Thursday, July 26, 2012

10 doanh nhân đương thời vĩ đại nhất

[Thư viện marketing] David K. Williams, tác giả của nhiều bài viết trên tạp chí HBR và Forbes, doanh nhân kỳ cựu, CEO của tập đoàn Fishbowl vừa đưa ra danh sách 10 doanh nhân đương thời có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới với những tư tưởng mang tính cách mạng.

Jeff Bezos, Amazon

Jeff Bezos là nhà tiên phong của thế giới về thương mại điện tử cũng là người có công định hình nhiều lĩnh vực hoạt động trong thế giới mạng.

Chính Jeff Bezos đã đổi mới khái niệm "phân tích dự báo"- giới thiệu sản phẩm tới khách hàng dựa vào thói quen mua sắm và lịch sử tìm kiếm. Không thể phủ nhận một thực tế là ý tưởng của vị doanh nhân này cũng đã giúp ngành thương mại điện tử hoạt động có hiệu quả hơn và thu lợi nhuận lớn hơn. Bên cạnh đó nó đã mang đến cho người tiêu dùng trên khắp thể giới những trải nghiệm mua sắm mới mẻ và thú vị hơn rất nhiều.


Anne Mulcahy, Xerox

Anne đã giúp Xerox đối mặt kiên cường với cuộc khủng hoảng tài chính và vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn đó.

Anne không bao giờ tham vọng tranh giành vị trí CEO, nhưng bà cũng không e dè trước cơ hội lãnh đạo tập đoàn khi được bầu vào ban quản trị năm 2001. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, bà đã mạnh dạn cắt giảm 30% số lượng nhân viên và dẹp toàn bộ mảng sản xuất màn hình của tập đoàn.


Với sự dũng cảm và những đóng góp hết sức to lớn trong việc vực dậy một tập đoàn đang đứng trên bờ vực thất bại, năm 2008, bà được tạp chí Chief Executive bình chọn là CEO của năm. US News & World Report cũng cho bà vào danh sách những lãnh đạo giỏi nhất nước Mỹ. Năm 2005 và 2009, tạp chí lừng danh Forbes đã vinh danh bà là một trong những phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.

Brad Smith, Intuit

Intuit là một trong những công ty cung cấp phần mềm quản lý tài chính lớn và thành công nhất thế giới với những sản phẩm nổi tiếng như QuickBooks.


Mặc dù có doanh thu gần 4 tỷ USD và giá trị vốn hóa thị trường lớn tới con số 16,5 tỷ USD với gần 8.000 nhân viên nhưng Intuit vẫn không ngừng nỗ lực với khí thế vô cùng hăng hái. Vị lãnh đạo Brad đã có công thổi hồn và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Những thành viên của tập đoàn được thỏa sức sáng tạo, dấn thân vào những mạo hiểm để khám phá, để học hỏi từ những thành công và cả thất bại.

Howard Schultz, Starbucks

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại Bronx, vượt qua mọi thử thách, cuối cùng Howard Schultz trở thành nhà lãnh đạo của một tập đoàn lừng danh thế giới. Ông chính là hiện thân của lòng dũng cảm, tình thần vượt khó và sự phi thường trong sự nghiệp chinh phục "giấc mơ Mỹ".


Mặc dù đã đứng trên đỉnh cao vinh quang, nhưng Howard vẫn rất say mê với việc đầu tư vào những lĩnh vực đã mang lại thành công cho nhiều người hay những công ty kinh doanh khác trong đó có eBay.

Larry Page, Google

Larry Page là tấm gương khác trong thế giới doanh nhân. Ông là người sẵn sàng dấn thân và giải quyết bất cứ khó khăn và thử thách nào. Larry và Google đã phải đối mặt với quá nhiều những thăng trầm, khen chê trong thời gian qua. Thế nhưng cho dù phải đối mặt với giông bão thì vị lãnh đạo này cũng không bao giờ để người khác nghĩ rằng ông đang nao núng trước khó khăn. Tất cả những gì ông đang theo đuổi là sự thành công của công ty- điều mà với vị lãnh đạo này là quan trọng nhất.


Tim Cook, Apple

Nhiều người ra rằng, thật khó để Tim Cook có thể vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm Steve Jobs, nhưng ông đã làm nên những điều rất lớn lao.


Thay vì chỉ đi theo con đường cũ, Tim Cook đang không ngừng nỗ lực để hướng tới tương lai với những phát minh mới của chính mình, tiêu biểu là công nghệ quản lý hàng tồn kho mới nhất của Apple. .

Indra Nooyi, PepsiCo

Indra Nooyi, cũng là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới theo tạp chí Forbes. Bà không những lãnh đạo tập đoàn nổi tiếng gặt hái được những kỷ lục về doanh thu, lợi nhuận mà còn định hướng PepsiCo phát triển vì lợi ích người tiêu dùng bằng những thực phẩm giàu dinh dưỡng hơn, tốt cho sức khỏe hơn.


Là một nhà lãnh đạo cấp cao nhưng bà Indra Nooyi lại được biết đến là một phụ nữ hòa đồng vui tính. Bà luôn nhiệt tình tham gia những hoạt động ngoại khóa của công ty.

Warren Buffett, Berkshire Hathaway

Warren Buffett được thế giới biết đến là một doanh nhân có tinh thần thép. Ông bình tĩnh ngay cả vào những thời điểm mà tất cả mọi người xung quanh ông đang nháo nhào trước những tính toán về các khoản lỗ lãi.


Ông là một ví dụ hoàn hảo cho sự kiên nhẫn- yếu tố mang đến cho ông sự thành công trong các cuộc đua kinh doanh với phương châm chậm mà chắc.

Sir Richard Branson, Virgin Group

Không thể không phủ nhận tài năng của bất kỳ cá nhân nào có thể sở hữu hơn 400 công ty và khối tài sản hàng nhiều tỷ USD. Richard Branson là một người như thế.


Ông còn được thế giới ngưỡng mộ vì sự kiên cường và thương hiệu của chính mình.

Rupert Murdoch, News Corporation

Sinh ra ở Úc, Rupert Murdoch là một doanh nhân tự lập trở thành người hùng trong đế chế xuất bản của Mỹ, là nhà sáng lập và lãnh đạo tập đoàn truyền thông lừng danh News Corporation. Ông là một tấm gương làm việc không mệt mỏi dù ông đang ở độ tuổi nên nghỉ ngơi và hưởng thụ.


Mặc dù vừa xảy ra scandal hối lộ, tham nhũng liên quan đến News Corporation và bản thân ông Rupert Murdoch đã phải từ chức khỏi hội đồng quản trị của một số công ty con nhưng không thể phủ nhận ông là một tấm gương sáng về nghị lực và bản lĩnh vượt khó.
Theo VeF (Hung Ninh)

Bài đọc thêm:

Đề án giải cứu DN: Nói thì chưa tin được

[Tài chính marketing] Bộ Công thương đang đưa đề án "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp". Tuy nhiên, để thiết thực, doanh nghiệp (DN) cho rằng chính sách của Nhà nước cần đi đúng chỗ và thực thi quyết liệt hơn chứ mới chỉ nói thì chưa tin được.

Nghe nhưng chưa thấy

Điệp khúc DN chịu lãi suất cao, thu hẹp sản xuất, phá sản, hàng tồn kho đã quá quen thuộc. Đã có nhiều hoạt động hỗ trợ được công bố, tuy nhiên cộng đồng DN vẫn cho rằng chỉ nghe chứ chưa thấy.

Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho rằng: Các thông tư, chỉ đạo của thống đốc về vốn vay thì có nhưng hiện nay ngân hàng mức chỉ ở giai đoạn xem xét, đàm phán chứ chư thực hiện đồng bộ, giải quyết thấu đáo cho doanh nghiệp.

Trong khi đó ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cần Thơ nêu quan điểm: "DN có lợi nhuận cao đến mấy cũng không đủ lãi để trả lãi cho ngân hàng. Để giải quyết tình trạng này Chính phủ và NHNN cần phải thay đổi và điều chỉnh, nếu không có biện pháp thì vỡ nợ xảy ra. Nhiều DN mất cân đối, hoạch toán không đúng thì ngân hàng không cho vay. Lãi suất đề ra như vậy nhưng cũng cần có liên tịch và kiểm tra những đầu mối ngân hàng ở TƯ. Đến nay vẫn chưa tìm thấy sự nhất quán giữa NHNN và ngân hàng thương mại nên doanh nghiệp mong vốn cũng chỉ biết nghe các lời hứa từ trên".

Chủ trương của Bộ Công thương là tập hợp nhiều ý kiến của các DN để hoàn thiện đề án trình Chính phủ và đẩy nhanh tiến độ thực thi. Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay thì việc phát triển thị trường trong nước mấu chốt là việc tìm cơ chế để hàng hóa giao lưu. Hầu hết DN cho rằng nên thành lập một tổ công tác chuyên trách ở cấp Bộ để tìm sự liên kết giải quyết giữa nhiều Bộ với nhau bởi tiếng nói của sở không thể đến với các bộ khác.

Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho biết: "Khả năng thực hiện kinh tế năm 2012, nhiều khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang đương đầu, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, phá sản, hàng tồn kho. Bình quân hàng tồn kho 6-2012 tăng 26% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, tiếp cận vốn, lãi suất, đầu vào tăng... tất cả mọi điều này liên quan đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.

Đi cùng doanh nghiệp tới đâu?

Trong khi các DN đang uể oải với tình hình kinh doanh sụt giảm thì sức ép cạnh tranh từ các DN nước ngoài luôn là nỗi ám ảnh. Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng các cơ chế chính sách của nhà nước tác động vào thị trường chưa đủ liều lượng để tăng sức đề kháng trước cạnh tranh. Hàng rào kỹ thuật xây dựng vẫn chưa đủ mạnh để tạo nên một lợi thế nhất định cho các DN nội.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Hoa Sen lo ngại: "Một trong những mối hiểm họa lớn nhất cho việc cạnh tranh của doanh nghiệp nội là chống chọi với tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Thậm chí ngân sách nhà nước thâm hút rất nhiều khi tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó cần một giải pháp cứng rắn và triệt để thì hiện nay cơ chế của ta vẫn đang còn loay hoay. Vì vậy nếu không cứng rắn siết chặt điều này thì doanh nghiệp trong nước sẽ thất bại ngay trên sân nhà nếu "đấu tay đôi" với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nươc ngoài." 

Về vấn đề lãi suất, theo phân tích của ông Vũ thì hiện nay lãi suất có giảm thêm 2 -3% nữa thì DN cũng chưa chắc được cứu. Phần nhiều DN chỉ có thể tiếp cận được vốn nếu lãi suất xuống dưới 10%. Đành rằng thật khó có ngân hàng nào chấp nhận được mức lãi suất như vậy nhưng nếu không mạnh bạo thì dòng thác suy thoái của doanh nghiệp sẽ không thể chặn đứng. Hiện nay không ít doanh nghiệp tồn tại như những "khối u ác tính" hủy hoại cả cơ thể nền kinh tế. Nếu DN chết quá nhiều thì ngân hàng cũng khó sống.

Trong khi nhiều DN gồng mình chịu đựng sự khắc nghiệt của thị trường xuất khẩu thì ngay tại nội địa để giải quyết thủ tục hành chính cũng đang chồng thêm nỗi lo. Các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu lớn là thủy sản, chế biến gỗ, da giày đã kiến nghị với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu tuy nhiên vẫn đề vẫn chưa đi đến hồi kết.

Ông Phạm Thanh Hoan, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần may Việt Tiến cho biết, theo quy định, doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu dành cho gia công xuất khẩu sẽ được ân hạn thuế trong vòng 275 ngày. Tuy nhiên để được ân hạn thuế, DN phải trải qua thủ tục nhiêu khê, phức tạp. DN phải mất nhiều thời gian và chi phí, cần có tài sản thế chấp, phải qua nhiều lần công chứng... Đây là vướng mắc lớn nhất nên đề xuất dung hòa chính sách vĩ mô để tháo gỡ khó khăn này.

Nhiều cơ hội thiết lập chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu có thể sẽ bị bỏ quá nếu như các cơ chế chính sách trong nước còn quá cứng nhắc. Cụ thể như ngành gỗ thành phẩm Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 trên thế giới về xuất khẩu, chỉ đứng sau các nước phát triển như Đức, Ý, Trung Quốc... Với bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay thì nhu cầu tiêu dùng sẽ không còn hướng đến những sản phẩm gỗ giá cao của các nước phát triển thì cơ hội dành cho Việt Nam rất lớn.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, các doanh nghiệp gỗ cần có cơ chế hỗ trợ về vốn vay để đầu tư công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Hiện tại đang có nhiều cơ hội để tận dụng trang thiết bị hiện đại tại các doanh nghiệp đóng cửa ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đang kiến nghị cần lập được chợ hoặc một vùng kinh doanh đồ gỗ để giải quyết đầu ra cho doanh nghiệp và cũng tạo động lực xuất khẩu.

Vì vậy ngoài những biện pháp về thuế, ngân hàng, tài chính nhưng vẫn cần có những biện pháp căn cơ hơn nữa. Dự thảo của đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã được Bộ Công thương xây dựng như là một giải pháp bổ sung. Tuy nhiên để thực thi một cách trơn tru thì còn tùy vào mức độ tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp đến đâu.
Theo VeF (Nam Phong)

Các bài khác:

Wednesday, July 25, 2012

Tài trợ cho Olympic: Một vốn có được bốn lời?

[Thương hiệu] Các nhãn hiệu tài trợ cho Olympic luôn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ Ban tổ chức về các hoạt động quảng cáo. Vậy điều gì đã thu hút các nhãn hiệu đổ tiền của cho giải thi đấu thể thao lớn nhất hành tinh này?

Nguyên tắc của Thế vận hội duy trì hàng trăm năm qua là quảng cáo không được cho phép xuất hiện trong sân vận động, không có logo nhà tài trợ trên trang phục của các vận động viên (ngoại trừ tại Paralympic)...

Đại diện của Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic London (LOCOG) cho biết: “Các quy định của chúng tôi rất rộng và vì thế, bất kỳ chiến dịch nào ăn theo Olympic đều là vi phạm. Kể cả các quảng cáo không nói trực tiếp mà chỉ gợi liên tưởng cũng sẽ bị xử lý”. Thậm chí, vận động viên sẽ bị tước huy chương nếu quảng cáo gián tiếp trên Twitter, Facebook hay blog...

Dù quy định ngặt nghèo nhưng các hoạt động thương mại liên quan đến Olympic vẫn là một cuộc đua tranh quyết liệt. Ngân sách của Chính phủ Anh dành cho tổ chức Thế vận hội năm nay đã lên đến 14,5 tỷ USD so với ước tính ban đầu là 2,4 tỷ USD.

Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã gây quỹ được 4,87 tỷ USD bằng tiền bản quyền phát sóng và các khoản tài trợ bốn năm. LOCOG đã huy động 700 triệu bảng trong tài trợ bán vé và đồ lưu niệm có gắn logo Olympic.

Martin Sorrell, ông chủ của công ty quảng cáo WPP, dự báo Thế vận hội sẽ bơm vào thị trường quảng cáo Mỹ từ 800 triệu USD - 1 tỷ USD năm nay. Còn theo ước tính của ZenithOptimedia, thị trường quảng cáo toàn cầu sẽ đạt 1,3 tỷ USD từ Olympic.

Mười một nhà tài trợ toàn cầu (được gọi là Đối tác hàng đầu Thế vận hội) trả chi phí cho Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để mua quyền sử dụng thương hiệu Olympic. Chỉ có một nhà tài trợ trong mỗi hạng mục thương mại: Coca-Cola cho nước giải khát, Panasonic cho TV...

Giá trị của mỗi hợp đồng được giữ bí mật, nhưng tổng số tiền tài trợ cho 4 năm 2009-2012 là 957 triệu USD. Nhà tài trợ có thể trả bằng tiền mặt, bằng hiện vật, hoặc cả hai.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà tài trợ hàng đầu, chẳng hạn như McDonald’s, Omega, Panasonic và Procter & Gamble đều có chiến lược quảng cáo riêng khi tài trợ cho Olympic, nhưng có điểm chung là tránh “thương mại hóa thô thiển”.

Tất cả các nhãn hàng khi gắn với sự kiện thể thao lớn này đều muốn gắn thương hiệu với tinh thần “chơi đẹp - fair play”, hoặc tận dụng sự lan tỏa toàn cầu.

Cũng chính vì lý do “fair play”, các quan chức của IOC đã phải cân nhắc có nên tiếp tục cho phép hãng đồ ăn nhanh McDonald’s tài trợ cho giải thi đấu thể thao này. IOC lo ngại số người béo phì ngày càng gia tăng trên toàn cầu có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Olympic nếu còn nhận tài trợ từ McDonald’s...

Một nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy, những công ty có những “tài trợ hào phóng” đều có kết quả kinh doanh tốt. Nghiên cứu 51 công ty Mỹ đã bỏ ra hơn 15 triệu USD hằng năm tài trợ (chủ yếu là các môn thể thao) từ năm 2005 và 2009 cho thấy, lợi nhuận ròng của công ty này tăng trưởng nhanh hơn so với các công ty trong nhóm S&P 500 (6,5%-7,8% mỗi năm).

Các nhà tài trợ lớn còn gặt hái kết quả tốt hơn: 16 nhà tài trợ dành trên 160 triệu US tài trợ/năm có doanh thu tăng 22,1% mỗi năm.

Đặc biệt, khi tài trợ cho các sự kiện thể thao lớn, các thương hiệu thường có độ lan tỏa mạnh. Coca-Cola và IBM tài trợ cho thể thao để làm cho người tiêu dùng cảm thấy “ấm áp” hơn về thương hiệu của mình và nâng cao giá trị khi gia nhập thị trường toàn cầu.

Coca-Cola đã tài trợ cho Olympic kể từ năm 1928 và đã ký hợp đồng tài trợ cho tới năm 2020 và hãng này luôn nằm trong nhóm các thương hiệu giá trị nhất toàn cầu. Tuy nhiên, Samsung có lẽ là ví dụ tốt nhất về tận dụng cơ hội tại Olympic.

Năm 1997, hãng này đã qua mặt Motorola để trở thành nhà tài trợ Olympic ở hạng mục điện thoại di động. Đến nay, theo Interbrand, Samsung là thương hiệu giá trị thứ hai tại châu Á (sau Toyota).

Chính vì thế, một nhãn hàng mới nổi tại châu Á là Acer cũng quyết tâm giành quyền tài trợ cho Olympic từ tay đối thủ Lenovo. Theo đó, Acer cung cấp máy tính cho Olympic ở một số khu vực thi đấu, bao gồm các dịch vụ tin học tại Trung tâm điều hành công nghệ Olympic, Trung tâm báo chí, Làng Olympic cho các vận động viên và quan chức thể thao.
--------------------
11 nhà tài trợ cho Olympic 2012

- McDonald’s
- Visa
- Omega
- Acer
- Coca-Cola
- Panasonic
- Procter & Gamble
- General Electric
- Dow Chemical
- Atos
- Samsung

--------------------
Theo DNSG (Hồng Kha)

Mô hình nào cho ĐH tư thục Việt Nam (II)?

[Học marketing] Phương án tối ưu nhất hiện nay là xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập khối các cơ sở đại học tư thục hoàn toàn "không vì lợi nhuận".

Đặc biệt phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm xã hội và giải trình của trường thông qua hành lang pháp lý của nhà nước, các quy chế thích hợp về thành viên của hội đồng quản trị, tức không để cho nhà đầu tư hoặc cổ đông góp vốn khống chế hoạt động của hội đồng quản trị.


Xâu xé lẫn nhau bởi đều vì... lợi nhuận

Ở Việt Nam, theo thống kê, trong khoảng 10 năm (từ 2000 đến 2010), quy mô của các cơ sở GDĐH ngoài công lập tăng từ 22 trường lên 81 trường. Trong khi các cơ sở công lập tăng từ 156 trường lên 331 trường.

Trong 81 trường ĐH, CĐ ngoài công lập, số sinh viên là 254.370, chiếm 14,7% tổng số sinh viên cả nước[1]. Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở GDĐH tư thục gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên- gây ấn tượng xã hội không tốt về khu vực ngoài công lập do chỉ tuyển được sinh viên có chất lượng... kém.

Theo GS. Trần Hồng Quân, các cơ sở GDĐH tư thục thường được xem là "con nuôi" trong khi trường công lập là "con đẻ". Hơn nữa, có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa khối công lập và tư thục vì Nhà nước hỗ trợ khoảng 70% chi phí đào tạo cho trường công trong khi trường tư lại không nhận được hoặc nhận được rất ít sự tài trợ[2].

Mặt khác, trong khi các cơ sở GDĐH công lập phải theo mức học phí qui định của Nhà nước thì các cơ sở tư thục lại được quyền xác định mức học phí của riêng mình (các trường tư chỉ được yêu cầu công khai mức học phí cho xã hội biết).

Thực tế cho thấy do tất cả các cơ sở GDĐH tư thục ở Việt Nam đều là "vì lợi nhuận" nên rất khó để Nhà nước, hoặc thông qua các Bộ, ngành hay UBND cung cấp cho các cơ sở này nhiều hỗ trợ ngoài một số ưu đãi hiện có.

Ngoài ra, bởi vì các cổ đông khi bầu các thành viên của hội đồng quản trị thường đại diện cho lợi ích của nhà đầu tư, và Nhà nước không đóng vai trò chính thức trong ảnh hưởng đến việc ra các quyết định ở trường ĐH tư thục nên việc các nhóm lợi ích xâu xé lẫn nhau bởi tất cả đều "vì lợi nhuận" là điều khó tránh khỏi.

Trong khi các cơ sở GDĐH công lập và tư thục chật vật cạnh tranh và mâu thuẫn lẫn nhau vì lợi ích, thì các trường 100% vốn đầu tư của nước ngoài lại... sống khỏe.

Một ví dụ tiêu biểu là Trường ĐH RMIT. Nhóm các trường này được tự chủ rất cao về các lĩnh vực như quản trị nhà trường, tuyển chọn nhân sự, sinh viên, tài chính ..., trong khi các cơ sở GDĐH Việt Nam gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quyền tự chủ, kể cả 2 ĐH Quốc gia vốn được quyền tự chủ cao hơn các trường ĐH công lập khác.


Sự khác biệt này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH trong nước và quốc tế. "Ngao sò tranh nhau, ngư ông đắc lợi" là điều dễ thấy.

Việt Nam hiện vẫn chưa có qui định pháp lý nào cho phép thành lập các cơ sở GDĐH "không vì lợi nhuận" để có thể dễ dàng hơn trong việc thu hút nguồn tài trợ từ Nhà nước cũng như thu hút các tài trợ tư nhân từ các "mạnh thường quân" và các nhóm như Việt kiều.

Cũng như không có sự hiểu biết sâu rộng về mô hình "phi lợi nhuận" vốn phổ biến ở các nước Đông Á. Mô hình này trên thực tế được hình thành từ các trường ĐH tư hàng đầu của Mỹ.

Trong khuôn khổ của mô hình này, không có các cổ đông cá nhân và vì thế không có việc chia lợi nhuận cho bất cứ cá nhân nào. Tất cả phần lợi nhuận thu được đều tái đầu tư cho cơ sở GD sau khi trừ chi phí thật sự như đã nêu ở Nhật (chứ không phải chi phí... ảo như ở Việt Nam).

Về cơ chế giám sát, QĐ số 61/2009/QĐ-TTg chỉ đề cập 1 phần nhỏ về cơ chế giám sát và thanh tra các cơ sở GDĐH tư thục. Quyết định này để các trường tự điều hành các hoạt động theo các điều kiện hoạt động của họ.

Việc này dẫn đến nhiều rủi ro, đặc biệt là QĐ cho phép các nhà đầu tư toàn quyền quyết định các thành viên của hội đồng quản trị. Theo tác giả Thanh Loan[3], chính bởi những sự nhập nhèm trong quy chế và luật định nên hiện tượng mua bán trường ĐH tư thục đang trở thành vấn đề nhức nhối hiện nay.

Mặc dù nhận ra những bất cập trong QĐ số 61/2009/QĐ-TTg và QĐsố 63/2011/QĐ-TTg về vấn đề "lợi nhuận" và "phi lợi nhuận" nhưng dự thảo Luật GD ĐH (Quốc hội thông qua vào tháng 6/2012 vừa qua) lại không đưa ra rõ qui định về cơ sở GD ĐH tư "phi lợi nhuận" mà chỉ đưa ra 2 phương án (điều 64)[4]:

"1. a) Dành tối thiểu 25% để đầu tư cho hoạt động GD xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

b) Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở GDĐH, thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.

2. a. Cơ sở GDĐH tư thục dành tối thiểu 20% doanh thu của nhà trường và được miễn thuế phần này theo quy định của pháp luật về thuế để tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.

b. Phần đầu tư cho hoạt động GD- ĐT, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý GD, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học, hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội thì được miễn thuế theo quy định của pháp luật. Phần phân phối cho nhà đầu tư và người lao động thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế".

Qui định "phần phân phối cho nhà đầu tư và người lao động thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế" 1 lần nữa cho thấy các trường ĐH tư thục hoạt động không khác gì...1 công ty tư nhân.

Như trên đã đề cập, chính vì hoạt động như 1 công ty nên bài toán tranh giành lợi ích giữa các nhà đầu tư, cổ đông góp vốn và nhà giáo luôn âm ỉ và sẵn sàng bùng phát.

Mô hình nào cho ĐH tư thục Việt Nam?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc né tránh khái niệm "vì lợi nhuận" hay "không vì lợi nhuận" trong GD nói chung dường như là nguyên nhân chính khiến cho khoảng 15 năm nay việc triển khai mô hình ĐH ngoài công lập ở Việt Nam luôn gặp trở ngại.

Vì vậy, nên chăng, tạm thời xem xét xây dựng mô hình trường tư "một phần vì lợi nhuận" hay có "lợi nhuận thích hợp". Theo mô hình này thì sẽ khống chế lợi nhuận của cổ đông góp vốn. Lợi nhuận của trường sẽ chia lãi theo tỷ lệ lãi suất ngân hàng, còn lại sẽ là tài sản sở hữu cộng đồng[5].

Một khả năng khác là xây dựng mô hình hoàn toàn "vì lợi nhuận" nhưng phải chịu mức thuế hoàn toàn giống như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do GD là 1 sản phẩm hàng hóa đặc biệt theo hướng "cận thị trường" (quasi-market) dưới sự giám sát và điều tiết của Nhà nước nên không thể bỏ mặc cho thị trường quyết định.

Do đó, phương án tối ưu nhất hiện nay là xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc thành lập khối các cơ sở ĐH tư thục hoàn toàn "không vì lợi nhuận". Phương án này cho đến nay vẫn chưa được xem xét tích cực ở Việt Nam, mặc dù ở các nước Đông Á và trên thế giới, mô hình "không vì lợi nhuận" này là phổ biến.

Thí dụ như ở Trung Quốc, các cơ sở "không vì lợi nhuận" bao gồm tổ chức công dân được thành lập tự nguyện nhằm đạt được các mục tiêu chia sẻ (như các tổ chức từ thiện và các viện nghiên cứu).

Các cơ sở tư nhân sử dụng tài sản của Nhà nước nhưng được thành lập các tổ chức phi lợi nhuận (trường học, bệnh viện, viện bảo tàng, và các cơ sở nghiên cứu khoa học) cùng với các tổ chức được thành lập với nguồn quỹ hiến tặng nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, GD, văn hóa, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường hoặc xóa đói giảm nghèo.[6]

Chính phủ có thể hỗ trợ quá trình phát triển các cơ sở giáo dục tư nhân này bằng cách vinh danh các "mạnh thường quân" và bằng cách miễn giảm thuế hoàn toàn cho họ cũng như cung cấp các quỹ tài trợ ngân sách tương ứng (chẳng hạn như Nhà nước đồng tài trợ, cung cấp một số đầu tư ban đầu, hay đấu thầu các dự án nghiên cứu và phát triển).

Đặc biệt phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm xã hội và giải trình của trường thông qua hành lang pháp lý của nhà nước, các quy chế thích hợp về thành viên của hội đồng quản trị, tức không để cho nhà đầu tư hoặc cổ đông góp vốn khống chế hoạt động của hội đồng quản trị.

Nên chăng Nhà nước bổ nhiệm các thành viên độc lập bên ngoài vào hội đồng quản trị nhằm cân bằng quyền lực với các nhà đầu tư), cùng với các hoạt động kiểm định chất lượng và kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước và sự tham gia giám sát của toàn xã hội[7].

Đây sẽ là cơ sở cho việc xây dựng và phát triển một nền GDĐH tư thục mạnh, đáp ứng yêu cầu hiện Nghị quyết số 14/2005 của TTCP trong việc đổi mới và làm lành mạnh hóa nền GDĐH nước nhà.
-------------------------------------
[1] http://dantri.com.vn/c25/s25-586632/dh-cong-lap-va-dan-lap-canh-tranh-khong-binh-dang.htm
[2] Như 9
[4] Không rõ bản dự thảo Luật cuối cùng được Quốc hội thông qua chọn phương án nào trong hai phương án trên.
[6] Ngân hàng Phát triển Châu Á (2011). Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Hệ thống quản lý và cơ chế pháp lý cho các tổ chức phi chính phủ. Báo cáo hỗ trợ kỹ thuật. Đề án số: 45515, p. 1
[7] Trích từ Qui hoạch Tổng thể cho Giáo dục Đại học Việt Nam (tài liệu chưa xuất bản).
-------------------------------------
Theo TVN (Đào Văn Khanh)

Kinh tế VN: Cần chọn con đường riêng của mình

[Tài chính marketing] Tôi sẽ không gọi Việt Nam là “Trung Quốc thứ hai”. Nhưng tôi dự đoán rằng Việt Nam sẽ có những thành công vượt trội trong thời gian tới, vấn đề là cần có những quyết định đúng đắn về chiến lược phát triển.

Giáo sư Douglas Coulter, từng giảng dạy tại Đại học Harvard, Đại học Bắc Kinh và Đại học Mátxcơva, là chuyên gia tư vấn và giảng dạy hàng đầu thế giới về chiến lược tái cơ cấu doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp.

Vào đầu tháng 8 tới đây, Giáo sư sẽ tới Việt Nam và tham dự Hội thảo CEO Summit 2012, với chủ đề "Tái cấu trúc doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và Thực tiễn áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam" do Vietnam Report kết hợp cùng VietNamNet tổ chức. Trong vai trò là diễn giả chính của Hội thảo, Giáo sư hi vọng sẽ cùng các doanh nghiệp Việt chia sẻ những hiểu biết của mình về tái cấu trúc thông qua các trường hợp điển hình trên thế giới, từ đó rút ra một số bài học thiết yếu cho quá trình tái cấu trúc.

Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Giáo sư.

1. Đã từng tới Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh, Giáo sư cảm nhận ra sao về lần trở lại Việt Nam này?

Tôi rất có thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam, và thật vinh dự khi được trở lại đây. Từng không may mắn tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, phần lớn chúng tôi đều cảm thấy rất có lỗi vì những hậu quả đã gây ra cho Việt Nam. Chiến tranh là một bi kịch, trước hết cho Việt Nam, nhưng cũng cho cả Mỹ. Cuộc chiến đã ảnh hưởng khá lớn tới Mỹ và làm thay đổi Mỹ cho tới tận ngày nay, theo chiều hướng tiêu cực.

2. Một vài người thường so sánh Việt Nam như "Trung Quốc thứ hai". Theo Giáo sư, sự lựa chọn nào sẽ tốt hơn cho Việt Nam: đi theo con đường hoạch định chiến lược phát triển như Trung Quốc hay lựa chọn con đường của riêng mình?

Việt Nam không thể bắt chước theo Trung Quốc, bởi quy mô dân số của Trung Quốc lớn hơn nhiều, và thực trạng kinh tế Việt Nam và Trung Quốc cũng hoàn toàn khác biệt nhau. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa: dầu, gạo, cà phê, thủy sản. Còn Trung Quốc thì không. Việt Nam không thể phát triển kinh tế theo hướng đi của Trung Quốc, mà Việt Nam phải xây dựng một chiến lược phát triển của riêng mình.

Ngoài xuất khẩu hàng hóa, tôi nhận thấy mô hình kinh tế Việt Nam khá giống Đài Loan, hoặc Hàn Quốc hay Nhật Bản, cũng phát triển về lĩnh vực công nghệ cao, và chú trọng vào công nghiệp nặng. Tuy nhiên, Việt Nam cần thận trọng trong việc tìm kiếm "ngách" riêng của mình, có thể học hỏi kinh nghiệm của Ấn Độ trong việc phát triển lĩnh vực gia công phần mềm. Chất lượng quản trị của Việt Nam sẽ quyết định khả năng tìm ra "ngách phát triển" riêng và nên phát triển nó ra sao.

Tôi sẽ không gọi Việt Nam là "Trung Quốc thứ hai". Nhưng tôi dự đoán rằng Việt Nam sẽ có những thành công vượt trội trong thời gian tới, vấn đề là cần có những quyết định đúng đắn về chiến lược phát triển.

3. Có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy và tư vấn về quản trị doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, theo Giáo sư điểm khác biệt chính trong quản trị doanh nghiệp tại các quốc gia này là gì? Loại hình quản trị doanh nghiệp nào sẽ thích hợp với tình hình Việt Nam hiện nay?

Tại Nga, quản trị doanh nghiệp có đặc điểm tập trung hóa cao trong tay cổ đông lớn và thiếu minh bạch, với 3/5 số công ty cổ phần hiện đang hoạt động được hình thành sau quá trình cổ phần hóa DNNN vào những năm 1990. Cổ đông nội bộ chiếm tới 65% cổ phần và lợi ích của cổ đông thiểu số ít được bảo đảm. Các báo cáo tài chính của các công ty Nga thường thiếu tính minh bạch, điều này có liên quan tới tư duy giữ bí mật trong kinh doanh tại Nga - một "truyền thống" khó xóa bỏ trong một sớm, một chiều.

Tại Trung Quốc, do giá cổ phiếu của một công ty hoạt động kém có thể tăng mạnh như giá cổ phiếu của các công ty hoạt động tốt, các nhà quản lý doanh nghiệp không bị áp lực bởi diễn biến thị trường theo hướng kích thích họ cải thiện tình hình quản trị doanh nghiệp. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Trung Quốc cảm thấy ít áp lực hơn về việc cải thiện trị quản trị doanh nghiệp không phải vì họ không biết cách làm, mà bởi họ nhận định nó không quá cần thiết trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài. Khi bạn đã dự trữ được nhiều tiền, bạn không cần phải trấn an nhà đầu tư nào cả. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang theo đuổi quá trình phát triển nhân tài theo cách quản lý của các công ty đa quốc gia Phương Tây. Sẽ hình thành nhiều phòng ban trong doanh nghiệp với một số giám đốc độc lập, và sẽ có sự cạnh tranh giữa thế hệ tân tiến và những lãnh đạo có tư tưởng cũ.


4. Trong thời kỳ khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào khủng hoảng và đứng trước nguy cơ phá sản. Theo Giáo sư, doanh nghiệp Việt nên áp dụng chiến lược kinh doanh nào tốt nhất trong thời gian tới? Giáo sư nhận định ra sao về vấn đề quản trị doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế?

Diễn biến kinh Việt Nam gần đây không mấy thuận lợi. Bất ổn định kinh tế vĩ mô, thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại tạo ra môi trường kinh doanh khó khăn. Bên cạnh đó, còn là sự phân bổ thiếu cân đối về nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước, và do vậy gây ảnh hưởng không nhỏ tới khối doanh nghiệp tư nhân. Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào nhóm tập đoàn kinh tế lớn và lượng tín dụng cấp cho nhóm này, hơn là dựa vào cải cách và sáng tạo. Nhưng, bạn biết đấy, nhóm doanh nghiệp tư nhân mới là động lực chính thúc đẩy sự đi lên của kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam không có những tập đoàn đủ lớn cả về vốn, quản trị theo chuẩn mực quốc tế để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào tìm kiếm thị trường "ngách" tiềm năng, thân thiện hơn với khách hàng, đặc biệt quan tâm tới dịch vụ giá trị khách hàng. Có thể lấy Haier của Trung Quốc làm ví dụ. Khi Haier quyết định mở rộng thị phần hoạt động ra nước ngoài, thay vì lựa chọn khối thị trường chưa phát triển như vùng Trung Đông, họ chấp nhận cạnh tranh trực tiếp tại khu vực Mỹ và Châu Âu- những nơi buộc họ phải đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng rất cao, và Haier đã chọn cung ứng sản phẩm riêng biệt ít được phân phối trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên chú tâm vào vấn đề quản trị. Bạn không thể sản xuất các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao mà không có quy trình quản lý chất lượng cao tương ứng. Quản trị tốt nên được chú trọng nhiều hơn, thậm chí hơn cả quá trình sản xuất hay marketing.

5. Có những lo ngại về, "lợi ích nhóm" là một trong những trở ngại lớn của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. Theo ông làm thế nào để vượt qua lợi ích nhóm tiêu cực?

Lợi ích nhóm bắt nguồn từ việc cổ phần của nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước rất lớn, thường ở mức 39% ngay cả sau khi đã thực hiện cổ phần hóa. Doanh nghiệp nhà nước thường được đặt dưới sự quản lý của các bộ ban ngành khác nhau. Việc phân chia trách nhiệm sở hữu và nghĩa vụ điều hành không rõ ràng, "một cổ" mà có tới "hai ba tròng". Giải pháp là Việt Nam nên xem xét cho phép nhiều nhà đầu tư chiến lược bên ngoài tham gia vào doanh nghiệp nhà nước. Nhà đầu tư bên ngoài phải có tiếng nói, quyền giám sát, kiểm tra và tác động tới quản lý của DNNN sau cổ phần hóa. Việt Nam nên cân nhắc về tự do hóa việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cho phép tăng sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp nhà nước. Động thái này có thể khiến hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được cải thiện tốt hơn so với doanh nghiệp tư nhân trong nước thuần túy.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!
Theo VeF - Ngô Nga
Các bài khác:

Monday, July 23, 2012

9 xu hướng mới giúp bán lẻ thoát hiểm

[Học marketing] Ngành bán lẻ đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Để tồn tài và phát triển, điều họ phải làm là không ngừng sáng tạo để mang đến cho người tiêu dùng chất lượng phục vụ tốt nhất có thể.

Dưới đây là 9 xu thế mới trong thế giới bán lẻ, và là những lựa chọn cần thiết cho doanh nghiệp để đáp ứng khách hàng.

1. Khách hàng mong muốn có nhiều thông tin hơn và các thương hiệu đang cố gắng đáp ứng nhu cầu đó

Các nhà bán lẻ đang đào đạo đội ngũ nhân viên của mình thành các chuyên gia trong lĩnh vực làm việc của họ.

Để nâng cao chất lượng, Best Buy đã tiến hành thiết kế lại hệ thống các cửa hàng trong đó ưu tiên cho nhiều khu vực dịch vụ khách hàng. Bên cạnh đó, nhân viên của Best Buy được tham gia những khóa học chuyên sâu để làm tốt hơn nữa vai trò của mình trong việc làm hài lòng các thượng đế.

2. Doanh nghiệp cho phép khách hàng quyết định thay họ


Barclaycard Ring - một dịch vụ thẻ tín dụng mang "sức mạnh cộng đồng" từ Barclays là một ví dụ. Có một diễn đàn ở đó cho phép các thành viên tham gia đóng góp về tính năng, đặc điểm của loại dịch vụ này. Đồng thời các thành viên cũng nhận được những thông tin về những báo cáo tài chính hay những số liệu về tình hình hoạt động để họ có thể biết được dự án đang diễn ra như thế nào.

3. Sử dụng thông tin cá nhân khách hàng để làm hài lòng khách hàng

Có lẽ hơi... e ngại nhưng nếu khách hàng quyết định chia sẻ thông tin nhân với các nhà bán lẻ thì họ sẽ hài lòng hơn về chất lượng phục vụ. Doanh nghiệp sẽ sử dụng những thông tin được cung cấp để tìm ra giải pháp đem lại sự thỏa mãn cho từng đối tượng khách hàng.


Neiman Marcus là một ví dụ. Họ sử dụng ứng dụng "nhận thức vị trí" có tên là dịch vụ NM. Theo đó những thông tin thu thập được về sở thích của khách hàng sẽ được gửi tới đội ngũ nhân viên bán hàng. Và mỗi khi tới cửa hàng, khách sẽ nhận được những chỉ dẫn và gợi ý phù hợp nhất.

4. Người mua được phép tự định giá sản phẩm

Đó chính là một xu hướng mới của thị trường tiêu dùng khi mà mọi người luôn nỗ lực để tìm kiếm những cơ hội mua sắm tốt nhất có thể.

Ứng dụng NetPlenlish cho phép khách hàng tạo ra một danh mục các sản phẩm, sau đó tính toán những thỏa thuận tốt nhất cho toàn bộ danh mục. Và những nhà bán lẻ tham gia sẽ cạnh tranh xung quanh mức giá được yêu cầu.

5. Kỹ thuật số giúp khách hàng kiểm tra sản phẩm tốt hơn

Việc kiểm tra sản phẩm thường chỉ được giới hạn trong các gian hàng, nhưng với sự tiến bộ của công nghệ, giờ đây có những giải pháp đáng tin cậy để kiểm tra trực tuyến.


Nhãn hiệu kính mắt Oakley có dịch vụ cho phép khách hàng thoải mái thử kính ở những điều kiện ngoài trời khác nhau.

6. Sử dụng toán học để giúp khách hàng khám phá sản phẩm mới

Kênh mua sắm xã hội Glimpse tổng hợp số lượng "like" trên Facebook và những dữ liệu xã hội khác để tạo ra những catalog giúp người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các sản phẩm mong muốn.

7. Kỹ thuật số giúp doanh nghiệp phục vụ khách hàng trên quy mô rộng lớn

Việc đáp ứng những nhu cầu tùy thích của khách hàng là nhân tốt cực kỳ quan trọng. Và ngày nay, kỹ thuật số cũng như công nghệ sản xuất đã vào cuộc để giúp các doanh nghiệp có thể phục vụ lượng khách hàng ở quy mô lớn hơn bao giờ hết.

Evolvex, một nhà bán lẻ nội thất Australia cho phép khách hàng lựa chọn và tham gia mua hàng trực tuyến. Khách hàng sử dụng một giao diện trực tuyến để tự thiết kế ra sản phẩm nội thất của mình, và sau đó Evolvex sẽ sửa lại hoặc điều chỉnh sản phẩm theo đúng yêu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.

8. Mọi người sẵn sàng bán sản phẩm cho doanh nghiệp


Mulu.me là một diễn đàn thương mại xã hội cho phép người dùng nhận các khoản hoa hồng khi tham gia hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động mua bán sản phẩm. Người dùng nhận phụ trách một trang sản phẩm nào đó, tự giới thiệu sản phẩm và kiếm những khoản tiền hoa hồng từ đó.

9. Nhờ khách hàng trung thành chỉ dẫn người tiêu dùng thiếu thông tin

Chính các mạng xã hội sẽ tạo đà giúp xu thế này phát triển.

Diễn đàn bán hàng Needle tuyển dụng những khách hàng có hiểu biết sâu về một thương hiệu cụ thể trên mạng truyền thông xã hội và từ đó người mua có thể trao đổi với họ về thông tin cần biết mà không phải mất công tìm kiếm từ nhiều nguồn khác. Các "cố vấn" này sẽ nhận được tiền hoặc phiếu thưởng để mua hàng.

Đại học tư thục Việt Nam: Vì sao bùng nhùng?

[Học marketing] Chính bức tranh "mù mờ"- ĐH "tư thục" hiện nay đã khiến các nhóm lợi ích mặc sức mua bán, sáp nhập, thôn tính, đấu đá và tranh giành lẫn nhau, dẫn đến hậu quả sinh viên là người lãnh đủ!

Cái gọi là Cuộc chiến pháp lý trong các trường ĐH tư thục mà báo VietNamNet ngày 09/7 nêu lên đã tồn tại khá lâu, từ khoảng hơn 10 năm qua chứ không phải đến bây giờ mới nảy sinh. Đã có khá nhiều bài viết và ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà giáo, và các nhà quản lý GDĐH về vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy vì ít khi những ý kiến trên được... lắng nghe và tiếp thu.

Quy định, nhưng chỉ mang tính...hình thức

Lần ngược về những năm 1990, do yêu cầu xã hội hóa GD, các trường ĐH ngoài công lập được hình thành. Tuy nhiên, do "dị ứng" với thuật ngữ "tư thục" nên khái niệm "dân lập" và mô hình trường ĐH dân lập được thay thế.

Theo tác giả Minh Nhật[1] "theo quy chế 86/2000/QĐ-TTg của TTCP, trường ĐH dân lập phải do một tổ chức đứng ra thành lập. Nhưng quy định này chỉ mang tính ...hình thức, bởi trên thực tế, không có tổ chức nào bỏ vốn đầu tư".

Mà vốn là do các cá nhân bỏ ra, trong khi quyền sở hữu tài sản lại xác định: "Tài sản của trường ĐH dân lập sau khi trừ phần vốn góp của tập thể, cá nhân và phần chi phí cho các hoạt động của trường kể cả phần trả lãi vốn vay, vốn góp là tài sản không chia thuộc sở hữu tập thể nhà trường" (điều 36).

Sự không tường minh về sở hữu tài sản cộng với khái niệm có tính... "nửa dơi, nửa chuột" (Luật GD không có mô hình trường dân lập) nên vào ngày 26/5/2006 Phó TT Phạm Gia Khiêm đã ký QĐ 122/QĐ-TTg cho phép 19 trường ĐH dân lập chuyển sang tư thục.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đã phát sinh 2 vấn đề nổi cộm là hình thức sở hữu và quyền lãnh đạo nhà trường.

Về hình thức sở hữu, "với việc xác định tài sản thuộc "sở hữu tập thể" nên phần lớn tài sản của các trường ĐH dân lập sẽ là thuộc "sở hữu tập thể", vì vốn góp của các cá nhân ban đầu là không đáng kể so với giá trị tài sản hiện có.

Nhưng khi chuyển sang mô hình trường tư thục (tài sản thuộc "sở hữu tư nhân") theo Quy chế 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của TTCP, khối tài sản "sở hữu tập thể" ấy sẽ thuộc "sở hữu chung của toàn trường". Điều này khiến người ta nghĩ rằng khối tài sản "sở hữu tập thể" đã bị đem "biếu không" cho trường tư.

Để khắc phục những bất cập trên, ngày 10/11/2011, CP ban hành quy chế 63/2011/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung thay cho Quy chế 61, trong đó có xác định người đại diện cho khối tài sản "tập thể". Nhưng các thành viên của "tập thể" chẳng được hưởng lợi gì từ khối tài sản của họ (cổ tức từ khối "tài sản tập thể" không được phân chia mà để tăng thêm vốn tích lũy cho trường ĐH tư thục).

Trong quá trình chuyển đổi, người ta lại cố tình "hạ giá" khối tài sản này và không tính đến giá thương hiệu của trường ĐH, với mục đích được mua (hoặc "thôn tính") trường với giá rẻ nhất có thể...

Tất cả đã làm cho tiến trình chuyển đổi hầu như giẫm chân tại chỗ.

Về quyền lãnh đạo nhà trường cũng phức tạp không kém. Linh hồn của 1 trường ĐH chính là đội ngũ các nhà giáo dục và khoa học của trường đó. Ấy vậy mà trong quy chế về trường ĐH tư thục, người ta chỉ thấy nói đến quyền lực của người có tiền. Tiền càng nhiều thì quyền càng cao, mà không thấy được vị trí của các nhà khoa học, giáo dục.

Để kết luận, tác giả cho rằng "từ 2 bất cập vừa nêu đã kéo theo sự bất phục, chống đối, thậm chí là lôi kéo thành phe nhóm chống đối lẫn nhau giữa những người đang lãnh đạo nhà trường và các nhà đầu tư". Sự rắc rối của các trường ĐH "tư thục" gần đây mà dư luận và báo chí nêu lên là hệ quả bất cập của những chính sách về ĐH "dân lập" và "tư thục".

Mấu chốt của những mâu thuẫn

Thật vậy, có thể thấy chính sách 'xã hội hóa' đã hình thành nên khung đầu tư tư nhân trong hoạt động GD ở Việt Nam. Chính sách này khuyến khích các tổ chức và các cá nhân tham gia phát triển hệ thống GD bằng cách đóng góp chi phí GD của toàn hệ thống.

Ban đầu, "các cơ sở GDĐH dân lập" đã tạo ra một sân chơi khá sòng phẳng. Tuy nhiên, theo thời gian, câu hỏi giải quyết vấn đề lợi nhuận như thế nào càng trở nên rắc rối cũng như câu hỏi làm thế nào để khuyến khích cho việc mở rộng khối tư nhân.

Về các cơ sở GDĐH tư thục, Luật GD năm 2005 qui định "tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn" (điều 67). QĐ số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/01/2005 qui định "toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu của các nhà đầu tư" (điều 35, khoản 5).

Trong QĐ số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 và sau đó là QĐ số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011, các cơ sở GDĐH tư thục đã được trao tư cách pháp nhân, chức năng nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền lợi tương tự như các trường ĐH công lập.

Bên cạnh đó, quyết định này cũng làm rõ, các trường được phép chia lợi nhuận cho các cổ đông theo tỷ lệ vốn góp, với điều kiện là hoàn thành các nghĩa vụ về thuế và phí theo quy định của Nhà nước và các khoản phân bổ cần thiết được Hội đồng quản trị thông qua và có tổ chức họp hội đồng cổ đông.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cơ sở GDĐH tư được công nhận như các các công ty[2].

Có thể nói mấu chốt của những rắc rối, phúc tạp, bùng nhùng và mâu thuẫn nằm ở đây.

Trong NQ số 5/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005, Chính phủ đã cam kết "Nhà nước khuyến khích sự phát triển các loại hình phi lợi nhuận" và văn bản cũng định nghĩa cơ chế phi lợi nhuận là cơ chế mà "lợi nhuận phần lớn được sử dụng cho đầu tư phát triển".

Tuy nhiên, định nghĩa này chưa xác định và phân biệt giữa các cơ sở GDĐH tư thục "vì lợi nhuận"và "không vì lợi nhuận" cũng như chưa có cơ chế ràng buộc lợi nhuận thu được, nên đã tạo nên một bức tranh mờ ảo để các nhà đầu tư và nhóm lợi ích mặc sức trục lợi.

Về vấn đề này, GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết: "Hiện nay, ở phía Nam, người ta bán trường rất nhiều, giống như bán công ty".

Chính bức tranh "mù mờ"- ĐH "tư thục" hiện nay đã khiến các nhóm lợi ích mặc sức mua bán, sáp nhập, thôn tính, đấu đá và tranh giành lẫn nhau, dẫn đến hậu quả sinh viên là người lãnh đủ!

Hãy nghe Gs. Phạm Phụ nhận xét thêm: "Một lớp cơ khí, 300 sinh viên cùng ngồi nhìn một chi tiết thì làm sao học được cái gì. Thầy thì thuê, mâu thuẫn nội bộ triền miên. Cuối cùng, bao thiệt hại dồn hết lên đầu sinh viên, chất lượng sinh viên ngày càng lao dốc.

Nhà đầu tư chỉ luôn nghĩ làm thế nào để thu được nhiều tiền từ đồng vốn bỏ ra chứ họ không nghĩ làm thế nào để nâng cao chất lượng GD"[3].

Hay: "Hiện nay có 2 lĩnh vực siêu lợi nhuận nhất ở Việt Nam là...mở trường tư và xây chùa".

Nhìn ra xứ người

Về qui mô phát triển của khối tư thục, theo QĐ 121/2007/QĐ-TTg, khu vực GDĐH tư thục sẽ chiếm 40% tổng số sinh viên đến năm 2020. Nhưng khả năng hệ thống tư thục sẽ không thể mở rộng nhanh để đạt được mục tiêu này vì một số lý do như chất lượng kém, học phí cao, mâu thuẫn nội bộ, không nhận được tài trợ của Nhà nước.

Ở Hàn Quốc, số sinh viên theo học khối tư thục là rất cao, chiếm 80,08% trong khi ở Nhật là 79,91% và Mỹ là 25,54%[4]. Theo nghiên cứu và đánh giá của các tạp chí giáo dục hàng đầu của Mỹ[5], trong tốp 10 trường ĐH hàng đầu của Mỹ thì có 8 trường là ĐH tư thục:

1. Harvard University

2. Princeton University

3. Yale University

4. Columbia University

5. California Institute of Technology

6. MIT

7. Stanford University

8. Duke University

Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của ĐH tư thục trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao ở các quốc gia phát triển. Mặc dù là trường tư, nhưng các cơ sở này vẫn được Nhà nước tài trợ, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập theo nguyên tắc học phí cao - tài trợ cao (high tuition fee- high aid).

Chẳng hạn như Trường ĐH Waseda nổi tiếng của Nhật, năm 2011 nhận được 14,4% ngân sách tài trợ từ nước Nhật trong khi thu nhập từ các hoạt động khác như dịch vụ, lệ phí, hiến tặng... là 18,6% và học phí là 67%.


Có thể thấy phần lớn kinh phí hoạt động là từ học phí nhưng trong phần chi tiêu của trường nàykhông hề có khoản nào dùng để "chia lời" mà chỉ có các khoản như chi cho nhân sự/ lương bổng là 56,1%. Chi cho GD và nghiên cứu là 39,3%. Chi cho duy tu bảo dưỡng là 3,7% và các khoản linh tinh khác là 0,9%[6]


Ngay cả ở Mỹ, một quốc gia của tự do hóa thị trường, quá trình tư nhân hóa cao độ trong GDĐH cũng gặp nhiều chỉ trích, vì việc sở hữu tư nhân với mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa lợi nhuận, sẽ mang đến những thách thức- làm hoa mắt "nhà đầu tư".

Nhà nước vì thế muốn đẩy mạnh tư nhân hóa thì cần có sự kiểm soát và giám sát buộc các cơ sở GD ĐH tư thục tăng cường trách nhiệm xã hội và giải trình. Bảng dưới đây sẽ cho thấy những đặc trưng tiếp diễn của tư nhân hóa trong GDĐH[7]:

Thành phần
Tính công lập cao


Tính tư nhân hóa cao

Tiến trình tư nhân hóa
1. Nhiệm vụ / Mục tiêu
Mục tiêu phục vụ cho lợi ích công lập của nhà  nước được xác định bởi nhà trường/giảng viên và nhà nước
Mục tiêu phục vụ cho lợi ích của cả công lập và tư thục nhưng được xác định chủ yếu bởi nhà trường/ giảng viên
Mục tiêu chủ yếu đáp ứng yêu cầu cá nhân nghề nghiệp của sinh viên
Mục tiêu chủ yếu phục vụ cho sở thích cá nhân của sinh viên, khách hàng và chủ sở hữu
2. Sở hữu
Công hữu: có thể được thay đổi hoặc đóng cửa bởi nhà nước
Tập đoàn công lập hoặc thực thể pháp lý
Tư nhân phi lợi nhuận: Trách nhiệm xã hội công lập rõ ràng
Tư nhân vì lợi nhuận
3. Nguồn doanh thu
Tất cả từ người đóng thuế hoặc tài trợ công lập
Chủ yếu từ công lập, nhưng có sự chia sẻ học phí
Chủ yếu từ khu vực tư thục nhưng có sự hỗ trợ của nhà nước cho sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn
Tất cả là lợi nhuận tư: Chủ yếu từ  học phí hay lệ thuộc hoàn toàn vào học phí
4. Mức độ kiểm soát của Chính phủ
Kiểm soát chặt chẽ thông qua vai trò của bộ hoặc cơ quan quản lý nhà nước
Chịu sự kiểm soát nhưng mức độ thấp hơn cơ quan nhà nước khác
Mức độ tự chủ cao; kiểm soát giới hạn ở mức độ giám sát
Mức độ kiểm soát hạn chế đối với bất kỳ dịch vụ kinh doanh nào
5. Quản lý
Theo tiêu chuẩn học thuật thông thường; quản trị chia sẻ, chống lại chủ nghĩa quyền hành/ kiểm soát tập trung.
Theo tiêu chuẩn học thuật nhưng chấp nhận sự cần thiết cho hệ thống quản lý hiệu quả
Hạn chế đối với tiêu chuẩn học thuật; kiểm soát quản lý cao
Hoạt động giống như một công ty, theo cách quản lý điều hành của công ty
Nhìn vào bảng trên (cột cuối cùng), có thể thấy quá trình tư nhân hóa cao độ trong GD ĐH sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư chỉ tập trung vào tối đa hóa lợi nhuận. Tức hoạt động hoàn toàn giống như một công ty.

Việc này sẽ dẫn đến việc quên đi mục tiêu cao cả ban đầu của GDĐH là sáng tạo tri thức, truyền đạt tri thức và phục vụ cho lợi ích của nhân loại.

Theo nhận định thống nhất của nhiều chuyên gia về quản trị ĐH trên thế giới, GDĐH chịu sự tác động và chi phối của 3 yếu tố rất quan trọng là nhà nước, nhà trường/chính thể học thuật và thị trường (tham khảo Clark 1983; Becher và Kogan, 1992; Braun và Merrien, 1999, Neave và van Vught, 1994; Goedegeburre và Hayden, 2007).

Tuy nhiên, để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội và tác động của toàn cầu hóa, xu hướng trường ĐH hoạt động như một doanh nghiệp/ công ty (để đảm bảo hiệu quả đầu tư) kết hợp với hương vị "cận thị trường" (để thích ứng với nền kinh tế thị trường nhưng tránh thương mại hóa) dưới sự hỗ trợ, giám sát và điều tiết của nhà nước là mô hình hoạt động tối ưu nhất của các trường ĐH trên thế giới hiện nay[8], bất kể đó là mô hình công lập hay tư thục.

Theo TVN (TS Đào Văn Khanh)

(còn nữa)
---------------------------

[2] Trích từ Qui hoạch Tổng thể cho Giáo dục Đại học Việt Nam (tài liệu chưa xuất bản).


[4] OECD Stat Extracts. Tham khảo từ Shin, J.C & Harman, G. (2009). New challenges for higher education: global and Asia-Pacific perspectives, Asia Pacific Educ. Rev. (2009) 10:1-13


[6] http://www.waseda.jp/zaimu/index-e.html

[7] Như 7

[8] http://gdtd.vn/channel/3062/201005/Huong-di-nao-cho-doi-moi-quan-tri-dai-hoc-Viet-Nam-1927588/
---------------------------

TS Võ Trí Thành: 'Chủ ngân hàng phải trả giá cho nợ xấu'

[Tài chính marketing] Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, khi xử lý nợ xấu, vấn đề quan trọng là bảo vệ người gửi tiền, còn chủ ngân hàng phải trả giá cho kết cục yếu kém.

- Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục công bố một con số nợ xấu tạm tính đến hết quý I/2012 là 8,6% (khoảng 202.000 tỷ đồng), cao gần gấp đôi so với những gì các ngân hàng báo cáo trước đó. Ông đánh giá như thế nào về con số này?

- Nợ xấu tại Việt Nam hiện nay là nghiêm trọng vì chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ, và đặc biệt so với tỷ lệ vốn sở hữu của ngân hàng. Hơn nữa, trong thời gian những tháng qua, tốc độ tăng nợ xấu khá nhanh.

Do đó mà vấn đề xử lý là cực cần thiết, không nhất thiết phải vội vã, nhưng cần kịp thời và tính kiên quyết phải cao, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chu chuyển luồng tín dụng. Nếu tín dụng ách tắc, không chạy được thì quá trình sản xuất kinh doanh càng khó khăn, hệ thống ngân hàng càng thiếu lành mạnh. Mà đây lại là chu chuyển máu cho nền kinh tế, nếu ách lại, thêm nguy hiểm.

- Một số ý kiến cho rằng, đã có 84% nợ xấu có tài sản đảm bảo và số trích lập dự phòng rủi ro là 67.000 tỷ đồng thì không cần đến công ty mua bán nợ 100.000 tỷ nữa, quan điểm của ông như thế nào?

- Nhiều người lập luận, tài sản đảm bảo có thể xử lý một phần đáng kể nợ xấu. Nhưng giá trị các tài sản đảm bảo này (phần lớn là bất động sản) hiện thấp hơn rất nhiều thời điểm hợp đồng vay nợ. Đó là chưa nói đến việc giao dịch cũng không phải dễ dàng. Ngoài ra, cần thấy rằng con số trích lập dự phòng rủi ro so với tổng nợ xấu không đủ lớn.

Tôi nghĩ, để xử lý, cần phải thấy: Thứ nhất là bản thân phần dự phòng ấy không thể đủ xử lý tất cả vấn đề liên quan nợ xấu hiện nay, và vì vậy cần cả các nguồn lực khác, kể cả việc gánh chịu của các chủ đầu tư. Thứ hai, hình thành một thị trường mua bán nợ trong bất kỳ trường hợp nào đều là cần thiết.

- Hiện các ngân hàng cũng có công ty mua bán nợ (AMC) cho riêng mình. Vậy ông nghĩ sao về việc để các AMC này tự giải quyết nợ xấu của mình?

- Nếu chỉ để các AMC của bản thân ngân hàng tự xử lý nợ, thì bảng hạch toán tổng thể sẽ vẫn như vậy. AMC mua bán cái thuộc chính ngân hàng mình, nên nợ xấu vẫn nằm đấy thôi. Ngân hàng có thể phải chịu đau giảm vốn sở hữu để xử lý nợ xấu, song cách “ăn vào vốn” đó cũng chỉ giải quyết được phần nào. Cho nên, cần thiết phải có thị trường mua bán nợ xấu thì mới có thể căn bản giải quyết được vấn đề; ngân hàng cùng với cải cách khác mới thực sự sạch sẽ, lành mạnh hơn.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy chi phí xử lý nợ xấu, vốn hóa lại hệ thống ngân hàng thường rất lớn. Sau khủng hoảng châu Á, phí tổn xử lý của Thái Lan lên tới trên 30% GDP. Việt Nam mình, cuối những năm 1990 cũng đã từng xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng, phí tổn khoảng 5% GDP. Tất nhiên, phí tổn này không phải là tất cả do Nhà nước gánh chịu; song để quá chậm hoặc không xử lý, thì phí tổn đối với cả nền kinh tế còn lớn hơn nhiều.

Vì thế mà người ta nói cần “phòng bệnh hơn chữa bênh”. Việc lành mạnh hóa, nâng cao khả năng giám sát để tránh khủng hoảng và đổ vỡ vĩ mô là cực kỳ quan trọng, nhưng quả thật không dễ. Có những nhà kinh tế đã nói rằng, chúng ta đã mổ xẻ tất cả nguyên nhân khủng hoảng tài chính, nhưng rổi chính chúng ta lại sẽ gặp một cuộc khủng hoảng khác.

- Vậy theo ông, cần làm như thế nào trong khi Ngân hàng Nhà nước cho biết công ty mua bán nợ 100.000 tỷ đồng vẫn chỉ là ý tưởng, và chưa thống nhất thời điểm thực hiện?

- Tôi cho rằng, thành lập một định chế xử lý nợ, cần đảm bảo ba nguyên tắc: Một là định chế đó có đủ quyền hành; hai là có cơ chế giám sát đặc biệt; và ba là tạo được thị trường mua bán nợ có tinh thanh khoản cao.

Khi có ý tưởng thành lập, có người bảo nên là công ty mua bán nợ, người lại đề nghị là ủy ban đặc biệt. Vấn đề quan trọng nhất là định chế đó có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đến đâu. Kinh nghiệm cho thấy, khi khủng hoảng hoặc ván đề trở nên nghiêm trọng, định chế đó cần có quyền hành nhất định, đủ mạnh. Phải rà soát lại rất nhiều văn bản pháp lý liên quan đến mua bán tài sản, sở hữu... để có khung pháp lý thích hợp cho họat động của định chế đó.

Cũng do vậy, và vì vấn đề xử lý nợ xấu rất đặc biệt và gắn với món tiền lớn, nên cơ chế giám sát đối với định chế đó cũng phải thật đặc biệt.

Cuối cùng là định giá, chiết khấu. Tùy thuộc vào mức độ rủi ro của nợ xấu cũng như khả năng thanh khoản mà định giá khác nhau, với mức chiết khấu khác nhau. Tại Việt Nam, chưa có thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa của nó, thế nên rất cần sự hỗ trợ, có thể là nhóm các chuyên gia có năng lực, độc lập, không chịu áp lực “lợi ích nhóm”. Qua đó, tránh thiệt hại không đáng có và góp phần tạo thanh khoản cho giao dịch thị trường.

Hiện nay, ta biết đó vẫn chỉ là một kiến nghị được xem xét. Tôi thì hi vọng, như đã nói, việc xử lý không phải là vội vã nhưng cần quyết liệt vì vấn đề đã rất nghiêm trọng rồi!

- Một thống kê chỉ ra 62% nợ xấu nằm tại nhóm G14 ngân hàng lớn, phần nằm ở các nhà băng “có vấn đề” chỉ 10%. Vậy theo ông, việc tập trung vào xử lý các ngân hàng yếu kém liệu có đang đi chệch hướng?

- Chúng ta cần nhìn nhận nợ xấu một cách tổng thể. Rõ ràng là thời gian vừa qua, có nhiều con số khác nhau đã gây tranh cãi. Nhiều người nói, nếu nợ xấu gắn ở các tập đoàn, tổng công ty đang khó khăn, có nguy cơ đổ vỡ thì con số rất to. Điển hình như trường hợp Vinashin, về bản chất, nợ của tập đoàn này đã có thể coi là nợ xấu rồi. Rõ ràng, mối quan hệ giữa một số ngân hàng thương mại nhà nước với các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước là lớn.

Còn ở các ngân hàng yếu kém, tỷ lệ nợ xấu chỉ 10% nhưng do quy mô ngân hàng và vốn sở hữu nhỏ, nên rủi ro là rất lớn. Vì vậy khi nhìn hai con số nói trên, cần đúc rút được một điều là để xử lý nợ xấu, bên cạnh việc thiết lập một định chế mua bán nợ, còn cần tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng yếu kém, nâng cao chất lượng công bố thông tin, hệ thống giám sát, cách thức quản trị của ngân hàng thương mại theo thông lệ, chuẩn quốc tế.

Mặt khác, số ngân hàng chiếm 10% nợ xấu này thời gian vừa qua thực sự bộc lộ một số vấn đề, gây hỗn loạn trên thị trường tiền tệ. Về lý thuyết, trong thị trường tài chính, rủi ro bao giờ cũng mang tính hệ thống. Tức là một số anh có thể không lớn, nhưng yếu và nếu không xử lý thì sẽ gây rủi ro toàn hệ thống, và sau đó lan ra “cái xấu” ra cả nền kinh tế.

- Ông nghĩ sao khi nhiều người vẫn hồ nghi về khả năng thành công trong giải quyết nợ xấu nếu giao cho Ngân hàng Nhà nước?

- Chúng ta phải hiểu, bản thân việc tạm gọi là “cứu” và những gì trao đổi đã xảy ra rồi. Cái nợ xấu có, là do sai lầm của nhiều khía cạnh, nào chính sách vĩ mô, sự giám sát, bản thân ngân hàng hay mối quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp. Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia. Việc xử lý lần này chắc chắn sẽ chịu phí tổn lớn cho xã hội, nhưng đặt lên bàn cân, nếu không xử lý thì tổn phí đối với nền kinh tế còn lớn hơn.

Phải hiểu, không có gì hoàn hảo và cũng không có ai bảo tôi có thể làm tốt 100% khi đi xử lý số nợ này. Nền tảng ở đây là bảo vệ người gửi tiền, chủ sở hữu ngân hàng cũng phải trả giá cho kết cục yếu kém của ngân hàng. Và can thiệp nhà nước có thể là cần thiết, song phải nỗ lực để tối thiểu hóa chi phí can thiệp đó.

Theo Infonet (Lan Anh)

Các bài khác: