tăng 61%.

Bí mật quản trị của Hermes được giữ trong gia đình. Tháng 6/2013, Axel Dumas sẽ trở thành đồng Tổng Giám đốc điều hành của Hermes bên cạnh CEO hiện tại là Patrick Thomas. Dumas là hậu duệ đời thứ 6 của gia tộc Hermes.

Tập đoàn này tự xem mình là người bảo vệ cho sự sáng tạo và khéo léo. Hermes chỉ có 328 cửa hiệu trên toàn thế giới.

1. Louis Vuitton - Giá trị thương hiệu: 25,9 tỷ USD, tăng 7%.

Chiến lược của Louis Vuitton là chỉ đồng hành với những ngôi sao kinh điển và biểu tượng của thế giới. Chiến dịch quảng cáo mới của LV có sự xuất hiện của huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali. Một chiến dịch quảng cáo của LV vừa kết thúc đã tung ra hình ảnh nữ minh tinh Angelina Jolie, ngồi trên một chiếc thuyền ở Campuchia.

Để quảng cáo cho thương hiệu của mình, LV cũng sử dụng hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng như: Mikhail Baryshnikov với Annie Leibovitz; Pelé với Diego Maradona và Zinedine Zidane; và Ali Hewson với Bono.
Yves Carcelle, CEO của Louis Vuitton tin rằng LV là nhãn hiệu xa xỉ gắn với du lịch.

LV kiểm soát việc phân phối sản phẩm thông qua chuỗi 1.200 cửa hiệu. Điều ngạc nhiên là tăng trưởng thực sự của thương hiệu này đến từ châu Á, Nhật và Nam Mỹ, doanh số bán hàng ở châu Âu và Mỹ hiện lại trì trệ hơn.
Theo VeF (Thanh Hằng từ dịch GP)

Cứu nền kinh tế phải từ doanh nghiệp

[Marketing3k - Kinh tế Việt Nam] Hàng loạt chỉ số về kinh tế trong sáu tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế đang rơi vào suy giảm sâu. Làm thế nào để ngăn chặn đà suy giảm trên, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn...?

"Cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp đến được với ngân hàng là quan trọng nhất. Làm sao cho doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay được vốn. Xử lý nợ xấu cho cả hệ thống doanh nghiệp là vượt tầm của từng ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng, cần phải có sự hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước" Nguyên bộ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Xuân Giá.

------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Từng doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại

Ngay từ bây giờ cần phải quyết liệt, nhất quán, chủ động thực hiện các giải pháp cơ bản để nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như từng ngành, từng lĩnh vực. Và đặc biệt từng doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại sản xuất kinh doanh của chính mình để nâng cao năng suất lao động, hạ được chi phí, tăng sức cạnh tranh, không ai có thể làm thay được. Khác với nhiều năm trước, lần này hướng đi, biện pháp của việc nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế đã khá rõ.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài phân tích của nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Trần Xuân Giá về vấn đề này. 

Tốc độ lạm phát đã giảm khá thấp trong sáu tháng đầu năm (so với cuối năm trước 2,52%), và dự báo cho cả năm 2012 lạm phát cũng sẽ không cao (khoảng xấp xỉ 5%). Kết quả này cho thấy có tác động nhất định từ việc thực hiện các giải pháp mang tính chất tình thế như: siết đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tín dụng...

Diễn biến chỉ số giá (CPI) qua các năm cho thấy vòng luẩn quẩn ”hai năm lạm phát cao,
 một năm lạm phát thấp” - Ảnh: T.V.N. - Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Nhưng có lẽ điều cần đặc biệt quan tâm là tốc độ lạm phát chậm lại do những nguyên nhân ngoài ý muốn, song tác động khá mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng như: tổng cầu toàn xã hội, nhất là sức mua, kể cả đối với các loại tư liệu sản xuất trọng yếu suy giảm nghiêm trọng. Hàng tồn kho tăng gây áp lực giảm giá... Đặc biệt, tín dụng đến sáu tháng vẫn tiếp tục âm so với cuối năm 2011. Điều này thể hiện đậm nét tình trạng nền kinh tế đang rơi vào suy giảm sâu.

Dự báo GDP cả năm tăng 4,5-4,7%

Kinh tế sáu tháng đầu năm 2012 tăng 4,38% so với cùng kỳ 2011, trong đó quý 1 tăng 4% và quý 2 tăng 4,66%. Đây là một trong vài năm có mức tăng GDP sáu tháng đầu năm thấp nhất trong hơn mười năm qua. Nhưng điều quan trọng là đang có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế nước ta khó tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo như những năm trước, mà ngược lại có nhiều biểu hiện tiếp tục đà suy giảm.

Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì việc thực hiện nhiệm vụ về tăng trưởng kinh tế để ra cho năm 2012 (6-6,5%) là cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể và khó khăn này không dừng lại ở năm 2012 mà có thể cả năm sau. Dự báo nếu tình hình tiếp diễn như những tháng qua thì GDP năm 2012 có thể chỉ tăng 4,5-4,7% so với năm 2011.

Căn cứ để khẳng định kinh tế VN đang rơi vào suy giảm là: vốn đầu tư toàn xã hội giảm sút. Năm 2011 xét về danh nghĩa thì vốn đầu tư tăng khoảng 3% so với năm 2010, nhưng nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì giảm khoảng 7% và sáu tháng đầu năm 2012 cũng có tình hình tương tự. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế đang còn phải dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư thì việc giảm vốn đầu tư toàn xã hội là nhân tố quan trọng nhất quyết định đà suy giảm kinh tế. Đây là điều phải đặc biệt quan tâm không chỉ cho năm nay mà còn vào năm 2013.

Tín dụng, kênh dẫn vốn chủ yếu vào nền kinh tế của nước ta hiện nay, tính đến ngày 20-6-2012 vẫn còn âm (-) 0,2% so với cuối năm 2011. Đây là hiện tượng kinh tế gần như lần đầu tiên xảy ra ở nước ta. Nguyên nhân của tình hình bất thường này có rất nhiều: ngân hàng thiếu thanh khoản, nợ xấu tăng cao nên ngân hàng siết chặt việc cho vay... nhưng nguyên nhân rất quan trọng là nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh do sản xuất kinh doanh khó khăn.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động; dừng làm nghĩa vụ thuế tăng cao so với cùng kỳ 2011. Đặc biệt số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tăng nhanh và đang chiếm tỉ trọng cao trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phải xem việc nhanh chóng chặn đứng đà đi xuống này là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay. Cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế hay nói cách khác cứu nền kinh tế phải bắt đầu từ cứu doanh nghiệp...

Ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập...

Hệ lụy sẽ có nhiều khi kinh tế suy giảm sâu, bởi tăng trưởng thấp sẽ làm các cân đối lớn bị phá vỡ, khó lòng kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và càng không thể bảo đảm được an sinh xã hội như mong muốn. Đối với nước ta, kinh nghiệm lịch sử cho hay nếu kinh tế tăng trưởng thấp, khoảng 4%/năm, và kéo dài vài năm thì chắc chắn các cân đối lớn của nền kinh tế sẽ bị phá vỡ nặng nề hơn, bội chi ngân sách sẽ tăng lên; tỉ giá sẽ khó kiểm soát; lạm phát sẽ tăng cao...

Kinh tế tăng trưởng nóng dễ gây ra lạm phát cao là điều dễ hiểu, nhưng kinh tế tăng trưởng nguội lạnh cũng là tác nhân rất mạnh gây ra lạm phát. Xử lý lạm phát trong trường hợp này cũng rất khó khăn và phức tạp. Như vậy, nếu để kinh tế suy giảm sâu thì ngay mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn cũng khó lòng thực hiện được.

Đồng thời việc làm, thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh (cả ở tầm sản phẩm, doanh nghiệp, ngành và cả nền kinh tế) bị suy giảm. Điều đáng lo ngại nữa là nếu tiếp tục đà suy giảm sâu này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2013 và một số năm tiếp theo, đe dọa việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Không thể chỉ giải pháp tình thế mãi

Mấy năm qua chúng ta mới chủ yếu áp dụng các giải pháp tình thế, ngắn hạn. Các giải pháp cơ bản, dài hạn chưa thực hiện được bao nhiêu. Vì vậy, ngay như nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô có thể nói là chưa thành công trong trung hạn, chưa nói đến dài hạn. Số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá (CPI) năm 2007 là 12,63%; năm 2008 là 19,89% và năm 2009 chỉ 6,53%. Năm 2010 CPI là 11,75%, năm 2011 là 18,13% và khả năng CPI năm 2012 khoảng dưới 5%. Nếu kịch bản lạm phát năm 2012 xảy ra như dự báo trên đây thì chúng ta đang rơi vào vòng luẩn quẩn “hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp”. Và biết đâu chu kỳ 3 của vòng luẩn quẩn kể từ năm 2007 lại bắt đầu từ năm 2013.

Vì vậy, ngay từ bây giờ cần thực hiện song song hai nhóm giải pháp chính.

Nhóm giải pháp thứ nhất: Kiềm chế, nhưng tốt hơn là chặn đứng đà suy giảm sâu hơn của nền kinh tế. Để làm được điều trên đây cần phải chặn đứng đà suy giảm vốn đầu tư toàn xã hội, lấy lại đà tăng vốn đầu tư một cách hợp lý. Đương nhiên đầu tư phải có hiệu quả, nếu đầu tư không hiệu quả sẽ làm kinh tế vĩ mô rơi vào mất cân đối nghiêm trọng hơn, lạm phát cao hơn như đã xảy ra. Do đó tăng vốn đầu tư toàn xã hội phải đặt trong tái cơ cấu đầu tư, nhất là đầu tư công.

Nhóm thứ hai là cần cứu hệ thống doanh nghiệp. Đừng để tình trạng doanh nghiệp ngừng sản xuất, phá sản hàng loạt; giảm thiểu số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Phải thống nhất quan niệm rằng cứu doanh nghiệp là cứu nền kinh tế hay để cứu nền kinh tế phải bắt đầu từ cứu doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết và cấp bách nhưng phải đồng bộ, quyết liệt và nhất là kịp thời. Cứu doanh nghiệp trước mắt, không tạo ra khó khăn quá trình cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, mà phải là một bước của quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, hơn lúc nào hết Nhà nước phải ra tay hỗ trợ doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp không phân biệt lớn, bé - nhà nước, ngoài nhà nước. Hỗ trợ doanh nghiệp xử lý cả hai đầu: đầu vào và đầu ra. Đầu vào là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và đầu ra là hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm do mình làm ra. Đầu vào Nhà nước hỗ trợ trên ba mặt: phí - thuế - lãi suất. Về phí và thuế Nhà nước đã có các quyết định cụ thể, trước mắt tập trung giải quyết vấn đề lãi suất.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp qua kênh phí và thuế, thực chất là Nhà nước dùng tiền thuế do dân đóng để hỗ trợ doanh nghiệp vào những lúc khó khăn và việc hỗ trợ này được thực hiện qua các lệnh hành chính. Trong khi đó, hỗ trợ doanh nghiệp qua kênh lãi suất, thực chất các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, bởi lẽ ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Vì vậy công cụ lãi suất được thực hiện bằng vận động, thuyết phục, bằng cơ chế chính sách gián tiếp là chính.

Lãi suất luôn là vấn đề quan trọng, nhưng vướng mắc chính hiện nay không phải chủ yếu ở lãi suất cao hay thấp, mà là vấn đề doanh nghiệp có đến được với ngân hàng hay không. Ngân hàng không cho vay được chứ không phải không được cho vay. Hiện nay các ngân hàng không lo vượt chỉ tiêu cho vay, ngược lại đang cố thực hiện chỉ tiêu cho phép mà không thực hiện được.

Theo Tuoitre - Trần Xuân Giá
--------------------------------
Số doanh nghiệp giải thể tăng 21%

Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cho biết tính đến ngày 19-6 đã có 1.114 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tại sở, đẩy số doanh nghiệp giải thể tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài ra, có 972 doanh nghiệp đã gửi thông báo tạm ngừng hoạt động, tăng 284% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó so với cùng kỳ năm 2011, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 11.731 doanh nghiệp, giảm 3%, với tổng số vốn đăng ký giảm 2%. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thay đổi là 17.417 doanh nghiệp, giảm 1%. Tính chung tổng vốn đăng ký thành lập mới và bổ sung đã giảm 5% so với cùng kỳ 2011.

Đình Dân
--------------------------------

Các bài khác:

Wednesday, June 27, 2012

Giáo sư đại học Harvard: Facebook phải thực sự học tập chiến lược từ Apple!

[Marketing3k - Chiến lược] Khi bàn về chiến lược, nhiều CEO thường cho rằng đó là công việc "1 năm bàn 1 lần", định ra sẵn và làm theo. Tuy nhiên với tình hình thị trường biến động qua từng ngày, suy nghĩ trên liệu có đúng đắn ?

Một trong những hiểm nguy lớn nhất với những công ty như JCPenny hay Facebook là họ quá tập trung trong ngắn hạn – theo nhận định của Cynthia Montgomery, giáo sư về chiến lược tại trường Harvard Business School.

Trong cuốn sách của bà mang tên “The Strategist: Be The Leader Your Business Needs”, Montgomery đã nói về việc trong những năm gần đây, phần lớn các nhà lãnh đạo đang “uỷ thác” việc lập chiến lược kinh doanh cho một bộ phận nào đó trong công ty, hoặc cho một số doanh nghiệp như Boston Consulting Group.

Kết quả là rất nhiều trong số đó đã hoàn toàn chìm vào quên lãng.

Trong một bài chia sẻ với giới báo chí, Montgomery đã nêu lên quan điểm về những thách thức các công ty đang phải đối mặt hiện nay. Những kết luận trên được rút ra sau khi bà thực hiện rất nhiều hợp đồng tư vấn cho nhiều nhà lãnh đạo – từ những công ty top 100 thế giới tới những doanh nghiệp non trẻ. Dưới đây là trích những điểm nổi bật trong buổi nói chuyện:

Trong cuốn sách của mình, bà khẳng định: nhà lãnh đạo giỏi phải là nhà chiến lược đại tài, tuy nhiên không phải mọi CEO đều chú ý tới chiến lược ?

Đúng vậy, hay nói một cách khác, họ chưa thực sự xem trọng. Tôi đã từng hỏi hàng ngàn nhà quản lý để nêu lên 3 từ họ cho rằng có liên quan tới khái niệm “chiến lược” và họ đưa ra câu trả lời nhưu “lợi thế cạnh tranh dài hạn” hay “kế hoạch”, v…v…nhưng không một ai nói tới từ: “nhà chiến lược”. Duy chỉ có một người lão luyện thực sự là liệt kê được đầy đủ những yêu cầu của việc lãnh đạo.

Các nhà lãnh đạo cần phải hiểu rằng thứ quan trọng nhất họ làm đối với một công ty chính là ra những quyết định liên quan tới giá trị công ty, tới những thứ công ty mang ra thị trường. Tôi hiện đang làm việc với rất nhiều CEO và tôi đã hỏi họ một câu “Hãy nhìn nhận thực tế, công ty bạn có vấn đề không ?”. Và phần lớn họ đều trầm ngâm vì biết đó là một câu hỏi logic mình thường né tránh, câu hỏi khiến họ phải đối diện với thực tế và đào sâu suy nghĩ hơn.

Nếu vậy, những hãng tư vấn lừng danh như BCG hay McKinsey có còn chỗ đứng ?


Có, nhưng sẽ chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ. Vấn đề ở chỗ mọi người đến những công ty như vậy và yêu cầu phân tích thị trường hay một ngành công nghiệp, tuy nhiên họ lại tách rời hoàn toàn việc đó với những người phải chịu trách nhiệm liên quan tới đánh giá thị trường trong công ty.

Các hãng tư vấn như BCG hay McKinsey rất tuyệt vời trong khía cạnh phân tích của một chiến lược, và họ có thể trở thành những nhà tư vấn rất hữu dụng. Nhưng còn rất nhiều thứ khác liên quan đến thực hiện chiến lược và người lãnh đạo cũng như bản thân tổ chức phải để tâm thực hiện nghiêm túc hơn. Với những công ty tạo sức hút lớn, chiến lược là động cơ dẫn dắt mọi hoạt động khác trong doanh nghiệp. Do vậy, chiến lược cần phải được coi trọng, đánh giá nghiêm túc, bài bản và phải nằm trong tầm chịu trách nhiệm của người lãnh đạo.

Chiến lược giờ đây thường được coi như bài phân tích “mỗi năm một lần” trong các cuộc họp. Tuy nhiên mọi thứ cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp đều thay đổi qua từng ngày, do đó chiến lược cần được đánh giá theo chiều hướng ngày một phát triểt và biến động, không phải những thứ được mặc định trước. Chiến lược đòi hỏi sự chú tâm liên tục và lâu dài.

Vậy theo bà, những công ty nào được coi là có chiến lược thành công nhất ?

Tôi đã giảng dạy hàng năm về việc Gucci, Ryan Air hay Nike đã quyết định về những thứ họ tung ra thị trườg như thế nào.

Một trường hợp đặc biệt khác là Apple. Quay trở lại những năm 90 của thế kỷ trước, công ty dường như chẳng đi theo đường hướng nào cả. Chiến lược của Apple hồi đó vốn là tạo ra những sản phẩm “cực kỳ tuyệt vời”, một chiến lược rõ ràng và dứt khoát, tuy nhiên thị trường lại không chấp nhận. Hãng máy tính khổng lồ này gần như bị xã hội “đào thải” trong một thời gian dài. Tới khi Steve Jobss quay trở lại vào năm 1996, công ty đang đứng trên bờ vực phá sản.

Vậy phải chăng một người có tầm nhìn xa như Steve Jobs cũng phải hoc cách xây dựng chiến lược ?


Jobs học điều đó qua thất bại. Tạp chí Fortune đã gọi ông ta là “gã làm sales xảo quyệt”. Ông thực chất cố gắng bán viễn cảnh to lớn của mình chứ không hề có một mô hình kinh doanh hoạt động hiệu quả.

Tại công ty NeXT, Jobs đã thực hiên một chiến lược rất giống với Apple và ông cũng xiết chặt quản lý mọi hoạt động của công ty – từ lên kế hoạch tới các văn phòng, logo, thiết kế. Thị trường mà NeXT nhắm tới là thị trường giáo dục. Tuy nhiên chiến lược giá của NeXT lại không hề phù hợp cho những sinh viên có ngân sách eo hẹp, đồng thời họ còn có nhiều lựa chọn khác trên thị trường. Jobs đã thực sự bế tắc trong việc tìm hiểu sở thích khách hàng.

Khi Jobs trở về Apple, ông đã đưa ra một chiến lược hoàn toàn mới thường được biết với tên gọi “chiến lược trọng tâm số”. Theo đó, Apple sử dụng máy tính cá nhân như một trục xoay nhằm nâng cấp giá trị của những thiết bị số khác – từ máy nghe MP3 tới điện thoại di động, máy quay phim. Chính chiến lược này đã giúp Apple vượt lên khỏi thị trường PC cạnh tranh đầy khắc nghiệt và đã “quyến rũ” rất nhiều người sử dụng. Apple đã mở toang cánnh cửa tạo ra những đột phát về sản phẩm khiến người dùng phải hào hứng, “thèm khát” và sẵn sàng bỏ tiền ra để sở hữu”.

Sự tiếp nối chiến lược dưới thời Tim Cook cũng được thực hiên hiệu quả, bao gồm cả việc outsourcing quá trình chế tạo cũng như phát triển chuỗi cửa hàng Apple Store. Tuy nhiều yếu tố trong chiến lược mới này có nguồn gốc từ chiến lược cổ điển, nhưng không thể phủ nhận rằng họ đã thay đổi nhiều và thực sự gặt hái thành công.

Vậy Mark Zuckerberg thì sao, anh ta có một mô hình kinh doanh bền vững với Facebook hay không ?


Điều tôi lo lắng về Facebook là dường như họ vẫn chưa có một mục tiêu kinh tế rõ ràng. Họ thực hiện IPO trước khi mô hình kinh doanh được hoàn thiện và ổn định. Họ có tầm nhìn, họ có đích ngắm, nhưng họ cần một mô hình kinh doanh để biến từ ý tưởng thành việc tạo ra giá trị. Đó là lý do tại sao Facebook hiện vẫn dễ bị tổn thương. Tôi chưa thấy một mục tiêu kinh tế có sức thuyết phục từ họ. Hy vọng là Sheryl Sandberg (COO của Facebook) thấy được điều này.

Giá trị lõi của công ty là gì ? nó tác động ra sao tới toàn bộ hoạt động của công ty ? bạn đã thực sự có một chiến lược kinh doanh rõ ràng trong dài hạn ?...Đây sẽ luôn là những câu hỏi cần nghiêm túc giải đáp của bất cứ doanh nghiệp nào. Chỉ khi lý giải được cặn kẽ, các CEO mới có thể giúp doanh nghiệp mình xây dựng được những lưọi thế cạnh tranh và vượt trội so với phần còn lại của thị trường.

Thái Dương (Theo TTVN/Businessweek/Reuters)

Chứng khoán 'rùng mình' khi giảm phát

[Marketing3k - Kinh tế Việt Nam] Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lần đầu tiên giảm trong hơn 3 năm qua được cho là tín hiệu tích cực. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó lại có thể là một điều đáng lo ngại với nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng trong trung hạn.

Giảm mà lo

Trong 1 báo cáo vừa ra, Ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ cho rằng, CPI của Việt Nam trong tháng 6 vừa qua là thấp hơn dự kiến và "đáng ngạc nhiên theo hướng tích cực". Mặc dù vậy, với nhiều chuyên gia, nhà đầu tư và các công ty chứng khoán (CTCK) trong nước, thì hiện tượng giảm phát này ẩn chứa nhiều điều đáng lo ngại. CPI sẽ còn giảm nữa và có thể đạt đáy (dự báo từ 4,2-5% so với cùng kỳ, so với mức hiện tại là 6,9%) vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới trước khi quay đầu tăng trở lại và dự báo đạt 6-7% vào cuối năm 2012.

Trong phiên giao dịch 25/6, ngay sau khi có thông tin về CPI, cả 2 chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index đều giảm ngay từ đầu phiên. Thanh khoản ở mức quá thấp đã khiến bên nắm giữ cổ phiếu mệt mỏi và đẩy mạnh bán ra khiến đa số cổ phiếu trên hai sàn lao dốc trong buổi chiều.

Chốt phiên, trên sàn TP.HCM, chỉ số VN-Index giảm hơn 3 điểm và lùi gần về 424 điểm với 216 mã giảm giá, chỉ có 36 mã tăng và 38 mã đứng giá. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa giảm 1,51 điểm (-2,06%) xuống 71,80 điểm với 202 mã giảm, 41 mã tăng và 45 mã đứng giá. Như vậy, 2 chỉ số này đã giảm khoảng 12% trong hơn 1 tháng qua. Sáng 26/6, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đều giảm mạnh trên 1% với rất nhiều mã giảm sàn.

Vì thế, hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ tỏ ra thực sự mất kiên nhẫn với sự lình xình, ảm đạm và suy giảm kéo dài của thị trường.

"Thị trường đã "hết vị". Mọi thông tin được cho là tốt đã phản tác dụng hoàn toàn. Giao dịch quá thấp cho thấy đa số đang dè chừng với thị trường. Trên thực tế, nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng giảm phát. Nếu sức cầu còn tiếp tục suy yếu, doanh nghiệp sẽ còn lao đao với hàng tồn kho tăng cao. Sắp tới, không loại trừ khả năng nhiều công ty sẽ tuyên bố phá sản, hủy niêm yết.

Trên sàn đã có thể điểm ra một vài gương mặt đang vật lộn với muôn vàn khó khăn như THV, SHN... Không chừng, từ nay tới Tết, trên bảng điện tử mã nào giá xấp xỉ 10.000 đồng là xa xỉ. Hàng loạt cổ phiếu sẽ lại về mức giá trà đá như cuối năm trước", một nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu chia sẻ.

Thậm chí, một số người cho rằng, giảm phát còn đáng lo ngại hơn lạm phát cao hồi cuối năm 2011 khi mà chứng khoán rớt triền miên và giao dịch gần như đóng băng ở nhiều cổ phiếu. Với lý thuyết cho rằng, CPI tạo đỉnh chứng khoán tạo đáy và ngược lại, họ đang lo ngại một điều không hay có thể xảy ra nếu kết quả kinh doanh Quý II/2012 của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục xấu đi.

Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), cho rằng, dòng tiền vẫn tiếp tục đứng ngoài thị trường và duy trì sự thận trọng với những thông tin được công bố trong thời gian gần đây mặc dù không ít thông tin có thể được coi là khá tốt. Theo đó, FPTS tiếp tục bảo lưu quan điểm về rủi ro của một nhịp giảm sâu đang tăng dần theo diễn biến lình xình của thị trường. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thậm chí còn đánh giá, thông tin CPI cả nước trong tháng 6 giảm -0,26% xuất hiện vào cuối tuần qua khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại về sự sụt giảm tổng cầu trong nền kinh tế.

Chứng khoán MB (MBS) thì cho rằng, thông tin chỉ số CPI tháng 6 giảm 0.26% dường như đã bị các nhà đầu tư diễn giải theo nghĩa tiêu cực, phản ánh sức cầu trong nền kinh tế đang suy giảm. Tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư nhìn chung đã làm cho lực cầu suy giảm đáng kể trong khoảng 3 tuần qua và thị trường có xu hướng giảm dần mặc dù mức giảm là không mạnh. Các thông tin tốt mang tính hỗ trợ thị trường cao như lãi suất hạ, giá xăng dầu hạ, lạm phát ở mức thấp và các CTCK đồng loạt hạ lãi suất cho vay dịch vụ ký quỹ cũng không kéo nổi dòng tiền vào thị trường. Điều này cho thấy tâm lý chủ đạo của các nhà đầu tư trên thị trường đã có sự thay đổi đáng kể từ mức lạc quan sang bi quan.

Rõ ràng, sự chuyển biến từ lạm phát cao sang giảm phát đã không thực sự mang lại cho các nhà đầu tư hình dung về một viễn cảnh tốt đẹp trước mắt. Điều mà nhiều người chờ đón là kết quả kinh doanh Quý II của các doanh nghiệp sẽ ra sao. Sức cầu suy kiệt như nhiều chuyên gia đánh giá liệu sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp niêm yết như thế nào? Và lãi suất liệu có được giảm thực chất và dòng tiền từ ngân hàng có được bơm vào sản xuất và kinh doanh hay không?

Sự lo ngại không phải không có cơ sở khi mà số lượng doanh nghiệp giải thể trong Quý I tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng GDP suy giảm và đi kèm theo đó là các vấn đề về xã hội như thất nghiệp tăng, đời sống của đại bộ phận người dân gặp khó khăn...

Ngóng kích cầu và lãi suất giảm tiếp

Trong báo cáo vừa đưa ra, Hãng J.P. Morgan nhận định, tình hình giảm phát sẽ đưa đến 2 hiệu ứng tích cực. Thứ nhất, giảm phát sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ tung ra các gói nới lỏng mới. Điều này sẽ giúp vực dậy tăng trưởng năm nay vốn đã và đang trong tình trạng rất yếu. Thứ 2, giảm phát sẽ giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán.

Đây cũng là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Theo đó, họ đang hy vọng về chính sách mở rộng tiền tệ nhanh. Một số nhà đầu tư cho rằng, trên thực tế, giá cả hàng hóa vẫn ở mức cao và hiện tượng giảm phát là không có vấn đề gì. Đó là tín hiệu tốt của nền kinh tế.

"CPI giảm là giảm trong tháng 6. Còn so với năm trước, vẫn tăng 2,54%. Hàng hóa trong đó có lương thực thực phẩm như thịt cá vẫn chả rẻ mấy. Không nên quá lo lắng về sự chính xác của các số liệu. Vĩ mô đang tốt, lãi suất tiếp tục giảm, tiền rời bỏ ngân hàng, không trước sau thì cũng vào chứng khoán thôi", ông Miên - một nhà đầu tư tại Đống Đa, Hà Nội khẳng định.

Chia sẻ về vấn đề giảm phát, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, CPI ở mức thấp và giảm nhẹ trong tháng 6 vừa qua là điều bình thường. Chỉ số giá có thể giảm tiếp trong 3 tháng tiếp theo.

Không chỉ kỳ vọng vào kích cầu, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi với việc CPI tháng 6 giảm, NHNN sẽ tiếp tục giảm trần lãi suất huy động để từ đó kéo lãi suất cho vay giảm xuống.

"Mọi lần NHNN cứ phải đợi công bố CPI thì mới giảm lãi suất. Đợt này chắc cũng vậy. Lần đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng. Lãi suất huy động đang là 9% nhưng các tháng trước đó gửi toàn từ 11% trở lên. Như vậy, năm nay người gửi tiền được lãi suất thực dương cao quá. Dù muốn hay không thì biện pháp hạ lãi suất xuống dưới 9% vẫn phải tính đến trong vòng vài ngày tới", ông Trung - một nhà đầu tư chứng khoán - nhận định.

"Đây được coi là biện pháp hạ sốt cuối cùng. Bệnh nhân đã được uống thuốc trước đó nhưng chưa đủ liều. Ngân hàng thì cứ phải chắc cú, phải có con tin thì mới ra tiền cho doanh nghiệp", ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng lo ngại, doanh nghiệp có bao nhiêu tài sản để thế chấp thì đã mang đến ngân hàng hết. Khi đó, ngân hàng có đưa ra lãi suất thấp, doanh nghiệp cũng không có tài sản thế chấp để vay. Đây chính là nguyên nhân là tắc nghẽn dòng tiền trong hệ thống.

Về chiến lược chơi chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng, giảm phát ở mức độ thấp là một tín hiệu tốt và trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư lớn đã âm thầm gom hàng và rất có thể sẽ đánh lên tổng lực trong thời gian tới. Hơn thế, những người trót short-sell vừa qua sẽ là một nhân tố đẩy thị trường đi lên trong đợt này.

Mặc dù vậy, đa số các chuyên gia và những nhà đầu tư có kinh nghiệm lo ngại rằng, những giải pháp mở rộng tiền tệ quá nhanh và quá mức sẽ đẩy nền kinh tế trở lại vòng xoáy bong bóng tài sản và khi đó lạm phát sẽ lại là vấn đề nhức nhối. Cái vòng luẩn quẩn cứ như vậy mà lặp đi lặp lại.
Theo VeF (Mạnh Hà)

Các bài khác:

Doanh nhân gốc Việt kiếm 80 triệu USD của Steve Jobs: "Tôi chắc chắn Facebook sẽ thất bại"

"Mỗi lần bắt đầu một thương vụ,
tôi lại giống như hiệp sĩ Don Quixote
và mắc sai lầm. Nhưng tôi luôn cố
gắng hết mình", Bill Nguyễn chia sẻ.
[Marketing3k - Sáng Tạo] Luôn khởi sự khá vội vã, không bao giờ nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh nhưng doanh nhân gốc Việt, Bill Nguyễn luôn khiến các đại gia công nghệ phải đổ hàng triệu USD vào những dự án của mình.

Kiếm được 80 triệu USD của Steve Jobs

Sinh năm 1971, Bill và gia đình rời Việt Nam từ khi còn nhỏ. Lớn lên ở Houston nhưng hiện nay, thung lũng Silicon mới là thiên đường của anh. Ngay từ khi ngồi trên ghế trường cấp ba, Bill đã khiến những người bạn Mỹ to lớn của mình phải ngưỡng mộ khi trở thành chủ tịch Liên minh Học sinh gốc Phi dù thực tế anh là người gốc châu Á.

Hay nguồn năng lượng giữ anh tỉnh táo suốt đêm dù chỉ uống CokeZero rồi ngay sáng hôm sau lại có thể chơi bóng bàn với các nhà phát triển phần mềm của mình. Hay nguồn năng lượng giúp anh luôn căng tràn sức trẻ như một chàng trai 20 tuổi và trên miệng luôn nở nụ cười chứ không phải người đàn ông đã qua ngưỡng 40 và có gia đình.Với dáng người nhỏ bé và chỉ nặng hơn 60kg nhưng Bill Nguyễn luôn gây ấn tượng là một người tràn đầy năng lượng. Người ta có thể cảm thấy nguồn năng lượng bất tận ấy khi anh vung tay như làm trò tung hứng và giới thiệu về văn phòng của mình tại trung tâm thành phố Palo Alto (Mỹ).

"Có một câu nói nổi tiếng của Don King là "Cuộc chiến sẽ chỉ trở nên thú vị khi đối thủ của anh xuất hiện", Bill vừa cười vừa trích dẫn câu nói yêu thích của mình. Và câu nói đó hoàn toàn thích hợp khi nói về Bill Nguyễn, người luôn có những ý tưởng mới khiến các liên doanh tư bản, các ông chủ tập đoàn, những cây bút chuyên về công nghệ phải phát cuồng lên.

Điều đó được thể hiện rõ nhất trong thương vụ bán trang web Lala.com năm 2009 cho hãng Apple với giá 80 triệu USD. Và đó không phải là lần đầu tiên những nhà đầu tư công nghệ cao đổ hàng triệu USD cho những ý tưởng của Bill Nguyễn.

Sau 10 tháng làm việc với huyền thoại Steve Jobs ở Cupertino (California, Mỹ), người đàn ông nhỏ bé này quyết định đã đến lúc tự bước trên đôi chân của mình. "Khi làm việc cho Apple, tôi nhận thấy rằng hãng này đang mở ra một thời kỳ hậu PC (máy tính cá nhân). Tôi bắt đầu suy nghĩ rất nhiều về việc tận dụng điều này bởi thế giới hậu PC là vô cùng rộng lớn", Bill Nguyễn chia sẻ.

Bill Nguyễn tham gia buổi gặp mặt các CEO công nghệ hàng đầu của Mỹ do Thời báo Tài chính FT tổ chức.

Trước đó, anh từng bán Công ty Onebox chuyên về phần mềm chuyển tin nhắn với giá 850 triệu USD ở tuổi 29. Bill Nguyễn cũng từng rất thành công với Forefront. Sau ba năm phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), công ty phần mềm này đã có giá trị lên tới 145 triệu USD.

Tiếp đó, với khoản đầu tư khiêm tốn 3 triệu USD, Bill Nguyễn bán công ty Freeloader với giá trị lên tới 38 triệu USD. Năm 1997, anh tiếp tục đầu tư 2,5 triệu USD vào Support.com chuyên về dịch vụ hỗ trợ từ xa dựa trên công nghệ đám mây và cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp đôi ngay khi phát hành lần đầu (32 USD/cổ phiếu).

"Tôi chắc chắn rằng Facebook sẽ thất bại"

Dự án mới đây nhất của anh mang tên Color khiến giới truyền thông ngỡ ngàng khi được các ông lớn đầu tư tới 41 triệu USD.

Vóc dáng nhỏ bé, trang phục giản dị và nụ cười thường trực trên môi nhưng
Bill Nguyễn là người rất nghiêm khắc trong công việc.

Nhưng ít người biết rằng, ý tưởng ban đầu của Bill về Color là một ứng dụng mang tên "Furr", một trò chơi thực tế ảo mà anh mô tả như một "thế giới hoạt hình Pixar trên di động". Tuy nhiên, sau 3 tháng miệt mài, anh ngộ ra rằng mọi người sẽ không đi loanh quanh với điện thoại thường trực trước mặt. Vậy là, đến tháng 12/2010, một ý tưởng mới ra đời: một mạng xã hội dành riêng cho thời đại di động mang tên Color.

Theo ý tưởng của Bill Nguyễn, Color là một ứng dụng rất mở để chia sẻ hình ảnh mà người dùng không cần tên hoặc mật khẩu. Người dùng sẽ tải ảnh lên mạng xã hội Color và có thể kết nối với những người dùng khác trong phạm vi 50m. Trạng thái của người dùng sẽ thay đổi mỗi khi họ di chuyển và chính điều này đã làm cho tính tương tác của Color mạnh hơn so với những mạnh xã hội hiện nay.

Bill luôn gây ấn tượng là một người tràn đầy năng lượng dù anh chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày.

Bill Nguyễn tin rằng Color soán ngôi được "ông lớn" Facebook trên thị trường mạng xã hội đang bùng nổ hiện nay. "Khi Steve Jobs đưa ra thế giới công nghệ hậu PC thì đồng nghĩa mọi công nghệ từng được viết ra trước đó đều trở nên vô nghĩa. Điều đó tương tự với Facebook, một mạng xã hội dựa trên những công nghệ cũ. Bạn phải ngồi trước máy tính và nói với nó bạn là ai hay bạn thích điều gì. Tôi chắc chắn rằng Facebook sẽ thất bại", Bill khẳng định với tạp chí Fast Company vào tháng 3/2011 trước cả khi cho ra mắt Color. 

Giao diện của Color phiên bản đầu.

Đúng 17h ngày 23/3/2011 (giờ địa phương), Color phiên bản đầu tiên chính thức ra mắt. Tuy nhiên, phần mềm này ngay lập tức lộ rõ yếu điểm. Để tham gia vào Color, các nhóm người dùng phải ở những địa điểm giống nhau. Tuy nhiên, chưa có quá trình chạy đà nên nhiều người dùng như bị lạc vào thế giới ma, không người ở.

"Sau 30 phút tôi nhận ra, Chúa ơi, nó hỏng rồi. Quỷ thật, chúng ta đã phá hỏng tất cả. Tôi tưởng chúng ta xây dựng một Facebook tốt hơn nhưng hóa ra lại tự đút tay vào ổ điện", Bill thốt lên.

Tìm hiểu đối thủ sau khi... thất bại

Sau thương vụ bất thành, bạn bè và đồng nghiệp rất lo lắng rằng Bill sẽ suy sụp. Nhưng người đàn ông nhỏ bé chỉ cười và nói: "Tôi không bao giờ để cảm xúc xen vào công việc. Tôi có thể cãi nhau nảy lửa với ai đó nhưng chỉ 5 phút sau tôi đã quên luôn".

Hiện nay, Bill Nguyễn đang ấp ủ về một phiên bản mới của Color.

Sau khi Color phiên bản đầu thất bại, bộ máy của ColorLabs đã có sự xáo trộn lớn khi Bill Nguyễn sa thải đồng chủ tịch Peter Phạm và giám đốc phát triển sản phẩm DJ Patil từ chức.

"Tôi không muốn phí thời gian với những người không toàn tâm toàn ý và hay than vãn. Tôi tham gia mọi cuộc chơi và luôn giành chiến thắng. Ngay cả việc giảm cân, tôi cũng có chiến lược cho riêng mình và cố gắng thực hiện nó nhanh hơn những người khác. Kể cả khi phải vào viện, tôi cũng sẽ đánh bại tất cả bọn họ", Bill Nguyễn cho biết.

Và như để chứng minh điều đó, Bill tiếp tục lao vào nghiên cứu Color phiên bản mới. Trong thời gian này, anh bắt đầu lập cho mình một tài khoản Facebook và tìm hiểu kỹ hơn đối thủ của mình. "Ôi Chúa ơi, đây quả thực là một phát kiến vĩ đại và nó là Facebook. Chúng ta sẽ làm cho nó có thêm nhiều chức năng hơn và có giá hơn bao giờ hết", Bill thốt lên khi lần đầu tiên tìm hiểu đối thủ nặng kí nhất của mình.

Hiện nay, Bill Nguyễn với CEO Mark Pincus của công ty phần mềm Zynga chuyên sản xuất các trò chơi, ứng dụng trên mạng xã hội. Pincus là ông chủ cũ của Bill khi anh còn là một lính mới ở thung lũng Silicon và giờ đây mục tiêu tiếp theo của doanh nhân gốc Việt là "xây dựng một công ty lớn hơn của Mark". Anh hy vọng phiên bản mới của Color sẽ được chạy trên Facebook và tạo được cơn sốt như trò chơi FarmVille của Zynga trước đây.

Đầu tháng 5 vừa qua, Bill Nguyễn đã công bố thỏa thuận hợp tác với Verizon, nhằm cung cấp Color cho các khách hàng sử dụng dịch vụ của hãng này.

Chia sẻ về bí quyết thành công, triệu phú chưa tốt nghiệp đại học này cho biết: "Khi bắt tay vào một thương vụ mới, bạn không nhất thiết phải phát minh lại thế giới".

Theo bee.net/FastCompany